Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhắc nhớ từ một ấn phẩm lịch!

Tạp Chí Giáo Dục

Mở một trang lịch, mỗi câu chuyện thập nhị tứ hiếu như một lời nhắc nhớ đạo làm con

Câu chuyện về 24 tấm gương hiếu thảo trong tác phẩm Nhị thập tứ hiếu dường như chưa bao giờ phai nhạt trong lòng bao thế hệ bạn đọc, dẫu có đi qua mấy trăm năm thời cuộc…

1. Nhị thập tứ hiếu là một tác phẩm lớn của văn học Trung Quốc do Quách Cư Nghiệp, đời nhà Nguyên biên soạn. Tại Việt Nam, tác phẩm này gắn với cái tên Lý Văn Phức (đầu thế kỷ XIX) khi ông là người chuyển dịch và giới thiệu rộng rãi về “tiếng thơm nghìn thu” hiếm có của bậc hiền nhân, dù trong hoàn cảnh nào cũng đội trên đầu sự hiếu thuận đối với đấng sinh thành. Đó là hình ảnh Lão Lai Tử – một cụ ông 70 tuổi có cái may phước là còn cả cha lẫn mẹ. Mỗi ngày, sợ mẹ cha tuổi già bệnh tật, sinh ưu phiền buồn bã nên Lai Tử vẫn thường chạy nhảy, đùa giỡn như một đứa con nít để làm vui. Câu chuyện cụ ông Lai Tử vờ trượt té rồi òa khóc ngây ngô để cha mẹ được dỗ dành đã vượt lên thời gian, trở thành hình ảnh cảm động của người con chí hiếu.
Đó là cái tên Vương Tường được lưu danh trong sử sách như một điển tích bởi lòng hiếu thuận chiến thắng sự thù hằn, ích kỷ. Mẹ mất sớm, Vương Tường phải sống với người mẹ kế đầy độc ác, chua ngoa. Bà vốn ghét ông, thường bày ra nhiều chiêu kế ngược ngạo để bạc đãi, gièm pha, mắng chửi khiến cha ông cũng… hùa theo, ghét bỏ luôn con mình. Dù vậy, với bản tính khoan hòa nên Vương Tường vẫn nặng lòng hiếu thảo. Mùa đông, nước đóng băng, người mẹ kế nổi lòng muốn ăn cá chép tươi, bắt Vương Tường phải đi tìm cho bằng được. Thế nhưng, giữa trời giá rét biết tìm đâu ra con cá chép? Vương Tường đành phải cởi trần nằm trên băng tuyết để đợi chờ. Cuối cùng, ông cũng bắt được hai con cá mang về cho mẹ. Cảm phục trước tấm lòng hiếu thuận của con nên từ đó cha và người mẹ kế không còn ghét bỏ, chuyển sang yêu quý Vương Tường.
Hay câu chuyện của Du Kiềm Lâu. Vốn là một ông quan, một hôm, linh cảm có điều chẳng lành khi trong lòng dậy lên nỗi lo âu, Du Kiềm Lâu vội vàng cởi áo từ quan, trở về quê xa thăm cha mẹ. Đúng như linh cảm, người cha của ông ngã bệnh nặng, chạy vạy đủ đường đều vô phép. Bữa nọ, nghe lời của lương y mách: “Nếm thử phân cha, nếu đắng ắt chữa khỏi, còn ngọt thì vô phương cứu chữa”, Du Kiềm Lâu không ngần ngại nếm thử phân cha. Sau khi biết có vị ngọt, ông trở nên âu sầu trong tuyệt vọng, song vẫn ra sức cầu nguyện để được chết thay cha. Quả nhiên, lòng chí hiếu của ông lay động đất trời, cha ông sau đó đã qua khỏi, vui sống cùng con…
2. Tôi ngồi đọc lại cuốn Nhị thập tứ hiếu, tự hỏi, giữa xã hội mà đồng tiền ít nhiều trở thành thước đo như hiện nay, chữ hiếu liệu có còn, có cần như tấm lòng của 24 người con ấy? Bậc làm con ứng xử với chữ hiếu trong thời đại này ra sao vẫn là đề tài tranh luận. Một người bạn của tôi quan niệm: “Bây giờ, đa phần con cái đều lập nghiệp phương xa. Có chăng, sự hiếu thuận chỉ là trích một phần lương gửi về cho cha mẹ”. Đó cũng là một phương cách thể hiện lòng hiếu thảo khi đạo làm con muốn cha mẹ được an nhàn, có cuộc sống đủ đầy, sung túc. Nhưng rồi, cách nay vài tháng, cha của bạn đột ngột qua đời trong cơn đột quỵ. Bạn nhận ra mình đã… bất hiếu bởi không thường xuyên về thăm, gặp gỡ và chăm sóc mẹ cha. Sau đó, dường như thành thói quen, cuối tuần nào bạn cũng vượt gần 200 cây số để về quê, do lo sợ cái đơn lạnh, quạnh vắng của người mẹ tuổi già xa con, lại không còn người ở cạnh sẻ chia vài ba câu chuyện. Bạn lúc này tâm niệm: “Tiền bạc chỉ là một phần hiếu thuận. Ở cái tuổi bên kia con dốc cuộc đời, với bậc sinh thành, tiền bạc không mang lại niềm vui. Niềm hạnh phúc họ cần là được cháu con mang cho chén trà hay đơn thuần là cái nắm tay hỏi han sức khỏe”…
Dù cách này hay cách khác thì muôn đời nay, sự hiếu thuận vẫn được xem trọng trong đạo làm người. Bởi vậy nên tác giả Lý Văn Phức khi giới thiệu Nhị thập tứ hiếu đã khẳng định: “Con người quên bỏ công ơn cha mẹ thì không còn xứng đáng đứng trong trời đất, không xứng để làm người”. Đó là lý do để từ khi Nhị thập tứ hiếu có mặt tại nước ta, đến nay, tác phẩm đã được chuyển thể nhiều lần không chỉ qua ấn phẩm truyện tranh mà còn ở dạng phim truyện và hoạt hình… như một sự đề cao và nhắc nhở. Mới đây, sự tích hiếu thuận của 24 tấm gương lại một lần nữa được tái hiện trong ấn phẩm lịch 2012, do Nhà xuất bản Trẻ phối hợp cùng Công ty TNHH Văn hóa Khải Minh Anh – Nhà sách Minh Trung phát hành. Để mỗi khi giở một tờ lịch sang ngày, từng mẩu chuyện đẹp về lòng hiếu thảo bỗng trở thành lời thúc giục, nhắc nhớ đạo làm con.
Bài, ảnh: Tuyết Dân

Bình luận (0)