Cầu Pulau Sài Gòn với hàng loạt khách sạn và cao ốc kề bên |
Dưới mắt nhiều du khách Việt Nam, đi du lịch Singapore là đến với một trung tâm mua sắm khổng lồ mà khu vực tập trung là đại lộ Orchard với rất nhiều siêu thị, cửa hàng, thêm vào vài điểm tham quan như vườn lan, vườn thú đêm (night safari),… và hòn đảo Sentosa lắm trò chơi cho trẻ.
Nhưng nếu có dịp và có thời gian nhiều hơn cho riêng mình thay vì phải hối hả theo lịch tour, bạn hãy thử một lần thăm thú Singapore bằng cách đi thuyền trên dòng sông chảy qua một phần đảo quốc này; hoặc đơn giản hơn nữa là đi bộ dọc hai bên bờ sông…
Bạn có thể đi bằng thuyền máy kiểu dáng cổ điển như thời cách nay vài chục năm được gọi là bumboat, hay đi bằng những chiếc taxi đường thủy (river taxi) tân kỳ. Chuyến đi thường bắt đầu tại kè Boat Quay đến kè Clark Quay hoặc xa hơn là kè Robertson Quay rồi trở lại, tiến ra vịnh Marina và quay về trả khách ở Boat Quay (tùy giá vé: 13 hoặc 18 đôla Singapore).
Trên đường đi bạn thỏa thích ngắm nhìn dọc hai bên thủy lộ những kiến trúc hiện đại tuyệt mỹ như tòa nhà Nghị viện, Bảo tàng Văn minh châu Á cũng như các ngôi nhà cổ thời thuộc địa, những đền thờ cổ kính của người Hoa và người Mã Lai, hai dân tộc đông người nhất ở Singapore. Những bữa ăn với thực đơn đa dạng tại các bờ kè cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Có thể nói chuyến du ngoạn trên sông Singapore giúp cho du khách cảm nhận được một sự đổi thay lớn lao từ quá khứ đến hiện tại ở đảo quốc này: dòng sông còn mang ý nghĩa một dòng sống sinh động, khi mà cái làng chài tăm tối và nghèo khó năm xưa với những di dân đầu tiên đến đây sinh sống nay đã trở thành một cảng biển sầm uất tầm cỡ thế giới.
Câu chuyện dòng sông
Sông Singapore chỉ dài 11km, khởi nguồn từ cầu Tan Kim Seng – tên một doanh nhân người Hoa đã có những đóng góp lớn cho Singapore từ đầu thế kỷ XIX – ở gần trung tâm đảo nhưng thủy lộ này từ hẹp cứ mở rộng dần trước khi đổ ra biển ở vịnh Marina, nơi có tượng sư tử biển Merlion nổi tiếng, biểu tượng của du lịch Singapore mà bất kỳ du khách nào đến đây cũng muốn chụp ảnh dưới chân bức tượng để làm kỷ niệm.
Sông Singapore ngắn, đôi bờ không rộng nhưng có một lịch sử thật đặc biệt. Nó từng là một con sông chết và chỉ được hồi sinh dưới thời Chính phủ Lý Quang Diệu. Trước đó, khi Singapore còn là thuộc địa của Anh, con sông là một thủy lộ để vận chuyển hàng hóa ra cảng biển, hai bên bờ đặc nghẹt những xưởng sản xuất thủ công, nông trại nuôi heo và gà vịt. Chất thải công nghiệp và sinh hoạt, phân chuồng trại chăn nuôi, dầu cặn cùng rác thải từ hằng nghìn xà lan và tàu thuyền vận chuyển cũng như neo đậu trên sông biến con sông thành một túi chứa rác khổng lồ. Hẳn khi đó nó chẳng khác gì sông Tô Lịch ở Hà Nội hay kênh Nhiêu Lộc tại TP.HCM.
Năm 1977, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tiến hành một chương trình 10 năm nhằm tẩy uế dòng sông Singapore và cả sông Kallang dài thứ hai ở đảo quốc (10km). Đến năm 1987, chương trình hoàn tất với một khối lượng công việc khổng lồ: đặt toàn bộ cống ngầm cho thành phố, di dời hàng ngàn xưởng sản xuất, hàng ngàn con tàu sống trên sông và hàng ngàn người buôn bán bên sông, xóa bỏ hàng ngàn nông trại chăn nuôi và các ao cá hai bên bờ, tái định cư hàng vạn người lâu nay sống nhờ hai dòng sông…
Đến năm 1993, con sông Singapore đã thật sự sống lại khi người ta bắt đầu câu cá được dưới dòng nước trong xanh của nó. Trong hồi ký của ông Lý Quang Diệu đã xuất bản và được dịch sang Việt ngữ, tác giả viết: “Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác… Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore. Các cửa hàng và các kho hàng đã được cải tạo thành những quán cà phê, các cửa hàng, các khách sạn…”.
