Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn hóa nghệ sĩ… phía sau sân khấu?

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ Giao Linh được nể trọng bởi tài và đức luôn song hành trên sân khấu lẫn cuộc sống đời thường (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Thực tế hiện nay, một bộ phận “người của công chúng” đang dần đánh mất sự tôn trọng của khán giả dành cho mình bởi những hành xử và phát ngôn kém văn hóa. Không chỉ những nghệ sĩ có trình độ văn hóa kém, “thường thường bậc trung” mà cả những “ngôi sao” có học vấn cao cũng bị “nhiễm”. Đã đến lúc cần phải lên tiếng để “người trong cuộc” nhìn lại, đừng để hình ảnh đẹp của mình bị “tuột dốc không phanh” trong lòng hâm mộ của khán giả…
Từ những hành xử kém văn hóa…
Cách đây không lâu, khán giả thật sự ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh nghệ sĩ Hữu Quốc rượt đánh đạo diễn Hoa Hạ ngay tại Rạp Hưng Đạo. Sự việc dẫn đến màn ẩu đả này thật ra chẳng có gì lớn lao, chỉ là sự “ăn chia” tiền bạc không đều giữa hai nghệ sĩ này trong một chương trình văn nghệ mà cả hai hợp tác làm ăn chung. Nếu chịu ngồi lại bàn bạc với nhau một cách êm thắm thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra. Dĩ nhiên, Hữu Quốc phải chấp nhận sự kỷ luật của những người quản lý nghệ thuật trước hành xử kém văn hóa của mình. Nhưng điều đáng nói ở đây, Hữu Quốc và Hoa Hạ là hai tên tuổi được khán giả rất yêu mến, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT? Dư âm của câu chuyện này chưa nguôi thì mới đây, lại thêm một câu chuyện buồn khác cũng làm xôn xao dư luận. Đạo diễn Lê Quý Dương đã cầm nguyên ly bia nện vào đầu đạo diễn – NSƯT Trần Ngọc Giàu trong một bữa tiệc, phải đi khâu nhiều mũi trước sự chứng kiến của nhiều người quản lý ngành sân khấu. Không cần quan tâm đến sự mâu thuẫn của họ căng thẳng như thế nào, mà chỉ thấy rằng việc làm này của Lê Quý Dương là không thể chấp nhận được, cực kỳ thiếu văn hóa và đạo đức trong khi anh đang là một đạo diễn “nổi như cồn”, từng được đào tạo chính quy nhiều năm liền ở nước ngoài, trình độ học thức vào loại bậc cao. Mặc dù Lê Quý Dương đã tổ chức một buổi xin lỗi công khai Trần Ngọc Giàu nhưng điều này vẫn không làm cho khán giả và một số văn nghệ sĩ cảm thấy thỏa mãn?
Vốn có bản tính nóng nảy nhất trong giới nghệ, việc “ngôi sao” ca nhạc P.T. kiện tụng lùm xùm với blogger Cô gái đồ long hay thay bạn làm “người hùng” giải quyết “chuyện tình tay ba” vẫn không đáng trách bằng việc chị “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nữ ca sĩ đàn em N.Y. ngay tại một quán cà phê trước sự hiện diện của đông đảo người hâm mộ. Cũng xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân tận “trời Tây”, nhưng sự việc lại được mang về trong nước giải quyết. Xung đột trên đã khiến khán giả có cái nhìn không thiện cảm với P.T., nhất là về mặt tư cách đạo đức.
… đến những ngôn ngữ khó lọt tai
Nếu một lần nào đó bạn “ghé thăm” hậu trường một sân khấu hay tham dự một cuộc tán gẫu của giới nghệ sĩ, ắt hẳn bạn cũng sẽ như tôi “té ngửa” trước “căn bệnh” nói tục của họ. Nhiều nghệ sĩ – ca sĩ ngày nay dường như đã quên mất những bài học đạo đức mà ngay khi còn đi học lớp 1 đã được dạy. Họ “nói” với nhau bằng những ngôn ngữ rất khó nghe, nhiều khi còn đánh đồng giới tính, tuổi tác của nhau nữa. Như ca sĩ V. chẳng hạn, miệng của anh ít khi nào thốt ra từ nào đẹp đẽ mỗi khi nhắc đến bất kỳ ai, nếu không “con đ…” này thì cũng “bà bóng”, “mẹ thúi” kia trong khi bản thân anh cũng là người đồng tính? Không chỉ ca sĩ trẻ, mà nhiều ca sĩ tên tuổi như B. cũng làm thất vọng người hâm mộ. Một lần trong chương trình biểu diễn từ thiện mừng Phật Đản tại Chùa M., khi biết có “tình địch” của mình là ca sĩ H. (vốn là người tình cũ của chồng cô) tham gia chung, nữ ca sĩ B. đã chặn đầu ca sĩ H. lại “tố” một câu mà vị sư trụ trì đứng kế bên cũng phải trố mắt ngạc nhiên: “Con đ… kia, giật chồng người khác mà cũng đi hát Phật Đản nữa à…”. Trước khi ra về, ca sĩ B. còn hù dọa H.: “Mai mốt thấy có mặt “bà” của mày thì khôn hồn “biến” sớm đi nghen “con”… Lần sau “bà” xé…”. Không thể nói hết ra đây những từ ngữ mà ca sĩ B. dùng. Các phật tử và khán giả hôm ấy có mặt trong hậu trường ai cũng lắc đầu ngao ngán. Không chỉ nói tục mà họ còn lôi chuyện chăn gối của chính mình, của đồng nghiệp ra nói một cách thô thiển rồi cười khanh khách… Chính thói quen “nói chẳng lựa lời” ngoài đời thường mà nhiều khi vô tình, họ mang cả lên sân khấu. Trong một số quán bar hay các chương trình đại nhạc hội ở tỉnh, nhiều nhóm hài hát, nói tục tĩu trên sân khấu mà không hề biết ngượng. Khán giả bực bội thì chỉ còn cách bỏ ra về không xem nữa…
Nói tục, đánh nhau là vi phạm đạo đức của người nghệ sĩ. Thế nhưng, những “người của công chúng” lại xem đó là… “chuyện thường ngày ở huyện”. Thản nhiên nói, thản nhiên làm khiến khán giả không còn tôn trọng. Những ai đã và đi trên “con đường này” xin hãy dừng lại bởi người nghệ sĩ không chỉ có tài mà còn phải có đức, có văn hóa. Văn hóa càng cao thì sự yêu mến của khán giả càng lâu dài.
 
SONG MINH

Bình luận (0)