Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ai cũng có tuổi 18 tươi đẹp

Tạp Chí Giáo Dục

Trong một góc nhỏ tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM sáng 2-8, chàng trai 18 tuổi Lê Văn Ở khiến rất nhiều người phải dừng lại bởi những giai điệu réo rắt vang lên từ đôi bàn tay của mình.

Lê Văn Ở, 18 tuổi, lướt những ngón đàn điệu nghệ dù bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam – Ảnh: Minh Trang

Hai cửa sổ tâm hồn của Ở chỉ là hai nếp da liền dính chặt vào nhau, nhưng tiếng đàn trong sáng, hồn nhiên như một minh chứng cho điều giản dị: ai cũng có tuổi 18 tươi đẹp, kể cả khi họ là nạn nhân của nỗi đau da cam!

Không thể nhìn thấy bao ánh mắt cảm thông và mến phục đang hướng về mình, Lê Văn Ở vẫn vui vẻ chia sẻ: “Em có thể nghe được các bạn hát, sờ được túi quà to mà các cô các chú đã cho. Em vui lắm!”, tuyệt nhiên không nghe Ở nói gì về những bất hạnh đã phải trải qua khi vô tình trở thành người khiếm thị bẩm sinh bởi chất độc da cam. Ở còn tươi tắn khoe ngoài chơi organ em còn có thể chơi guitar, không buổi văn nghệ nào của cơ sở An Phước (Bình Dương) vắng mặt “nhạc công” Lê Văn Ở!

Triển lãm Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN vượt khó vươn lên do Sở VH-TT&DL TP.HCM, Hội Nạn nhân chất độc da cam TP, Trung tâm Triển lãm thông tin TP và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp tổ chức đã có buổi khai mạc, kết hợp giao lưu, trao quà cho những nạn nhân chất độc da cam khá xúc động vào sáng 2-8 tại bảo tàng.

Triển lãm diễn ra trong khuôn viên phía ngoài bảo tàng, trưng bày 50 bức ảnh về cuộc sống lao động thường ngày của 50 nạn nhân da cam có ý chí vươn lên trong cuộc sống, kéo dài từ nay đến hết ngày 10-8. Ngoài ra, phòng triển lãm cố định về các nạn nhân chất độc da cam với tên gọi Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở VN (hình thành cách đây bốn tháng) được mở cửa thường xuyên tại lầu 2 của bảo tàng. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN (10-8).

Và cũng trong góc nhỏ ấy, bên cạnh Ở còn có người bạn 18 tuổi Lê Thị Phước (tay chân cong queo), Lê Thị Phương (nạn nhân da cam bị gù lưng),… đang hớn hở khoe những sản phẩm hoa kết cườm tuyệt đẹp do chính tay mình làm. Cạnh đó, xúng xính trong chiếc áo màu da cam nổi bật, cô gái có cái tên thật “kêu” Nguyễn Thị Đẹp của làng Hòa Bình khó nhọc tự giới thiệu về mình bằng giọng nói ngọng nghịu. Chị kể mình đã tốt nghiệp trung cấp kế toán và khi tên chị được xướng lên nhận quà, chị khó nhọc lê từng bước trên đôi chân dị tật bẩm sinh, không quên ngoái lại cười: “Chị lên đây!”.

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày 10-8 hằng năm (Ngày vì nạn nhân chất độc da cam VN), những cuộc hội ngộ đầy cảm xúc như vậy cũng chính là cơ hội để những người bạn như Ở, Phương, chị Đẹp… và hàng chục nạn nhân chất độc da cam khác tề tựu, chia sẻ những nụ cười, những món quà nghĩa tình và câu chuyện vươn lên đầy nghị lực của chính mình.

Chứng kiến những con người bằng xương bằng thịt, những nhân chứng sống bước ra từ các bức ảnh kinh hoàng về chất độc da cam, rất nhiều người có mặt tại triển lãm, trong đó có những vị khách nước ngoài, đã không nén được xúc động. Bà Samantha Ford, 54 tuổi, quốc tịch Mỹ, chỉ kịp kêu lên “Oh my God!” (Chúa ơi!) cùng ánh nhìn đầy thán phục khi nghe kể về anh Trần Thanh Sơn – một trong những nạn nhân da cam có mặt ở đây đã trở thành thạc sĩ, giảng viên tại ĐH Hùng Vương

(TP.HCM), với hai chi dưới và một cánh tay bị liệt hoàn toàn. Và nán lại ngay cả khi chương trình khai mạc kết thúc để trò chuyện, chơi đùa với những nạn nhân da cam là gương mặt phúc hậu quen thuộc của ông già tóc bạc đã ngoài 80 tuổi Len Aldis (quốc tịch Anh) – người dành hơn 20 năm thu thập thông tin, kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để theo đuổi vụ kiện đòi lại công lý cho những nạn nhân da cam VN…

Chân dung của những nạn nhân da cam đã hiện lên đau đớn nhưng cũng đầy lạc quan khiến người xem không khỏi khắc khoải với từng câu chuyện sau mỗi tấm ảnh. Đâu chỉ là những con người không bình thường về thể xác, tinh thần, họ còn là những chân dung kỳ diệu về sức sống tiềm tàng, về niềm tin mãnh liệt vào số phận vốn không may mắn của mình. Ai đó đã gọi những nạn nhân da cam là “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”, nhưng nếu ai đó đã đến triển lãm lần này, xem qua những bức ảnh đầy nghị lực của những con người đau khổ ấy, sẽ thấy nỗi đau chưa bao giờ là vật cản trên hành trình sống của họ.

MINH TRANG (Theo TTO)

Bình luận (0)