Y tế - Văn hóaThư giãn

Lãng phí bảo tàng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà mặt phố nhưng đồ đạc cũ kỹ. Địa điểm tốt nhưng ít dịch vụ đắt giá. Nhà trống nhưng của nả thường thui thủi trong kho. Đó là nhận diện chung về bảo tàng trong nước.  
Trống hiện vật, thiếu không gian
Hiện vật chính là linh hồn, vốn sống của bảo tàng. Tuy nhiên, dễ nhận thấy sự yếu ớt của linh hồn này với các bảo tàng trong nước. “Một thực tế dễ nhận thấy ở các bảo tàng Việt Nam hiện nay là số lượng hiện vật còn quá ít, chưa đáp ứng được nội dung trưng bày của bảo tàng”, TS Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết.
Tổng hợp số liệu do các bảo tàng quốc gia cung cấp tính đến năm 2008 cho thấy Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện chỉ có hơn 109.000 hiện vật, Bảo tàng Cách mạng có hơn 83.000 hiện vật, Bảo tàng Hồ Chí Minh có 125.000 hiện vật, Bảo tàng Mỹ thuật có khoảng 18.000 hiện vật. “Những con số này đối với bảo tàng cấp quốc gia rõ ràng không nhiều”, một chuyên gia bảo tàng giấu tên cho biết.
 
Một góc trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Ảnh: Ngọc Thắng
Theo một nghiên cứu của TS Vũ Mạnh Hà, hiện vật đã thiếu, số lượng hiện vật được đưa ra còn ít hơn nhiều. Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, việc đưa các hiện vật gốc ra trưng bày cũng rất hạn chế. Trong tổng số 1.888 hiện vật được sử dụng trưng bày tại bảo tàng thì chỉ có khoảng 236 hiện vật gốc (chiếm 14%) liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này làm giảm giá trị trưng bày của bảo tàng, khiến khách tham quan thấy trống vắng. Thể hiện được tư tưởng, sự nghiệp cũng như cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng chưa đầy đủ.
Thiếu vắng hiện vật dẫn đến nhàm chán và lúng túng trong trưng bày. Thiếu thốn hiện vật được khỏa tạm bằng trưng bày hiện vật phục chế, tài liệu khoa học, tranh ảnh liên quan. “Tuy nhiên, vấn đề gốc của bảo tàng vẫn là hiện vật”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói.
Bảo tàng còn gặp khó vì các không gian được dùng trưng bày trong bảo tàng cũng khập khiễng với mục đích. TS Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết ngoài một số bảo tàng vốn sinh ra để làm bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì các bảo tàng khác đang dùng không gian tận dụng. Ngay ở Bảo tàng Cách mạng, tuy đã ghép nhiều phòng nhỏ nhưng không gian trưng bày của bảo tàng vỡ vụn, không cách gì nối liền.
 
 
Điều tra của Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2007 cho thấy vị trí thấp của bảo tàng Hà Nội – “thủ phủ” của bảo tàng cấp quốc gia – trong nhận thức của khách quốc tế tại Hà Nội. Tỷ lệ ưa thích phố cổ cao nhất chiếm 23,11%, sau đó đến Hồ Gươm (13,67%) và Văn Miếu (12,35). Bảo tàng đứng thứ 5 trong danh sách này (6,31%).
 
