Một năm học mới lại đến, những cô cậu học trò nô nức với cặp sách mới chuẩn bị tới trường. Trong câu chuyện về những người đưa đò thầm lặng, những chuyến đò của họ qua bao mùa tựu trường không chỉ chở đầy chữ mà còn đầy ắp tình người…
Thầy Tạ Văn Cương đang dạy chữ cho em Linh để kịp bắt nhịp tựu trường cùng các bạn |
1.Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), những ngày cuối hè vẫn rộn ràng tiếng trẻ – những em học sinh tới trường tham gia các CLB ngoại khóa, vui chơi như bao nhiêu ngôi trường khác trên thành phố này kể từ ngày ngành giáo dục quyết định mở cổng trường hè để phục vụ HS, bà con nhân dân hai năm trở lại đây. Nhưng ít ai biết rằng, song hành với các hoạt động ấy, có một lớp học đặc biệt với một học trò và 6 giáo viên giảng dạy đã miệt mài đi qua hết mùa hè để bù đắp một phần thiệt thòi cho học sinh. Câu chuyện có một không hai diễn ra ở ngôi trường vùng đông thành phố suốt 32 năm qua, kể từ ngày thành lập.
Thầy Tạ Văn Cương, Phó Hiệu trưởng nhà trường bảo: “Những người làm công tác giáo dục như chúng tôi, hẳn ai nghe câu chuyện về em học sinh ấy cũng sẽ làm như vậy!”. Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 4 tháng, khi nhà trường nhận được thông báo từ một vị phụ huynh đang có con theo học tại trường về trường hợp một bé gái dân tộc thiểu số cùng cha mẹ từ Nghệ An chuyển đến cư trú trên địa bàn phường Phước Mỹ. Lô Thị Huyền Linh, dù đã 10 tuổi nhưng không được đến trường. Ngay sau thông tin ấy, nhà trường thông báo với Phòng GD quận và cấp chính quyền địa phương rồi cùng tổ dân phố đến tận nhà vận động phụ huynh. Thầy Cương kể: “Ban đầu gia đình cũng chưa mặn mà lắm trong việc cho con đến trường, nhưng thuyết phục mãi, họ cũng đồng ý cho con đi học. Vì gần cuối năm học, không thể cho cháu vào lớp nào nên nhà trường tạo điều kiện cho cháu học chữ ngay tại phòng của Ban giám hiệu, buổi trưa cho cháu ăn bán trú miễn phí để theo học”. Kết thúc năm học, lớp học một thầy một trò với 50% số tiết do thầy Cương phụ trách, phần còn lại chia đều cho 5 giáo viên khác được duy trì ngày hai buổi để tiếp sức cho Linh. “Hiện em đã học hết chương trình toán và Tiếng Việt lớp 2, song song với việc học tiếp, các thầy cô đều giành thời gian nhắc lại kiến thức cũ để em nắm bắt. Linh rất nhanh nhẹn và tiếp thu bài rất tốt”, thầy Cương bộc bạch.
Cận kề ngày khai giảng, lớp học độc nhất vô nhị với một trò, 6 thầy cô giáo vẫn đều đặn diễn ra, như 4 tháng qua. Linh chia sẻ: “Hồi ở quê con cũng được đi học mẫu giáo, nhưng sau đó mẹ cùng ba dượng vào Đà Nẵng, con phải theo mẹ nên không được đến trường nữa. Được đến trường học chữ con rất vui. Các thầy cô rất quan tâm đến con, ở đây khi vào lớp con sẽ có nhiều bạn mới chứ không buồn như hồi ở mãi trong nhà trọ nữa!”. Thầy Cương cho biết, nhà trường sẽ thành lập hội đồng kiểm tra, đánh giá năng lực của bé Linh và sẽ xếp Linh vào lớp học phù hợp với khả năng của cháu hiện tại, bởi cháu đã 10 tuổi, nếu cứ bắt đầu lớp 1 trong khi cháu đã tiếp thu kiến thức hết lớp 2 thì sẽ thiệt thòi thêm cho cháu.
