Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

True Blood – Hình ảnh nhân văn về ma cà rồng

Tạp Chí Giáo Dục

Khán giả có thể xem True Blood trên Cinemax vào tối Chủ nhật, thứ hai hằng tuần.

Sau khi đã làm cho khán giả chán chê với các loại siêu anh hùng, siêu robot…Hollywood một lần nữa lại quay về với đề tài ăn khách truyền thống của họ, những con ma cà rồng. Trên màn ảnh rộng, hãng Paramount Pictures thành công với Twilight, New Moon. Còn trong lĩnh vực truyền hình, series True Blood cũng thu hút khán giả không kém.

Hình tượng bất tử

True Blood với cốt truyện na ná như Twilight, xoay quanh chuyện tình giữa cô phục vụ quán bar có năng lực thông linh Sookie Stackhouse (Anna Paquin) và chàng ma cà rồng trầm tĩnh Bill Compton (Stephen Moyer), nhanh chóng trở thành series phim truyền hình đứng thứ 2 trong danh sách các chương trình được xem nhiều nhất trong lịch sử kênh HBO, sau series The Sopranos. Ngay sau mùa đầu tiên lên sóng, True Blood đã giành nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có một giải Golden Globe và một giải Emmy.

Đã 112 năm kể từ khi những huyền thoại của người Romania về một giống sinh vật lai giữa người và ma quỷ gọi là ma cà rồng được đưa từ trong truyện kể dân gian lên trang giấy tiểu thuyết trong tác phẩm kinh điển Dracula của nhà văn người Ireland, Bram Stoker. Hình ảnh những kẻ hút máu nhợt nhạt sống trong quan tài và chỉ ra ngoài khi đêm xuống nhanh chóng trở thành hình tượng kinh dị được ưa thích và có sức sống mạnh mẽ nhất trong dòng văn học kinh dị Âu-Mỹ. Năm 1922, tác phẩm điện ảnh đầu tiên về ma cà rồng ra đời do người Đức sản xuất. Đó là bộ phim câm Nosferatu với tài tử Max Schreck, người có bộ mặt như thể chỉ sinh ra để đóng vai ma cà rồng với đôi tai nhọn hoắt, vào vai ma cà rồng Bá tước Orlok.

Bộ phim nhanh chóng trở thành thỏi nam châm tại các rạp chiếu phim không chỉ ở Đức mà còn ở Mỹ. Đế chế phim ảnh Hollywood không mất nhiều thời gian để nhận ra “mỏ vàng” béo bở này và nhảy vào khai thác. Năm 1931, vai bá tước Dracula của nam diễn viên người Ý, Bela Lugosi trong phim Dracula đã trở thành hình tượng kinh điển về ma cà rồng trong điện ảnh.

Từ lần đầu xuất hiện vào năm 1922 đến nay, hình tượng ma cà rồng đã tồn tại trên màn ảnh cả lớn lẫn nhỏ được 89 năm. Với “tuổi thọ” này, những con ma hút máu đang dẫn đầu danh sách những hình tượng điện ảnh có sức sống lâu bền nhất.

Nhân văn hơn, sexy hơn

Nếu những ma cà rồng “đời đầu” sống lại, hẳn họ sẽ bất ngờ với những “hậu duệ” của mình như chàng ma cà rồng trẻ tuổi đẹp trai Edward Cullen trong Twilight (Robert Pattinson đóng) hoặc chàng ma cà rồng suy tư Bill Compton trong True Blood. Giờ đây, ma cà rồng không còn đơn giản là một sản phẩm kinh dị dùng để “hù dọa” khán giả yếu tim mà đã trở thành những biểu tượng đầy ám ảnh về chính những “bản năng gốc”. “Con người chúng ta có một mối quan hệ đặc biệt với những quái vật này. Nếu bạn là một người yếu đuối và có phần ngốc nghếch thì việc bị một ma cà rồng cắn và sau đó trở thành ma cà rồng cho phép bạn làm bất cứ điều gì bạn muốn. Điều đó giải thoát bạn ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt thường ngày. Ma cà rồng là một sự trả thù tuyệt vời” – giáo sư Lynne Edwards, người nghiên cứu về hiện tượng ma cà rồng trong nghệ thuật ở trường cao đẳng Ursinus phân tích.

Các ma cà rồng “thế hệ mới” không phải là ma quỷ mà là những con người với khuynh hướng sống khác biệt nhưng luôn cố gắng để hòa nhập vào thế giới loài người. Và hai yếu tố mang tính người nhất trong hình tượng ma cà rồng đang được khai thác triệt để là tình yêu và kèm với điều đó, tất nhiên, là tình dục.

Trở lại với True Blood, toàn bộ nỗ lực mà chàng ma cà rồng 173 tuổi Bill Compton cố gắng đưa mình hòa nhập vào thế giới loài người được miêu tả ẩn dụ qua những đam mê xác thịt trong tình yêu với Sookie. Trong phim, người ta thấy nhan nhản cảnh cô đào gợi cảm Anna Paquin đi thơ thẩn đầy khêu gợi trong những chiếc quần short ngắn đến mức không thể ngắn hơn được. Trong khi đó vai Bill Compton đã biến nam diễn viên ít tên tuổi Moyer trở thành biểu tượng sex trong lòng các khán giả nữ của Mỹ.

Các fan nữ của Moyer tự gọi mình là “Những đứa bé của Bill” hoặc “Những trinh nữ của Moyer”. Gợi cảm và gần gũi chính là chủ ý của biên kịch, đạo diễn Alan Ball khi ông viết ra series True Blood. Alan nảy ra cảm hứng làm True Blood khi đọc cuốn The Southern Vampires Mysteries mà ông mượn đọc trong phòng chờ của nha sĩ. “Câu chuyện đã gây ấn tượng mạnh cho tôi bởi sự hòa quyện của tính bất ngờ, ghê sợ, tình dục, hài hước… và tôi nghĩ nó có thể được làm thành một series phim truyền hình thành công”.

HBO vừa công bố True Blood sẽ được sản xuất và phát sóng thêm một năm nữa sau thành công rực rỡ của hai mùa đầu. Tin vui hơn phải kể đến hai nam nữ diễn viên chính Moyer và Paquin. Sau khi yêu nhau chán chê trong phim, vừa qua họ đã lên kế hoạch làm lễ cưới ngoài đời.

Nguyên Chính (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)