Theo TS Hà, những công trình khác được xây vào năm 90 của thế kỷ 20 nhưng khi đưa vào hoạt động còn có nhiều bất cập. Bảo tàng Hồ Chí Minh được xem là công trình bảo tàng hiện đại nhất Việt Nam hiện nay cũng thiếu ánh sáng tự nhiên, thiếu cầu thang cho người tàn tật, thiếu nhà vệ sinh từ tầng 2 trở lên. Bảo tàng Dân tộc học thiếu hệ thống thông gió và điều hòa không khí dẫn đến nóng vào mùa hè, mà phần lớn du khách đến Việt Nam lại vào mùa này. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có phòng trưng bày số 4 với hệ thống ánh sáng như “mê cung” bóng tối. 
Làm chính chưa hiệu quả, làm thêm chưa định hướng
Điểm mạnh của các bảo tàng, đặc biệt là các bảo tàng quốc gia (chủ yếu tại Hà Nội) chính là địa thế đất. Theo đó, phần lớn bảo tàng đều ở thế “nhà mặt phố”, với khuôn viên rộng mở trên những trục đường “dễ làm ăn”. Bảo tàng Lịch sử rộng 13.000 m2 nằm ngay trên phố Tràng Tiền, sau lưng Nhà hát Lớn Hà Nội. Bảo tàng Cách mạng rộng gần 95.000 m2 cũng cách đó chỉ một lần sang đường. Bảo tàng Hồ Chí Minh rộng 72.000 m2 trên mặt đường Bắc Sơn…
Trong một nghiên cứu của mình, TS Vũ Mạnh Hà cho rằng: “Không có một số liệu thống kê nào về giá trị đất đai sử dụng cho hệ thống bảo tàng trên toàn quốc. Nhưng nếu theo ước tính với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện tại của 103/127 bảo tàng với diện tích trên 10 triệu m2 đất có vị trí đắc địa nhất tại các tỉnh, thành phố trong cả nước thì khoản đầu tư này có thể lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng”.
Cũng theo TS Hà, kinh phí nhà nước cấp cho bảo tồn, bảo tàng hiện đứng thứ hai trong số ngân sách cấp cho văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn các di tích thường ngốn khá nhiều ngân sách, vì vậy đầu tư cho hoạt động bảo tàng về thực chất rất thấp. Việc phải tự bung ra của các bảo tàng do đó không tránh khỏi.
Tuy nhiên, sự bung ra này lại chưa chọn lọc. Thậm chí, theo nghiên cứu của TS Vũ Mạnh Hà, nhiều bảo tàng thậm chí đã phải “bung ra” làm các dịch vụ không mấy liên quan đến nhiệm vụ chính. Chẳng hạn, họ đã cho thuê mặt bằng, cho thuê cửa hàng bán bia, bán cơm bình dân để có thể bù đắp thêm một phần kinh phí cho cán bộ viên chức bảo tàng tồn tại. Cũng phải nói thêm, con số cho thấy lương trung bình của cán bộ bảo tàng vào cuối 2006, đầu 2007 chỉ là 1,2 triệu đồng/tháng. Một con số khó đủ sống.
Theo báo cáo tại hội thảo ở TP.HCM năm 2010, chỉ tính trong năm 2009, các hoạt động dịch vụ có thu của các bảo tàng khu vực TP.HCM đã đạt trên 40 tỉ đồng, gấp nhiều lần kinh phí ngân sách thành phố cấp cho hoạt động bảo tàng theo kế hoạch hằng năm. Tuy nhiên, về lâu dài, bảo tàng nên phấn đấu để phần doanh thu bán vé ngày một trội lên – một chỉ báo cho sự phát triển bảo tàng.
Cũng phải nói, nếu các hoạt động chuyên môn chính của bảo tàng có hiệu quả, tiền bán vé tăng không phải điều xa vời. Đơn cử, vé vào Bảo tàng Dân tộc học đã tăng gấp 4 lần so với năm 2005, nhưng lượt người xem vẫn tăng rất nhanh. Tại Bảo tàng Lịch sử, sưu tập “bảo vật hoàng cung” triều Nguyễn nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội chỉ trong hai ngày sau khai mạc đã đón trên 5.000 khách tới tham quan, thu trên 100 triệu đồng tiền bán vé chưa kể các hoạt động dịch vụ khác.
Như vậy, việc rà soát lại thực trạng bảo tàng trung ương, địa phương hiện vô cùng cần thiết. Những câu hỏi về chuyên môn như bảo tàng đang ra sao, làm sao để phát huy nguồn lực (trong đó có cách xã hội hóa), cách tổ chức dịch vụ ở bảo tàng, phương pháp trưng bày hiện vật sẽ quyết định giải pháp cứu bảo tàng – một thiết chế văn hóa quan trọng.

 Theo TNO

Bình luận (0)