Cô Phan Thị Tình bảo: “Học trò cũng như con mình, gặp khó khăn thì mình giúp đỡ bình thường thôi”. |
Trong câu chuyện của mình, những người đưa đò ấy vẫn luôn thầm lặng, nhưng hạnh phúc lớn nhất với họ là nhìn thấy những học trò trưởng thành. Chỉ ngần ấy, họ lặng lẽ nhận về mình sự hi sinh âm thầm để chắp cánh cho bao thế hệ học trò vươn lên! |
2.Hôm tôi đến nhà viết về nghị lực của cậu bé Phan Ngọc Quý nhà nghèo, mồ côi cha, học giỏi ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Có lẽ đã vuột mất những câu chuyện thật cảm động nếu tôi bỏ qua lời tâm tư của em Phan Ngọc Hân (chị gái Quý) khi tiễn chúng tôi ra ngõ: “Hai chị em em có điều kiện tới trường là nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô, nhất là các thầy cô giáo ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn”. Trên chặng đường ngắn vài trăm bước chân, Hân đã kể cho tôi nghe về hành trình đến trường của em. “Năm em lên lớp 8, thì ba đột ngột qua đời sau một cơn bệnh nặng. Ba mẹ con dựa vào nhau gượng dậy trong căn phòng trọ hơn chục mét vuông, không có thứ tài sản gì có giá trị. Cách đây mấy năm, thành phố xét cấp nhà liền kề cho gia đình em, thế là ba mẹ con từ quận Thanh Khê về quận Ngũ Hành Sơn sinh sống. Em theo học cấp 3 ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn. Chuyện đến trường đã khó, em không dám nghĩ đến chuyện học thêm, thế nhưng qua vài hôm đến lớp, thầy Mai Đăng Khoa cho em học thêm miễn phí môn toán. Tốt nghiệp THPT, em đỗ vào Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, cô Hồ Thị Minh Hòa, giáo viên dạy tiếng Anh nơi em học cấp 3 lại cho mượn xe máy để có điều kiện đi về vừa học, vừa chăm sóc mẹ hay ốm đau. Bây giờ Quý lên cấp 3, thầy Khoa lại cho vào lớp học thêm miễn phí… Hai chị em còn nhận được nhiều lắm những tình cảm của các thầy cô khác, nếu không có sự giúp sức ấy, tụi em khó thực hiện ước mơ của mình”.
Trong dọc dài những câu chuyện đầy cảm động ấy, nhiều thầy cô giáo và học sinh ở ngôi trường này vẫn luôn nhắc nhớ đến cô Phan Thị Tình – cựu nhân viên tạp vụ của trường. 5 năm sau ngày nghỉ hưu, cô Tình sống cuộc sống bình dị trong căn nhà cấp 4, bên con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Hải Châu). Cô khiêm tốn khi nhắc về chuyện giúp đỡ một cậu học trò suốt nhiều năm bằng đồng lương tạp vụ ít ỏi. “Trường đóng chân ở địa bàn còn nghèo khó nên thầy cô giáo ai cũng thương học trò. Người giúp bằng cách này hay cách khác, mình cũng giống như họ thôi”, cô Tình nói. Thương trò từ cái tâm, cô không nhớ bao nhiêu lần bớt những đồng lương của mình để khi giúp học trò nộp học phí, khi thì mua dùm các em cái thẻ bảo hiểm. Cảm động nhất là chuyện, 3 năm liền, cô dùng lương của mình để đóng học phí, giúp một cậu học trò chán chường việc học thoát khỏi “án” bị đuổi học, để tốt nghiệp THPT và có việc làm ổn định. Bây giờ, mỗi năm đôi lần có dịp về quê, cậu học trò ấy lại tìm về cô như tìm về nơi yêu thương thứ hai của cuộc đời.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)