Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cô gái da nâu nháy mắt cười

Tạp Chí Giáo Dục

Jenni và NSƯT Mai Châu trong tiệc mừng đóng máy của phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di – Ảnh: Cát Khuê

Jenni Trang Lê – cô gái Mỹ gốc Việt với nước da nâu hồng, nụ cười tươi tắn và cách nói chuyện duyên dáng đã là một hình ảnh quen thuộc với nhiều người trong giới hoạt động điện ảnh ở Sài Gòn vài năm nay.

Chọn học ngành nhân chủng học như một nền tảng tốt nhất để hiểu biết về con người một cách thực chất nhất, song song đó, Jenni học thêm các lớp chuyên ngành về sân khấu, điện ảnh. Khi ra trường, Jenni tự tin đi theo các đoàn làm phim, làm bất cứ việc gì để có kinh nghiệm làm phim sau này. Cô đã không ngần ngại bắt đầu từ việc lo visa cho một đoàn phim hải ngoại, đến việc làm kịch vụ "để gần như lúc nào cũng phải đi muộn về sớm, không bao giờ được ngồi xuống khi đang quay và hết việc thì phải kiếm việc mà làm".

Năm 2006, Jenni cùng 7 người khác nhận được một học bổng trị giá 500 USD/người (học bổng "Armed with a Camera" của Visual Communications dành cho người Á châu ở Mỹ) để thực hiện dự án phim ngắn cá nhân. Đã nuôi trong lòng ước muốn làm một phim hoạt hình từ ý tưởng một câu chuyện dành cho trẻ con mà Jenni đọc được khi còn bé có tựa đề: Bác có phải là mẹ của con không?, cùng với cô bạn cùng phòng Sotheary Bou, Jenni đã làm các con vật bằng đất sét để làm nhân vật của phim. Câu chuyện dễ thương dài hơn 5 phút đã được Jenni trực tiếp điều khiển với 7.920 tấm hình và hoàn thành tác phẩm Oh, mommy (Mẹ ơi).

Jenni Trang Lê sinh năm 1980 tại Texas, Mỹ. Cô tốt nghiệp ngành nhân chủng học của Đại học UCLA (Los Angeles, Mỹ). Đã tham gia thực hiện nhiều phim trong vai trò trợ lý đạo diễn và sản xuất: Holly (đạo diễn Guy Moshe), Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn), Cú và chim se sẻ (đạo diễn Stephan Gauger), Chuyện tình xa xứ (đạo diễn Victor Vũ) và Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di).

Phim kể về một chú chim cút sinh ra từ một quả trứng đã bị lăn ra xa khỏi tổ. Ra khỏi vỏ trứng, chú chim cút đi tìm mẹ. Chú gặp 3 con vật là voi, cọp và tê giác để hỏi (bằng tiếng Việt): Bác có phải là mẹ của con không? Ba con vật trên đã lần lượt trả lời bằng các thứ tiếng khác nhau: tiếng Thái, tiếng Hàn Quốc và tiếng… Triều Châu! Chú chim cút cuối cùng đã tìm được mẹ của mình khi trở lại nơi chú đã nở ra từ quả trứng. "Tại sao mẹ tìm thấy con?". "Vì mẹ là mẹ của con mà", là hai câu thoại tiếng Việt kết thúc bộ phim siêu ngắn mà rất dễ thương này. Bộ phim đã tham dự các liên hoan phim như VIFF, Hawaii, Los Angeles… Jenni bảo: "Con chim đó giống em, em sinh ra ở Mỹ nhưng là người Việt, em cũng hiểu được nhiều thứ tiếng nhưng biết thứ tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng nào…".

Mới trở về TP.HCM sau gần 3 tháng đi theo đoàn làm phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di trong vị trí trợ lý đạo diễn và sản xuất, Jenni ốm đi nhiều và "rất nhớ Sài Gòn". Dự định sắp tới của Jenni là có thể sẽ tham gia vào việc viết kịch bản rồi sản xuất một số phim truyền hình. Jenni cũng muốn làm một phim ngắn để chuẩn bị trở thành một nữ đạo diễn với bộ phim nhựa đầu tiên của mình. "Em mong được thế, vì đạo diễn nữ ít quá. Phim của em sẽ lấy đề tài gì ư? Chắc chắn là về tình yêu rồi!", cô gái da nâu nháy mắt cười.

Cát Khuê (Theo TNO)

Bình luận (0)