Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đầu tư cho lực lượng trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Sau ba ngày làm việc, chiều 9-12 Đại hội toàn quốc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lần VII đã bế mạc tại Hà Nội. Với hơn chục bản tham luận được đọc trong hai ngày, không có những tranh luận gay gắt, nhưng một số vấn đề được các đại biểu nêu phần nào phản ánh đúng thực trạng sân khấu Việt Nam hiện nay.

Ban chấp hành mới ra mắt – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Đại hội cũng đã bầu ra ban chấp hành mới gồm một chủ tịch, ba phó chủ tịch và 17 ủy viên. Phát biểu tại lễ ra mắt ban chấp hành mới, NSND Lê Tiến Thọ, chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu nhiệm kỳ 2009-2014, đã nêu một số mục tiêu cần phải làm ngay trong năm 2010 là: đầu tư tích cực cho lực lượng trẻ, xã hội hóa hoạt động sân khấu tại Hà Nội.

Về lâu dài, ông Thọ cho biết hội sẽ quan tâm những đề án cần thiết phải xây dựng và thực hiện: tổ chức các trại sáng tác, tổ chức hội thảo về các bộ môn nghệ thuật kịch, cải lương, chèo tuồng, dân ca; đầu tư cho các tác giả sân khấu; xét trao giải thưởng hằng năm cho các nghệ sĩ có những thành tích và đóng góp cho sân khấu nước nhà; chú trọng phát triển sân khấu thể nghiệm trong nước và quốc tế; xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triển sân khấu; xây dựng website về sân khấu lý luận sân khấu; xây dựng trung tâm sân khấu đối ngoại, mở các lớp đào tạo tác giả lý luận…

Danh sách ban chấp hành mới

* Chủ tịch: Lê Tiến Thọ.

* Phó chủ tịch: Lê Đại Chức, Lê Hùng, Lê Duy Hạnh.

* Trưởng ban kiểm tra: Trần Đình Sanh.

* Các ủy viên: Ngô Đặng Hồng Vân, Giang Mạnh Hào, Trần Ngọc Giàu, Lê Khanh, Nguyễn Ngọc Bình, Doãn Hoàng Giang, Nguyễn Đăng Chương, Nguyễn Văn Bộ, Trần Đình Sanh, Hoàng Dũng, Huỳnh Khánh, Chu Lai, Trần Minh Ngọ, Nguyễn Thị Hòa Bình, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Nhượng, Bùi Đắc Sừ.

Riêng chức danh chủ tịch hội đồng nghệ thuật vẫn đang cân nhắc, bởi đây là một chức danh rất quan trọng nên còn phải họp bàn để bầu ra chức danh này.

Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái:

Đề nghị tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa 2010

Hiện nay sân khấu đang rơi xuống đáy của sự khủng hoảng, nhất là sân khấu thủ đô. Sân khấu phải giải quyết vấn đề này trong nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ mà cũng là gánh nặng lịch sử của ban chấp hành mới là phải tìm lối ra cho sân khấu. Lối ra này nằm ở tất cả các khâu viết kịch, dựng kịch, xem kịch và một khâu yếu nhất của sân khấu hiện nay là thưởng thức và phê bình.

Sân khấu xã hội hóa là phải trả sân khấu về với xã hội, với những vấn đề nóng bức nhất của xã hội Việt Nam thập niên đầu thế kỷ 21. Phải có giải pháp chiến lược được Đảng, Nhà nước nâng đỡ và chìa tay, khích lệ. Tôi rất thích Liên hoan sân khấu xã hội hóa TP.HCM năm 2006, đề nghị tổ chức liên hoan vào năm 2010 ngay lập tức. Sân khấu xã hội hóa phải soi sáng lẫn nhau cùng phát triển, kéo cho bằng được khán giả. Sân khấu xã hội hóa không phải là sống bằng tiền của ai mà sống bằng tiền của những khán giả tích cực nhất.

H.Đ. ghi

H.ĐIỆP (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)