Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Lối ra nào cho kịch bản phim Việt?

Tạp Chí Giáo Dục

Phim Dù gió có thổi – kịch bản Việt “lai”.    Ảnh: S.M

Nhiều hãng phim ra đời, số lượng phim sản xuất mỗi năm một tăng. Nhưng một thực tế đang tồn tại thuộc dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là khan hiếm kịch bản, nhất là những kịch bản hay. Nhiều giải pháp được áp dụng cải thiện tình hình, nhưng xem ra vẫn chưa có thể hy vọng nhiều.
Tràn ngập kịch bản “lai”
Thời gian gần đây, màn ảnh nhỏ bắt đầu tràn ngập những bộ phim Việt “lai” như Cô gái xấu xí, Lẵng hoa tình yêu, Mùi ngò gai, Những người độc thân vui vẻ, Gia đình phép thuật, Người mẹ nhí, Bỗng dưng muốn khóc, Dù gió có thổi… Đây là những bộ phim được các hãng phim mua format từ nước ngoài (chuyển thể Việt hóa) giải quyết chuyện thiếu kịch bản sản xuất phim. Chuyện biến một “đứa con văn hóa” nước ngoài thành con ruột của mình không bao giờ là dễ. Hầu hết các kịch bản “Việt hóa” đều có những tình tiết, lời thoại, cách ăn mặc, hóa trang… khiến người xem không thể quên đi xuất xứ của kịch bản gốc. Điển hình như phim Mùi ngò gai, dù biên kịch người Hàn Quốc có thời gian khá dài để đi thực tế, thâm nhập vào cuộc sống, tìm hiểu văn hóa Việt Nam nhưng xem phim vẫn có nhiều điểm xa lạ với lối sống, suy nghĩ, cách ứng xử của người Việt, giống phim Hàn Quốc nhiều hơn. Bộ phim Hoa dã quỳ, Nguyệt quán… cũng rơi vào trường hợp tương tự. Mong các bộ phim đi sau như hiện nay là Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ, Những thiên thần áo trắng… có sự mới mẻ nào hơn chăng? Bên cạnh đó, việc chuyển thể tác phẩm văn học thành phim cũng đang khá nhộn nhịp. Nó như một cách cứu cánh tích cực cho chuyện thiếu kịch bản hay. Tuy nhiên, khán giả hay săm soi, so sánh giữa tác phẩm văn học và bộ phim. Chính vì vậy dẫn đến không ít bộ phim chuyển thể văn học gây tranh cãi. Nhưng dù sao, các tác phẩm được chọn chuyển thể đều hay, có chỗ đứng trong lòng độc giả, có cái sườn để các biên kịch phát triển câu chuyện.
Một lối ra khác là các đạo diễn kiêm luôn vai trò viết kịch bản cho phim của mình như Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Mỹ Khanh, Hồng Ngân, Lê Bảo Trung, Võ Tấn Bình… Biên kịch và tự tay dựng nó thành phim có lợi thế rất lớn là tránh được sự “lệch pha” giữa biên kịch và đạo diễn. Nhưng ở Việt Nam, những bộ phim kiểu này thành công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lỗi thường thấy là thiếu vốn sống, kéo dài tình tiết, không phản ánh đúng đời sống, suy nghĩ của giới trẻ hoặc người viết lớn tuổi tư duy về lớp trẻ bằng góc nhìn đã cũ…
Cần đầu tư dài hơi cho kịch bản
Giải pháp nào cũng bộc lộ điểm yếu, cũng bị chê… thì đâu sẽ là con đường đi lâu dài cho kịch bản phim Việt? Để có một bộ phim hay cần một kịch bản tốt là đương nhiên. Nhưng hiện nay, lực lượng biên kịch trẻ không nhiều, tác phẩm hầu hết lại đều đều. Tre già mà măng vẫn chưa mọc. Một số nhà văn trẻ có khả năng viết kịch bản tốt thì sau 1-2 kịch bản phim lại xoay sang chạy show vào những công việc khác thu nhập cao hơn. Hiện, nhuận bút của kịch bản phim cũng đã tăng lên rất nhiều. Kịch bản phim truyền hình của các hãng nhà nước thì 5-8 triệu đồng/ tập, còn tư nhân thì từ 8-14 triệu đồng/tập… thu hút nhiều cây bút trẻ vào cuộc nhưng rất ít người có kịch bản đạt yêu cầu của nhà sản xuất. Trong chuyến sang Việt Nam của đoàn điện ảnh Mỹ, nữ biên kịch Susabah Grant ngạc nhiên khi biết ở Việt Nam nhiều đạo diễn tự viết cả trăm tập phim. Bà khuyên rằng: “Một người viết là không bao giờ đủ. Ở Mỹ, một kịch bản thường có 5 người cùng nhau bàn bạc và chấp bút. Phim dài tập có nhiều người tham gia thì kịch bản sẽ hay hơn”. Thời gian qua, nhiều hãng phim Việt đã thực hiện cách tổ chức viết kịch bản theo nhóm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… hay còn gọi là công nghệ chế tác kịch bản được nhiều người đồng tình. Việc Hãng Senaphim mở lớp đào tạo người viết kịch bản theo công nghệ cao cho chính mình và cung cấp kịch bản cho các hãng khác, đây là một trong những cách khá hiệu quả.
Theo nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, người đã “Việt hóa” nhiều kịch bản nước ngoài thì: “Mua format nước ngoài chỉ là một biện pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có sự đào tạo một đội ngũ biên kịch chính quy thì mới có thể đáp ứng nhu cầu của phim truyền hình đang ra đời ồ ạt…”.
 
ĐAN KHANH

 

Bình luận (0)