Y tế - Văn hóaThư giãn

Tàu cổ ở Bình Châu khả năng có từ thời Tống – Nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

Một số nhà sưu tầm nhận định tàu cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi) có niên đại thời Minh (Trung Quốc), thế kỷ 15. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng niên đại tàu còn sớm hơn: thời Tống – Nguyên, thế kỷ 14.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cho biết: “Căn cứ vào đồ gốm, sứ; đặc biệt là đồ gốm celadon với những chiếc bát, đĩa, lư hương mang đặc trưng và kiểu dáng, phong cách và kỹ thuật, thì niên đại chiếc tàu này thuộc thế kỷ 14 mới hợp lý”. Kết luận về niên đại này của ông Quân sẽ được công bố tại tiểu ban Khảo cổ học lịch sử, Hội nghị thông báo khảo cổ học toàn quốc hôm nay (27.9).
PGS-TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử cũng cho biết: “Chúng tôi đã so sánh hiện vật từ con tàu này với hiện vật một con tàu thời Nguyên hiện trưng bày tại Bảo tàng Biển quốc gia Hàn Quốc. Sự tương đồng cho thấy hiện vật tàu Bình Châu thuộc thời Nguyên mới đúng”. Cũng theo hai ông, trong số những đồ gốm celadon, có 3 chiếc lư hương nhỏ, dáng hình trụ có 3 chân quỳ, màu ngọc ngả tím, phủ trên toàn bộ khí vật. Loại hình và màu men này khá đặc trưng và mang tính thời đại trong phổ hệ gốm sứ Trung Hoa. “Đây là hiện vật mang phong cách Nguyên rõ nét”, ông Chiến nói.
 
Ba lư hương mang phong cách Nguyên – Ảnh: PGS-TS Nguyễn Đình Chiến
 
 
– Đầu tháng 9.2012, ngư dân phát hiện tại biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện một con tàu cổ bị đắm. Họ đã hút cát và đào phá trái phép cổ vật của con tàu.
– Tháng 8.9.2012, công an, biên phòng tỉnh Quảng Ngãi được huy động để bảo vệ vùng cửa biển thôn.
– Bộ VH-TT-DL đã có công văn cho phép tỉnh tổ chức khai quật khẩn cấp.
– Nguồn tin cho biết có 13 đơn vị nộp đơn xin tham gia đấu thầu khai quật con tàu này.
 
Một hiện vật khác cũng khá phổ biến của gốm sứ thời Tống -Nguyên là một đĩa men trắng, miệng bạc khẩu, giữa lòng in nổi 2 con cá chép ngược chiều nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia, trong phả hệ gốm sứ chính thống của Trung Hoa, chất lượng của chúng cao hơn nhiều. Men trắng ở đây có chất lượng thấp, kỹ thuật tạo tác và nung kém, rất có thể thuộc sản phẩm của lò gốm phía nam Trung Quốc.
Theo ông Chiến, một loạt hiện vật khác cũng có niên đại thế kỷ 14 là một chồng dính kết của 11 cái chậu men nâu da lươn. Lòng phủ kín men, ngoài không có men, đáy phẳng. Ở vết cháy còn có dấu hiệu của những đồng xu. Có điều đáng tiếc là những rỉ, cháy khiến ta không thể đọc được hết chữ trên đó. Tuy nhiên, phỏng đoán từ một số đồng tiền mà ông Chiến được thợ lặn cung cấp cho thấy đó là tiền của thời Bắc Tống như Hoàng Tống thông bảo, Nguyên Phong thông bảo. “Nếu khai quật được các loại tiền này thì đó cũng là căn cứ xác định niên đại cho tàu”, ông Chiến nói. Nhận định này của các ông còn được sự trợ giúp của bộ sưu tập tiền đồng (do một nhà sưu tầm ở TP.Đà Nẵng cung cấp) với khoảng 3 kg, mua được từ con tàu này. Tất cả đều là tiền thời Tống (Hy Nguyên thông bảo, Hoàng Tống thông bảo, Nguyên Phong thông bảo).
Đặc biệt, theo ông Quân, những tiêu bản gốm sứ đã được tiếp xúc vừa qua khá tương đồng với những di vật mà các ông khai quật được trong các ngôi mộ Mường ở Hà Tây và Hòa Bình. Chúng cũng giống với những đồng loại tìm thấy trong lớp văn hóa có niên đại này ở nhiều di chỉ khảo cổ lịch sử Việt Nam. Chúng cũng đã được các nhà gốm sứ Trung Quốc và thế giới từ lâu xếp vào khung niên đại thế kỷ 14.
Ông Quân cho biết cũng tại biển Bình Châu, trước đây, vào năm 1999 đã phát hiện một con tàu đắm khác. Không chỉ có 2 con tàu, biển Bình Châu còn rất nhiều báo dẫn về tàu đắm, chứng tỏ nơi đây là một cửa biển quan trọng của quốc gia Champa và sau này là của Đại Việt. Cửa biển ấy có thể là một hải cảng, một điểm dừng chân của những thương thuyền trên hải trình đến những vùng đất xa xôi.
Theo TNO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)