Những chiếc cầu trên sông
Còn một cách khác để khám phá Singapore theo chỉ dẫn của ông Lý Quang Diệu: dạo chơi trên hai con đường ven sông. Bạn có thể đặt một tour đi bộ (walking tour) với hướng dẫn viên tại Singapore Tourist Center, song cũng có thể tự mình thực hiện chuyến đi với một guide book trong tay, hoặc có thể tự tra cứu trước trên Internet để biết các thông tin cần thiết. Ngay khi bạn chưa có gì trong tay ngoài chiếc máy ảnh thì những tấm biển gắn ở khắp nơi cũng cung cấp đầy đủ các thông tin về địa danh, kiến trúc… hay chỉ là một bức tượng bất kỳ nào đó trên đường đi.
Thật dễ chịu khi đi qua những công viên, những khu vườn xanh ngắt bóng cây và tận hưởng sự yên tĩnh, sự trong lành mà dòng sông mang lại, nhất là vào buổi sớm mai hay khi chiều xuống. Hoa muôn hồng nghìn tía trong công viên, trong vườn những khách sạn, những khu nhà ở sang trọng, tiếng chim hót líu lo, những con quạ đen bình thản đậu đó đây và những chú sóc nhỏ nghịch ngợm chuyền cành…
Cầu Robertson không xa Robertson Quay, có kiểu dáng thật thanh lịch, được xây năm 1998, là nơi du khách lưu trú ở các khách sạn hai bên bờ sông qua lại
Nhưng ấn tượng nhất là những chiếc cầu bắc ngang hai bờ sông. Có rất nhiều cây cầu bắc qua các khúc sông hẹp, đoạn từ Robertson Quay đến cầu Tan Kim Seng. Có cầu được thiết kế với hình dáng thật ngộ nghĩnh và đầy màu sắc, có cầu thanh lịch như một vầng trăng khuyết soi bóng ở một đoạn sông phẳng lặng như gương, có cầu lại giản dị như một nốt nhạc hờ hững buông xuống mặt nước xanh trong… Đi qua khúc sông với những chiếc cầu duyên dáng này không thể không nghĩ đến con kênh Nhiêu Lộc và những chiếc cầu thật kém thẩm mỹ được xây cách đây không lâu bắc qua kênh.
Đặc biệt, có một cây cầu tên là Sài Gòn. Chính xác là cầu Pulau Sài Gòn, nối đường Havelock với Robertson Quay. Pulau trong tiếng Indonesia có nghĩa là “đảo”. Tại sao lại là cầu “Đảo Sài Gòn”? Dò tìm, hỏi thăm cư dân địa phương mới biết cái tên hiện nay bắt nguồn từ một cù lao trên sông Singapore, có tên là Đảo Sài Gòn, hòn đảo nhỏ ở giữa hai bờ bắc và nam của Robertson Quay, nhưng nay đảo đã không còn tồn tại sau những chương trình cải tạo dòng sông nói riêng và phát triển thành phố Singapore nói chung.
Ban đầu, chiếc cầu này được xây từ năm 1890, đến năm 1986 thì được phá bỏ để xây mới vì cầu cũ đã quá già nua lại không thuận lợi cho việc phát triển một xa lộ tốc hành. Sau đó, đến năm 1997 cầu Pulau Sài Gòn lại được xây mới với hình dáng như hiện nay. Cầu Pulau Sài Gòn từng được gọi là cầu Đi Bộ (Footbridge) vì nhỏ hẹp, chỉ dành cho khách bộ hành qua lại vào những năm xa xưa, hoặc là cầu… Đồ Tể (Butcher bridge) vì gần đó từng có một lò mổ gia súc.
Biết đâu trên cái đảo Sài Gòn ấy, ngày xưa đã từng là nơi cư trú của những người từ Sài Gòn sang Singapore sinh sống? Tôi thầm nghĩ thế khi rảo bước qua cầu trở về khách sạn kề bên, nơi tôi lưu trú trong chuyến đi thú vị vừa qua…
Cầu Alkaff được xây năm 1997, đến 2004 được họa sĩ Philippines Pacita Abad sơn lại với 52 màu, dùng đến 900 lít sơn. Cầu dài 55m, có hình dạng của một chiếc tongkang (thuyền nhỏ, thường dùng vận chuyển hàng hóa trên sông Singapore vào đầu thế kỷ XX)
Theo Doanh nhân SG cuối tuần
Bình luận (0)