Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thụy Long: Khó nhọc vẫn vui

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thụy Long là một trong những ca sĩ phòng trà đã có hơn mười năm trong nghề với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố… Dẫu hiện nay cuộc sống riêng vẫn còn nhọc nhằn song anh vẫn hài lòng với con đường đã chọn.

Bùi Đình Thụy Long sinh năm 1975 tại Đà Nẵng, 7 tuổi theo gia đình vào sinh sống tại Cần Thơ. Có lẽ niềm đam mê ca hát của Thụy Long là “nhiễm” từ người cha. Ông từng tham gia một ban nhạc đi lưu diễn khắp miền Trung. Nhà ông thường là nơi nhóm nhạc tụ họp để tập luyện, đàn hát, và cậu bé Thụy Long với năng khiếu bẩm sinh đã không bỏ qua những thời điểm tuyệt vời ấy để học lóm những ngón nghề đầu đời trên chặng đường tương lai mà cậu quyết tâm hướng tới: trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Biết được niềm đam mê của con nên người cha hết lòng ủng hộ, và những kết quả ban đầu như giải nhất hội thi Đơn ca mùa xuân tỉnh Cần Thơ hoặc một số giải khác ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, là sự động viên tích cực đối với Thụy Long. Anh mạnh dạn đăng ký học khóa trung cấp đầu tiên (1992 – 1996) của trường Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ.

Thời gian này, Thụy Long vừa học vừa đi hát. Tuy nhiên, như một định hướng từ thuở thơ ấu, giọng baryton trầm ấm của Thụy Long hầu như chỉ hợp với dòng nhạc tiền chiến, một dòng nhạc quá kén khán giả ở miền Tây Nam Bộ, nên vừa tốt nghiệp, Thụy Long khăn gói lên ngay Sài Gòn tìm đất sống. Anh đậu vào khoa Thanh nhạc – Nhạc viện TP.HCM, đồng thời nhờ một người bạn đang là nhạc công giới thiệu, Thụy Long được nhận vào hát hằng đêm ở một vài tụ điểm tại TP.HCM để lấy ngắn nuôi dài…

Tuy nhiên, Sài Gòn không hề là miền đất hứa cho những ca sĩ mới từ tỉnh lẻ chân ướt chân ráo đến như Thụy Long. Đó là những năm tháng đầy gian truân cơ cực, dẫu đã cố gắng thể hiện mình tối đa nhưng anh vẫn chỉ được xếp hát lót cho các ca sĩ “đinh” của phòng trà. Nhiều đêm đường mưa ngập nước, Thụy Long vẫn loay hoay với chiếc xe máy cà tàng chạy tới chạy lui để tìm điểm diễn, vì không rành đường Sài Gòn. Nhiều lúc bị mắc mưa hoặc bị các xe khác té nước, anh ra sân khấu trong bộ quần áo ướt nhẹp vì không còn thời gian và cũng không có bộ đồ sơ-cua để thay đổi… Long đong, lận đận là thế nhưng Thụy Long vẫn nuôi ý định đạt cho kỳ được mơ ước ban đầu. Cái tên Bùi Đình Thụy Long đã thường xuyên xuất hiện trong vòng chung kết các cuộc thi ca nhạc cấp thành phố trong thời gian từ năm 1997 – 2000. Kết quả: 2 giải tư liên tiếp cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM (1997, 1998) và giải nhất Tiếng hát Truyền hình Cần Thơ năm 2000. Tuy Thụy Long không đạt những hạng cao nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM nhưng anh đã có một kết quả đáng trân trọng, bởi không dễ có thí sinh nào tham gia liên tục như thế mà vẫn duy trì được chất giọng của mình.

Nhiều người cho rằng sở dĩ Thụy Long phải chịu thua thiệt là do ngoại hình không bắt mắt, chứ giọng hát của anh chẳng hề thua chị, kém anh trong các cuộc thi. Tuy nhiên, chính nhờ điều này mà Thụy Long ngộ ra rằng, mình chỉ có thể thích hợp với sân khấu và không khí các phòng trà. Anh chấp nhận không xuất hiện trên các sân khấu lớn, không bon chen tìm cách đánh bóng tên tuổi, không mơ đến các fan cuồng nhiệt… Nghĩa là anh an phận theo một cách nào đó.

Như để bù đắp, trời cũng không phụ lòng người, Thụy Long được các đồng nghiệp trân trọng, được giới thiệu đi hát ở nhiều nơi: phòng trà Ân Nam, 2B, Đồng Dao, Không Tên, nhà hàng Thanh Niên, bar Yesterday… Sở trường của Thụy Long là các bài hát tiền chiến: Cô láng giềng (Hoàng Quý), Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Mộng dưới hoa, Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương), Hoài cảm (Cung Tiến), Tình khúc mùa đông (Phạm Mạnh Cương)…, và các tình khúc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn. Chính vì chuyên trị dòng nhạc này mà Thụy Long được ca sĩ Ánh Tuyết mời về hát ở phòng trà ATB. Đó là một khích lệ để anh tự tin, gắn bó hơn với thể loại âm nhạc cũng như cách thức đến với công chúng thực sự của mình.

Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Thụy Long: cách đây 3 năm, anh hát hằng đêm ở một phòng trà trên đường Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TP.HCM). Suốt hơn 6 tháng, Thụy Long hầu như không có cơ hội tự chọn bài hát để thể hiện, vì khi anh bước ra sân khấu thì luôn có sẵn phiếu của khán giả yêu cầu anh hát 3 ca khúc “tủ”. Đó là nguồn động viên lớn lao, cũng là niềm hạnh phúc vô bờ đối với một ca sĩ như anh… Chính từ ca hát mà chàng ca sĩ đến từ Cần Thơ đã tìm được người để tổ chức lễ “đeo nhẫn” một cách trang trọng: cô giáo mầm non Phương Hà, người cũng rất thích ca hát và hát cũng rất hay. Tuy nhiên, cô giáo trẻ mê hát này giờ chỉ còn hát ru “cục cưng” của hai người, vì sau hơn 10 năm theo nghề, Thụy Long vẫn còn phải dắt díu vợ con ở ké bên nhà ngoại.

Nói về nghề hát, Thụy Long vẫn có cái nhìn khá lạc quan: “Ca sĩ phòng trà hiện nay đã sống được, tuy nhiên phải biết giữ phong độ nếu không muốn bị đào thải. Hát nhạc tiền chiến không dễ chút nào. Có những ca khúc tôi hát từ rất lâu vậy mà phải đến một lúc nào đó mới thực sự ngộ hết được. Có cảm được ca khúc thì mới thổi được hồn vào đó. Khán giả hiện nay đang có xu hướng trở về với dòng nhạc xưa, trữ tình, lãng mạn, nên các ca sĩ hát dòng nhạc này cũng có đất sống hơn, được công chúng biết đến nhiều hơn, và cũng đã xuất hiện nhiều hơn các ca sĩ trẻ hát rất tốt dòng nhạc vốn đòi hỏi cao này”.

Hà Đình Nguyên (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)