Y tế - Văn hóaThư giãn

Để quan họ được “sống” với nguyên bản

Tạp Chí Giáo Dục

Lâu nay, nhiều người thường hiểu và cảm nhận quan họ qua trình diễn trên sân khấu hoặc hát trên sóng phát thanh, truyền hình, nhưng thực ra đây chỉ là một hình thức mới nảy sinh trong quá trình phát triển của cuộc sống.

Quan họ tồn tại hàng ngàn năm bởi quan họ đã tạo nên một không gian quan họ, một văn hóa quan họ mà chỉ vùng Kinh Bắc mới có. Người quan họ rất coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi việc, cử chỉ giao tiếp… Để khen bạn, người quan họ rất tinh tế: “Thưa anh Hai, anh Ba… thật là thơm cây, thơm rễ, người giồng (trồng) cũng thơm đấy ạ. Hay Đôi tay nâng chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc uống vào thì say, Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau…”.
Trong sinh hoạt văn hóa quan họ thực sự tồn tại một tình người thắm thiết thủy chung. Những liền chị, liền anh quan họ là những người nông dân hàng ngày lao động vất vả trên đồng ruộng; tối hè trên mảnh sân nhà mình, trên sân đình, nơi cây đa, giếng nước… Họ cất giọng, họ học nhau truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Văn hóa quan họ làm con người Kinh bắc trở nên lịch lãm, tao nhã. Văn hóa quan họ như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn trong đời sống người xứ kinh Bắc.
Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 13 tháng Giêng, người ta lại nô nức đến hội Lim, để mong được xem, nghe, cảm nhận được cái hay cái đẹp của quan họ. Tuy nhiên, hội Lim nhiều năm nay, cho dù đã có những quy định, hứa hẹn của lãnh đạo địa phương, nhưng hầu như không đáp ứng được mong mỏi của du khách bốn phương, khi nghe hát quan họ trên chiếc thuyền nhỏ xíu, trong cái ao nhỏ xíu.
Trên đồi Lim, hàng chục chiếc lều tạm được dựng lên, mỗi lều là một đại diện làng quan họ thi nhau hát qua loa phóng thanh, còn đâu sự tinh tế, tao nhã thắm thiết tình người của quan họ. Trong khu vực lễ hội tràn lan các hình thức kiếm tiền mà bất cứ lễ hội nào hiện nay cũng có. Nếu vậy, e rằng quan họ không tồn tại được bao lâu. E rằng ngay chính những người đến với hội Lim cũng chán dần. Và, nếu như người nước ngoài đến với hội Lim để muốn được biết loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, sẽ thế nào đây?
Để quan họ thực sự tồn tại, vươn xa với sự độc đáo có một không hai thì vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là tạo môi trường để nó được “sống” như nguyên bản của nó và phát triển cùng với cây đa, giếng nước, sân đình, nền tảng đã làm nên những giai điệu mượt mà, đằm thắm… Tạo nên một không gian quan họ, một đời sống văn hóa quan họ như quan họ đã từng có; trong đó vai trò của người dân là cốt lõi, là trung tâm; tránh tạo ra những “sân khấu” chỉ để “diễn” thì quan họ mới thực sự đến với mọi người, mọi nơi.
Lịch sử hàng ngàn năm đã chứng minh, quan họ tồn tại trong lòng người dân bất chấp mọi sự thay đổi, mọi biến cố của đời sống… GS-TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian châu Á đã khẳng định: “Không có ai bảo tồn văn hóa bằng chính người đã sáng tạo ra nó. Hãy trả lại vai trò chủ thể văn hóa cho người dân…”.
Theo SGGP

 

Bình luận (0)