Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thơ văn có sex mới là hiện đại?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình yêu nam nữ trong văn học Trung Hoa (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Thời gian qua, có rất nhiều dư luận đồng tình và không đồng tình với sự xuất hiện của các cây bút thơ lẫn văn đi theo hướng “sex” trong các tác phẩm của mình. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm nên cần có một cái nhìn thật sự đúng đắn để đi đến chỗ phát triển hay ngăn chặn.
Thực trạng sex trong thơ văn
Vừa qua, trong buổi tọa đàm “Thơ văn trẻ hôm nay” do tuyển tập Áo Trắng tổ chức, nhiều nhà văn, nhà thơ đã mạnh dạn đưa ra một nội dung cần thiết phải trao đổi bởi giá trị thời sự của nó trong tình hình thơ văn trẻ hôm nay: vấn đề sex trong thơ văn, nhất là những tác phẩm thơ văn trên mạng. Nhân tố nào đã làm phát triển vấn đề này. Theo nhà thơ Lê Minh Quốc: “Có nhiều cách lý giải. Nhưng theo riêng tôi cho rằng, những người trẻ, trong sáng tạo văn chương họ luôn muốn làm một điều gì khác với thế hệ đàn anh đi trước, trong đó có sex. Bởi vấn đề này từng bị xem là “cấm kỵ”. Càng “cấm kỵ” thì họ càng muốn lao vào như một cách thể hiện cái gọi là mới trong nhận thức của mình. Thật ra, sex trong văn học là điều hết sức bình thường và xưa cũ. Chính vì bình thường và đã có nhiều người khai thác nên viết như thế nào để… “ra sex” mà không gây phản cảm ở người đọc là điều không dễ dàng. Mà không riêng gì sex, văn học chấp nhận mọi đề tài. Vấn đề còn lại, theo tôi, vẫn là tài năng của người viết. Chính tài năng sẽ cho thấy có trang viết về sex được chấp nhận; nhưng lại có trang viết về sex đem đến người đọc sự phản cảm…”. Cùng cảm nhận, nhà văn Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “Tôi có cảm giác như những cây bút mới ở Việt Nam trong giai đoạn vài năm trở lại đây rất chịu khó cập nhật và “học” theo lối viết “thẳng thừng” và “táo tợn” của dòng văn học sex nước ngoài, cụ thể là trào lưu Linglei của văn học Trung Quốc. Điều đó cũng do tính cách cởi mở trong việc tiếp thu văn hóa đọc và viết, đặc biệt là văn hóa mạng của lứa công dân thế hệ cuối 7X và đầu 8X trở đi. Họ trẻ, năng động, dám thay đổi, ưa gây “sốc” và rất tự tin – tự tin cả trong chuyện sex, ngoài đời lẫn trong văn chương. Thay vì phải chịu đựng, kìm nén để bị ức chế (như những thế hệ trước), họ bùng thoát và tung hê, thể hiện sự “sành sỏi”, “phung phí bản thân” trong các tác phẩm, lắm khi hơn rất nhiều so với thực tế về sex mà họ đã từng trải ở ngoài đời. Thế rồi, hầu hết những tác phẩm có yếu tố sex (dù nhiều hay ít) đều nhận được sự quan tâm (cả thích lẫn không), phản hồi (cả tốt lẫn xấu), đánh giá (cả khen lẫn chê) ầm ĩ hoặc râm ran, từ phía độc giả, hay từ các nhà chuyên môn. Điều này chứng tỏ, không chỉ có những người viết rất tha thiết với nhu cầu được “nói thẳng nói thật” về sex, mà còn có những người thưởng thức rất cần được xem, nghe, đọc, hiểu, bàn luận… nhiều hơn về sex…”.
Thơ văn là cuộc sống, ở đó có những cung bậc tình cảm, có chiều sâu của tâm hồn, có sự thật trần trụi của cuộc sống phức tạp hôm nay. Tuy nhiên, nếu thể hiện vấn đề tốt, không quá lạm dụng yếu tố sex một cách “trần trụi”, thô thiển để “câu khách”, hay gây những scandal “chơi nổi”, thì sex trong văn học vẫn có thể mang tính thẩm mỹ, và chưa hẳn đã không lành mạnh. Bằng như ngược lại, chỉ cần sa đà, buông thả, “xông xênh” một chút đã thành phản cảm, tự “bôi đen”, “vấy bẩn” lên văn chương của chính mình.
Phát triển hay ngăn chặn?
Nhà thơ Lê Minh Quốc thẳng thắn: “Sex là một vấn đề vừa thiêng liêng vừa tầm thường. Thiêng liêng như sex trong thơ Hồ Xuân Hương đa tầng đa nghĩa. Thơ văn sex hôm nay chưa có được sự đa tầng đa nghĩa. Tôi không ủng hộ…”. Còn nhà văn Nguyễn Thu Phương thì: “Tôi cũng không hoan nghênh hay đả kích chung chung việc đưa sex vào văn học. Phải tùy theo mỗi tác phẩm và từng cây bút cụ thể thì mới có thể nói là thích hay không. Có tác phẩm viết sex rất hay và thấm thía. Có tác phẩm tôi đã “không ưa” và “miễn bàn” ngay từ khi mới đọc trên mạng, chưa in thành sách. Một số tác phẩm khác tôi thấy thờ ơ, không hiểu mấy nhà văn đó cố công “nặn” ra những phân đoạn sex và đan xen dày đặc từ đầu tới cuối tác phẩm của họ để làm gì – nếu không vì mục đích… bán văn hay để được chú ý? Cho đến nay, tôi thực sự chưa có nhu cầu viết văn hay làm thơ có sex. Ai có nhu cầu viết sex, đọc sex thì cứ viết và cứ đọc. Đó là chọn lựa riêng của mỗi người. Còn tôi, nói thật là tôi chưa thấy thích một tác phẩm văn học nào có sex của các cây bút nữ Việt Nam trong giai đoạn gần đây cả”. Nhà thơ Đinh Thu Hiền cũng đồng ý: “Đưa sex vào thơ văn phải thể hiện cái đẹp, nếu đánh mất điều này, người viết thơ văn chỉ đủ gây sốc dư luận và sau đó thì chìm đi…”. Nói như nhà thơ Triệu Từ Truyền thì những người viết trẻ nào muốn dùng tính dục như phương tiện để gây tiếng vang, sẽ không thể tạo ra tác phẩm có chỗ đứng lâu dài được. Các tác giả trẻ hiện nay do tay nghề chưa cao nên viết về tính dục dễ gây ngộ nhận là chạy theo thị hiếu của một số độc giả nào đó, vì giữa chủ đề và bút pháp không thật sự hài hòa (như tác phẩm Bóng đè; Năm con ngựa trời…), cầm bút là phải có “sứ mạng”…
“Sex là một hiện tượng trong đời sống. Còn nhà văn – nhà thơ là những người từ đời sống làm ra tác phẩm. Tôi không cho rằng phải có sex trong thơ văn mới là hiện đại” – Bà Nguyễn Thế Thanh – Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch TP.HCM đưa ý kiến của mình như thế!
 
Trần Hoanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)