Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tình đất, tình người hòa quyện

Tạp Chí Giáo Dục

Các ca sĩ Thùy Lâm, Hồ Trung Dũng tham gia chương trình – Ảnh do chương trình cung cấp
Chỉ còn ba ngày nữa, đêm chủ nhật 15.11, cầu truyền hình Thay lời muốn nói (TLMN) nối TP.HCM – Đà Nẵng do Đài truyền hình TP.HCM và Báo Thanh Niên phối hợp thực hiện sẽ được phát trực tiếp trên HTV9, VTV4, DRT2 và tiếp sóng trên một số kênh truyền hình địa phương khác từ 20 giờ 30.

Chưa bao giờ trong một cuộc thực hiện chương trình Thay lời muốn nói lại mang một không khí vừa căng thẳng, vừa nao nức đến thế. “Chiếc cầu” nối với miền Trung, kế hoạch khởi thủy là một chủ đề để nói lên nỗi nhớ quê của những người con xa xứ, đột nhiên  gặp cơn bão số 9, rồi số 11 chà đi xát lại, miền Trung – cái đòn gánh cứ cong oằn vì bão. Thế là ban tổ chức và đơn vị tài trợ quyết định chuyển hướng để nói về cái Khúc ruột quê mình, mỏng manh, dẻo dai, kiên cường và bền bỉ.

Chương trình được chia làm hai phần: Đất miền Trung và Người miền Trung, dù ở tầng ngữ nghĩa nào, Đất và Người vẫn luôn hòa quyện vào nhau. Sức mạnh tinh thần của Thay lời muốn nói lần này, như bao lần, vẫn là ở sự chân thành và đầy xúc cảm từ những lá thư khán giả. Những dòng viết thấm đẫm tình yêu, lòng thương và nỗi nhớ Đất Mẹ, nhớ quê nhà… Thời lượng chương trình không làm sao bao quát hết từng tên người, tên đất, nên hy vọng dẫu có ở miền đất nào, khán giả cũng sẽ vui với một địa danh chung nhất – miền Trung. Rất quý cái tự trào của dân miền Trung: “Chắc miền Trung tôi đáng yêu quá nên bão cũng thương mà ghé thăm hoài’…, rồi: “Đúng là người miền Trung tôi “keo” thiệt. Nhưng chỉ có là người miền Trung mới hiểu. Ăn một bữa phải lo chục bữa…”. Rất thương cái cảm nhận của một người không phải gốc miền Trung, mà cũng đã nhận ra được: “Trời cứ mưa cứ gió và họ cứ vươn lên như cây lúa vẫn trồi lên trong nước, như cá vẫn bơi trong dòng lũ. Họ kiên nhẫn chưa từng  ai có. Họ kiên định như chưa ai kiên định như thế”.

Tính đến hết ngày hôm qua (11.11) đã có thêm các đơn vị đóng góp gửi đến đồng bào miền Trung qua quỹ Chung một tấm lòng của Đài truyền hình TP.HCM và chương trình Một triệu quyển vở, một triệu cây bút cho học sinh vùng bão lũ và quỹ xây nhà tình thương của Báo Thanh Niên.

Hoa Sen Group: 1 tỉ 200 triệu đồng, Tổ hợp Truyền thông đa phương tiện Đất Việt VAC: 500 triệu đồng, Công ty Y dược Quốc tế IMC: 100 triệu đồng, Công ty CP giấy Hải Tiến: 100.000 quyển vở (tương đương 250 triệu đồng), cùng một số cá nhân khác. Số tiền đóng góp cho cả hai chương trình này sẽ được công bố trên cầu truyền hình và đăng chi tiết trên trang web Thay lời muốn nói đêm 15.11.

Câu chuyện của một cư dân “xóm miền Trung nhập cư” ở Tân Bình. Anh không phủ nhận cái cảm giác khó chịu ban đầu khi gia đình anh, tiệm tạp hóa duy nhất trong xóm, lại phải tiếp xúc toàn những người nói giọng “nghe hiểu hổng nổi”, vậy mà dần dần, quán “miễn bán chịu” nhà anh lại thương quý những con người chân chất ấy vô cùng, lại còn đem những tấm gương cần cù, chịu khó và biết lễ nghĩa của họ ra làm bài học răn dạy con cháu. Vui vui mà cảm động với câu chuyện từ một cô gái miền Tây, cũng cái nếp nghĩ cục bộ “không chơi với miền ngoài” mà giờ đây còn mang nợ người bạn miền Trung của mình một lời xin lỗi và cảm ơn vì đã cho mình một bài học về gương sống với đời.

Các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia cầu truyền hình lần này cũng cảm được cái tình thắm thiết dành cho đất và người miền Trung, nên nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chẳng ngại ngần đồng ý cho đổi đi một số ca từ hơi thô mộc nhưng nổi tiếng, ở bài Bạn tôi của anh và người bạn Phan Minh Tấn cho phù hợp với câu chuyện của cô bạn miền Tây vừa kể. Thùy Lâm cũng làm ngạc nhiên các biên tập viên chương trình khi thể hiện bài này khá dung dị, mềm mại. Vũ Quốc Việt thì hăng hái sửa đi sửa lại bản gốc ca khúc Bình thường thôi của anh tới bốn lần, cho đến khi nó hoàn toàn lột tả được tính cách của những người dân miền Trung vượt khó mưu sinh của câu chuyện xóm nhập cư. Hồ Trung Dũng hóa thân vào Bão lũ, một bài hát cũng của Vũ Quốc Việt, đầy cảm xúc, đến nội bộ ê-kíp nghe bản mộc để dàn dựng trước chương trình cũng đã thấy lòng rưng rưng… Các gương mặt quen thuộc vẫn thường xuất hiện trong Thay lời muốn nói lần này cũng mang những cảm xúc đặc biệt. Cẩm Vân – Khắc Triệu trong Sóng về đâu rồi Biển sáng, Mỹ Tâm không thể khác khi đứng hát trên đất quê hương, một bài hát như viết cho cô Quê hương tuổi thơ tôi, Thanh Thúy ướm vào bài Miền Trung thật mỏng manh mà mãnh liệt, Đức Tuấn nhẹ nhàng với Về miền Trung, Vân Khánh cùng Quốc Đại “mời” khán giả về thăm miền Trung trong ca khúc Miền Trung quê mẹ mở đầu chương trình… Minh Tú – Minh Thư của Tam ca Áo trắng ngày nào thật ý nghĩa trong ca khúc Một chút, chuyển đến mọi người thông điệp sống: nếu mỗi người góp một chút lửa nhiệt tình, sẽ nhóm được ngọn lửa tình người ấm áp. Và hơn thế nữa, với tính chất của một cầu truyền hình, những người thực hiện chương trình còn làm cho tính tương tác được đậm nét bằng những cuộc chuyện trò, giao lưu tại chỗ, nên nếu bạn thấy Mỹ Tâm, Vân Khánh hay một vài khán giả nào đó cùng đọc thư với hai người dẫn chuyện ở hai đầu cầu, bạn cũng đừng ngạc nhiên!

Khôi Vũ (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)