Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Rực rỡ miền đất Rajasthan

Tạp Chí Giáo Dục

 Rajasthan (có nghĩa là “vùng đất của các vì vua”), nằm phía Tây Bắc Ấn Độ, là vùng sa mạc nổi tiếng với những pháo đài, lâu đài của các tước vị hoàng tử qua nhiều triều đại.

Rajasthan có nhiều điểm để du khách thực hiện cuộc hành trình khám phá vùng đất kỳ thú này. Đầu tiên phải nói đến thành phố Jodhpur được mệnh danh là “thành phố xanh”. Sở dĩ, Jodhpur được gọi tên như vậy vì nhà cửa nơi đây đều sơn màu xanh, trông rất mát mẻ.
Jodhpur còn nổi tiếng vì có thành Mehrangarhb – một trong những thành trì huy hoàng nhất Ấn Độ – được xây vào thế kỷ 15. Một con đường rộng trải đá dẫn vào cung điện. Dốc khá cao, đường dài, ngoằn ngoèo qua nhiều vòm cổng đồ sộ.  
Cổng đầu tiên còn in dấu đại bác, vết tích của những trận đánh ác liệt trong lịch sử Jodhpur. Cổng cuối cùng in dấu 15 bàn tay các bà vợ của vua Maharaja Man Singh đã nhảy vào lửa hỏa thiêu theo ông. 
Lên đến nơi, du khách bước vào một cung điện nguy nga, chia làm nhiều gian với những khoảng sân rộng lớn, mặt tiền chạm trổ tuyệt đẹp. Tại đây có 350 phòng, hiện được biến thành viện bảo tàng trưng bày nhiều bộ sưu tập đồ cổ từ thế kỷ 15. 
Du khách có thể tản bộ quanh phố cổ dưới chân thành Mehrangarh, rồi về ăn tối và nghỉ tại khách sạn “di sản văn hóa” Ajit Bhawan – dinh thự của chú vua Maharaja Man Singh. 
Rajasthan còn có thành phố Ranakpur – một trong những trung tâm quan trọng của đạo Jain. Ranakpur nằm trong một thung lũng nhỏ, yên tĩnh, có một tập hợp đền. Đền chính là đền thờ Adinath, một công trình đồ sộ xây bằng đá hoa cương trắng vào thế kỷ 15. 
Bề ngoài ngôi đền Adinath uy nghi, giản dị, nhưng bên trong kiến trúc lại cực kỳ phức tạp và trang hoàng phong phú. Đền gồm 29 gian dành để cúng lễ và trên 1.400 cây cột chạm trổ tinh vi.  
Còn Udaipur (được mệnh danh là “thành phố trắng”) có lẽ là thành phố thơ mộng nhất của vùng Rajasthan với nhiều đồi cao vây quanh hai hồ nhân tạo. Khí hậu ở đây rất dễ chịu, đường phố nhỏ nhắn, ít xe cộ. 
Các ngôi nhà sơn bằng vôi trắng tạo cho thành phố một vẻ đẹp dịu dàng và tinh khiết. Udaipur có nhiều cung điện và công viên, nhưng hai nơi nổi tiếng nhất của Udaipur là City Palace và Lake Palace. 
City Palace là một tập hợp cung điện hùng vĩ xây trên một ngọn đồi cao ngay sát bờ hồ. Từ trên các tháp, các ban công và các sân thượng nhìn xuống thành phố và hồ. City Palace được bao quanh bởi một bức tường cao, có nhiều cổng vào. 
Ở bên trong, đa số các cung điện hiện được biến thành viện bảo tàng. Công trình City Palace được vua Maharaja Man Singh cho xây dựng từ thế kỷ 15 và các thế hệ sau cứ thế mở rộng thêm ra.
Đối diện với City Palace, trên một hòn đảo nhỏ giữa hồ, là cung điện Lake Palace, xây toàn bằng đá hoa cương trắng. Ngày xưa đó là nơi dành cho các hoàng gia dùng để tiếp đãi khách. Giờ đây, Lake Palace đã được biến thành một khách sạn sang trọng, từng được xuất hiện trong phim điệp viên 007 Octopussy.
Jaipur cách Udaipur 440 km. Jaipur được mệnh danh là “thành phố màu hồng”, là thủ đô của vùng Rajasthan và có lẽ là thành phố xưa duy nhất được xây theo lối kiến trúc của một thành thị buôn bán. 
Jaipur được bao quanh bằng những tường thành cao và được chia cắt bằng những đường phố rộng lớn, hai bên đường là những cửa hàng, hầu hết được xây bằng đá hoa cương đỏ, tạo thành một quần thể kiến trúc rất đẹp mắt. 
Người sáng lập ra Jaipur vào đầu thế kỷ 18 là Maharaja Man Singh II – ông vua trí thức có cái nhìn mới, ưa chuộng khoa học, kỹ thuật và say mê thiên văn. Trạm quan sát thiên văn đồ sộ do ông xây cất cách đây 300 năm hiện vẫn còn. Biểu tượng của Jaipur là cung điện Hawa Mahal, xây bằng đá hoa cương đỏ, nằm ngay trung tâm thành phố. Còn được coi là “cung điện gió” – do kiến trúc đặc biệt làm để cho gió thổi vào. 
Cung điện Hawa Mahal xây vào năm 1799, là một công trình độc đáo. Mặt tiền giống như một kim tự tháp, chi chít những cửa sổ. Gần bên Jaipur chỉ có 10 km là thành trì Amber, thủ đô cũ trước khi có Jaipur. 
Thành Amber được xây năm 1592 bởi một vị tướng Rajput dưới đời hoàng đế Akbar, trên một ngọn đồi cao bên cạnh hồ. Từ đường lớn lên thành Amber, du khách có thể đi bằng voi để chiêm ngưỡng một cung điện được trang hoàng theo lối kiến trúc nửa Hindu, nửa Ba Tư.
Còn nhiều thời gian, du khách có thể đến thành phố Agra để thăm lăng Taj Mahal – biểu tượng của Ấn Độ và là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới; thành trì Agra – “thành phố đỏ” trên bờ sông Yamuna, nơi triều đại Moghul đóng đô cai trị gần hết nước Ấn Độ trong thế kỷ 16-17, cung điện Jahangir, Diwan-I-khas, Khas Mahal…
Theo Báo Cần Thơ
 

Bình luận (0)