Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tôi viết Dạy chữ trong vùng địch

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi viết loạt bài Những nhà giáo đi B thời chống Mỹ như một duyên nợ. Số là cách đây hơn một năm Báo Giáo Dục TP.HCM đang thực hiện một loạt gương sáng nhà giáo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên đa phần họ là những nhà giáo trẻ, có người sinh sau năm 1975 nên hầu như không biết nhiều một thế hệ giáo viên đi trước đã làm việc và cống hiến trong giai đoạn đất nước có chiến tranh. Một lần ngồi trò chuyện, anh Nguyễn Đạt – Thư ký tòa soạn trao đổi: “Trước giải phóng ở các vùng chiến khu có nhiều lớp học trong rừng của cách mạng. Dù chiến tranh ác liệt nhưng các thầy cô vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Họ là những người đã “cắm” chữ trong rừng (chữ dùng của anh Đạt) phải dạy dưới hầm, thiếu bàn ghế sách vở. Đó là những con người và câu chuyện nên viết”. Đi thực tế về và thấy điều anh Đạt nói rất đúng, đề tài hay nên ngòi bút của tôi bắt đầu chuyển hướng. Tôi tìm cách tiếp cận một số nhân vật để phỏng vấn và thu thập tài liệu. Cứ nghĩ có người là có chuyện để viết. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, khó khăn còn hơn tôi tưởng. Có nhân vật trước đó vài tờ báo đã viết chân dung, ký sự nhân vật quá đầy đủ nên tôi không còn gì để khai thác nữa. Có nhân vật do tuổi cao sức yếu nên kế hoạch dù đã đưa ra nhưng cuối cùng đành bỏ dở. Tuy nhiên tôi vẫn gặp may vì nhà giáo Phạm Như Hải là người tôi viết đầu tiên lại rất nhiệt tình và quan trọng hơn tất cả quá khứ vẫn còn nằm trong trí nhớ của ông. Cũng giống như lớp trẻ thời bom đạn, cuộc đời của ông đi qua không biết bao nhiêu biến cố và thăng trầm của cuộc chiến. Ông kể cho tôi nghe những cột mốc của thời gian trong nửa thế kỷ theo cách mạng. Mỗi câu chuyện của ông đi qua rất nhiều địa danh, sự kiện tôi mới nghe tên lần đầu như làng Ho, Lò Gò, Suối Cây… những mật danh như Ông Cụ, Tiểu ban R, B3, Tam giác sắt… Ngoài tư liệu ông Hải còn cung cấp cho tôi một số tấm ảnh còn giữ được trong chiến khu. Cảm động hơn là những tấm ảnh vô cùng quý giá của đồng đội đã hy sinh như liệt sĩ Nguyễn Đức Châu, Nguyễn Văn Ba, Lê Băng Đảng… Lần đầu tiên chấp bút viết về một đề tài xa lạ, có nhân vật chưa một lần diện kiến nên tôi đã phải bỏ nhiều công sức mới có được một sườn riêng cho loạt bài này. Cuối cùng chân dung Những nhà giáo đi B thời chống Mỹ với bút danh Hương Thủy cũng lần lượt ra đời.
Các bài viết dù thực hiện rất vất vả nhưng lòng tôi vẫn tràn ngập niềm vui vì đó không chỉ là trách nhiệm mà còn tình cảm của cả một thế hệ đối với các anh hùng liệt sĩ. Tất cả trở thành chiếc cầu nối để những người đang sống một lần nữa tri ân cho các thầy cô giáo đã hy sinh. Sau ngày báo ra, tôi mang đến biếu cho từng người. Bà Chín Thu đã rớm lệ khi nhìn thấy bức ảnh của nữ liệt sĩ Lê Bạch Cát. Ông Phạm Thanh Liêm, ông Đặng Đức Thưởng tuy không khóc nhưng trong khóe mắt họ có bao điều muốn nói khi thấy đồng chí đã khuất lại trở về trong từng trang báo. Những dòng ký ức giữa khói bom và lửa đạn hiện về trên những con chữ càng bồi đắp thêm tình cảm thương nhớ vong linh các nhà giáo đã hy sinh.
Những bài ký nhân vật đó được Báo Giáo Dục TP.HCM tập hợp thành cuốn sách Dạy chữ trong vùng địch do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành đã ra mắt bạn đọc trong tháng 11. Mong rằng cuốn sách sẽ là món quà có ý nghĩa trong dịp giáo giới cả nước chuẩn bị đón Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)