Y tế - Văn hóaThư giãn

Vĩnh biệt NSND Trịnh Thịnh – Người đi để lại nỗi buồn

Tạp Chí Giáo Dục

Những người như ông và thế hệ của ông đã sống thật đẹp đẽ, thật tử tế trọn cả hai vai, vai diễn của một con người và vai diễn của một nghệ sĩ. Họ chẳng cần phải lên gân, họ mộc mạc như một thứ gỗ quý trong rừng, suốt đời dâng tặng một thứ bóng mát diệu kỳ cho đời sống.
NSND Trịnh Thịnh (trái) trong phim Vợ chồng A Phủ.
9 giờ 30 phút ngày 12-4, NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau một thời gian điều trị bệnh, hưởng thọ 89 tuổi. Vậy là một cây đại thụ của làng điện ảnh Việt Nam lại tiếp tục từ giã cõi đời, để lại một nỗi buồn mênh mang cho khán giả yêu nghệ thuật. NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926 tại Hà Nội, từng làm việc ở Ngân hàng Đông Dương trước năm 1954. Sau 1954, ông bén duyên với điện ảnh với tư cách là diễn viên lồng tiếng, tham gia sân khấu kịch.
Nửa thế kỷ tham gia nghệ thuật, vai diễn của ông gắn với từng chặng thăng trầm của điện ảnh Việt Nam. Cái tên ông từng là bằng chứng đảm bảo cho sự thành công của một bộ phim, bởi khán giả chỉ cần nghe nói phim có “bác Trịnh Thịnh” là đã biết đó không phải là một bộ phim tồi.
Cách đây hơn một thập kỷ, khi bắt đầu chớm sang cái tuổi xế bóng của cuộc đời nghệ sĩ, tôi đã có dịp được may mắn hầu chuyện ông. Trong căn nhà giản dị ở một khu tập thể cũ trên phố Nguyễn An Ninh, bên bộ bàn ghế đơn sơ, cốc chén mộc mạc của một gia cảnh thanh bần, ông rủ rỉ kể cho tôi về nghệ thuật, về tình yêu mà ông cả đời đeo đuổi.
Không có những tuyên ngôn mạnh mẽ hay quyết liệt về điện ảnh, câu chuyện của NSND Trịnh Thịnh hồi ấy chỉ là những vai diễn mà ông đã trải qua, nỗi buồn về sự sa sút của điện ảnh cũng như những giá trị đạo đức căn cốt ở đời. Giọng nói ông ấm áp, gương mặt ông trầm buồn, nỗi buồn từ đáy tâm can đã thấm ra từng làn da thớ thịt, từng cử động, từng ánh mắt. Nhìn ông khi ấy, ai dám bảo đó là một nghệ sĩ có khả năng chọc cười khán giả bậc nhất của sân khấu phía Bắc cơ chứ?
Ông cùng với các NSƯT Dương Quảng, NSƯT Trịnh Mai đã hợp nên một bộ ba thật xuất sắc của sân khấu phía Bắc. Từ hồi chiếc tivi còn hiếm hoi, các chương trình văn nghệ trên tivi còn ít ỏi, Đài Truyền hình VN cứ phải phát đi phát lại những tiểu phẩm hài do các ông đóng, mà không hiểu tại sao, xem đi xem lại, khán giả vẫn ngả nghiêng cười. Bởi gương mặt của ông đặc sắc quá, đôi mắt có ánh nhìn mãnh liệt xoáy vào tâm can người ta, cái mũi to quá khổ như một điểm nhấn trên khuôn mặt tạo nên một bề ngoài vừa ngô ngố lại vừa tinh quái, rất gây cười.
Cách ông diễn dù vai hài, vai bi cũng đều vô cùng duyên dáng, găm vào tâm trí khán giả những ấn tượng khó phai mờ, bởi ông không diễn bằng động tác mà bằng sự trải nghiệm những trớ trêu, đắng cay, nhí nhố của cõi đời, rồi từ đó mà chắt ra một ánh mắt, một nụ cười.  Chúng tôi nhớ từng vai diễn của ông trong các bộ phim thời kỳ đầu của điện ảnh VN: “Chung một dòng sông”, “Vợ chồng anh Lực”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Vợ chồng A Phủ”, rồi về sau này, là “Giông tố”, “Lá ngọc cành vàng”, “Dịch cười”… nhưng ấn tượng nhất vẫn là “Thằng Bờm”.
Cái dáng đi, dáng chạy, từng điệu bộ của ông trong phim “Thằng Bờm” đã trở thành chuẩn mực. Cái lừ mắt của ông, sự ngớ ngẩn một cách trịnh trọng của cha con ông cháu nhà Bờm đã làm cho khán giả được cười lăn lộn. Có lẽ chỉ ông chứ không phải ai khác, mới chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, cái ranh giới của minh triết và sự ngu độn ở một con người nhiều khi nhập nhèm lắm, quá một tý là trộn lẫn vào nhau.
NSND Trịnh Thịnh và thế hệ của ông, những tên tuổi lớn như những cây đại thụ đã tỏa bóng mát diệu kỳ cho đời sống này. Họ mới là những nghệ sĩ đích thực và đáng kính trọng, những người không từng biết khái niệm “ngôi sao”, phát ngôn gây sốc, hét giá, sang chảnh… Họ chỉ quan niệm nghệ thuật cũng là một nghề và họ đã làm cái nghề ấy, bằng cái tâm, bằng giọt mồ hôi và những nỗ lực cống hiến trong thầm lặng.
Làm sao có thể tìm được những chân dung đẹp đẽ về một con người và một nghệ sĩ đẹp như thế nữa. Một bậc tài hoa đến thế mà vô cùng khiêm cung, giản dị, đi đâu, làm gì cũng đúng giờ, cũng hết sức trách nhiệm, chỉ sợ phiền lụy đến cuộc đời. Vĩnh biệt ông, chúng ta buồn đau, nhưng bù lại cũng phải cảm ơn vì đã có những nghệ sĩ như thế đã đến và đã sống trong cuộc đời này. Người đã thay chúng ta chắt hết những giọt nước mắt từ cõi nhân gian để tạo nên những nụ cười đẹp đẽ, đó là sứ mạng cao cả của những người trồng cây.
* Tang lễ NSND Trịnh Thịnh sẽ được cử hành lúc 14 giờ 45 ngày 15-4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Theo SGGP

 

Bình luận (0)