Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khóc cùng Tố Như trong Long thành cầm giả ca

Tạp Chí Giáo Dục

Mang đậm chất lịch sử và những nét văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa, Long thành cầm giả ca là câu chuyện bi tráng và đầy chất thơ về mối tình giữa đại thi hào Nguyễn Du với người đàn bà gảy đàn thành Thăng Long.

Là một trong những "công trình nghệ thuật" chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Long thành cầm giả ca của đạo diễn Đào Bá Sơn lấy bối cảnh lịch sử giai đoạn 1783 – 1813. Được dựa trên một bài thơ chữ Hán của đại thi hào Nguyễn Du, phim khắc họa cuộc sống đầy biến cố của người dân VN trong thời kỳ phong kiến thông qua chuyện tình diễm lệ của Tố Như (tên chữ của Nguyễn Du) và người con gái tên Cầm. Phim được làm từ kịch bản giành giải nhất của NSƯT Văn Lê trong cuộc thi "Kịch bản kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội".

Phim mở đầu với hình ảnh một cô bé gái soi bóng dưới làn nước trong lành của chiếc giếng làng. Gái – tên mọi người vẫn gọi cô bé – sinh ra tại một làng quê hiền hòa, thanh bình. Mẹ của Gái là một ca kỹ và số phận đã quyết định cô bé phải theo nghề của mẹ. Gái được đưa lên Long thành, theo học tại lớp của thầy Nguyễn và tại đây, cô bé được đổi tên là Cầm. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, thầy Nguyễn đã nhận ra ở Cầm một khí chất và tài năng hơn người. Tiếng đàn của Cầm toát lên vẻ thanh tao, cao quý mà không phải người ca kỹ nào cũng may mắn được ban tặng.

Siêu mẫu Quách Ngọc Ngoan vào vai đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Giải Phóng Film.

Khi lớn lên và bước vào tuổi trăng tròn, Cầm gặp gỡ và đem lòng cảm mến tân khoa Tố Như khi anh trên đường trở về nhà. Cuộc gặp gỡ định mệnh khiến hai tâm hồn trở nên xao động. Tố Như ngày ngày thương nhớ Cầm dù anh đã có hiền thê ở quê nhà. Đất nước lâm vào cảnh loạn lạc, chiến tranh khiến người dân lầm than, phải ly tán đi khắp phương trời. Trong cơn hoạn nạn, chàng tân khoa được biết đến với những vần thơ làm ngây ngất lòng người một lần nữa gặp lại nàng ca kỹ xinh đẹp nổi danh thành Thăng Long và bắt đầu câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy éo le trong thời thế hỗn loạn.

Long thành cầm giả ca là câu chuyện hư cấu được xây dựng dựa trên lịch sử triều đại cuối Lê đầu Nguyễn. Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, được UNESCO tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên hình tượng của ông được đưa lên màn ảnh rộng. Nắm bắt được thế mạnh và điểm yếu của phim lịch sử VN, đạo diễn Đào Bá Sơn tập trung khai thác vào yếu tố tâm lý, cảm xúc con người thể hiện qua câu chuyện tình của Nguyễn Du để khiến người xem rung động, chứ không sa đà vào các cảnh chiến tranh, khói lửa. Phim cũng tạo ra được một không khí cổ kính, uy nghiêm và đặc biệt là rất "thuần Việt" khiến khán giả nhận ra rằng đó chính là kinh đô Thăng Long thời xưa.

Ca sĩ Nhật Kim Anh hóa thân thành Cầm – nàng kỹ nữ nổi danh tại kinh thành Thăng Long. Ảnh: Giải Phóng Film.

Long thành cầm giả ca còn đưa vào những hình ảnh đẹp mang đậm nét văn hóa lâu đời của người VN. Khán giả như được sống lại bầu không khí cổ xưa với những trò chơi dân gian quen thuộc như chơi chuyền, ô ăn quan hay cờ tướng trên phiến đá… Những câu thơ trữ tình hay những điệu hát chầu văn, ả đào, các bài đồng dao được điểm xuyết trong phim gợi lên không gian thân thuộc của đất Bắc kỳ xa xưa. Hình ảnh giếng làng, cây đa quán dốc hay các nàng ca kỹ e ấp bên cây đàn nguyệt được tận dụng tối đa. Có thể nói Long thành cầm giả ca đã có một hướng đi đúng đắn so với nhiều bộ phim lịch sử khác của VN trước đây.

Hình ảnh của phim được làm trau chuốt và tỉ mỉ tới từng chi tiết tại các bối cảnh tuyệt đẹp như phủ Thành Chương, Ninh Bình, Bắc Giang, cố đô Huế… Long thành cầm giả ca sử dụng nhiều góc quay toàn đưa đến cho người xem nhiều khuôn hình đẹp của thiên nhiên, đất trời thanh bình và kinh thành Thăng Long tráng lệ. Ánh sáng được phân bổ hợp lý tạo hiệu quả cao về mặt thị giác. Đặc biệt, phim còn sử dụng những cú lia máy khá "hiện đại" xoay quanh nhân vật tạo nên sự mới mẻ, sinh động. Những cảnh chạy loạn của người dân được làm kỹ lưỡng, khiến người xem xúc động. Phần hình ảnh công phu đã góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho Long thành cầm giả ca.

Mặc dù là ca sĩ – người mẫu "lấn sân" sang lĩnh vực điện ảnh, Quách Ngọc Ngoan và Nhật Kim Anh đã cố gắng hết sức để hoàn thành vai diễn của mình một cách tròn trịa. Chàng trai giải bạc Siêu mẫu VN 2008 có ngoại hình tương đối giống với đại thi hào Nguyễn Du trong tưởng tượng của nhiều người. Ngọc Ngoan đã thể hiện tốt thần thái, cử chỉ, điệu bộ của tân khoa Tố Như trong phim. Ca sĩ Nhật Kim Anh cũng đã phần nào lột tả được vẻ đẹp cũng như thân phận long đong của người phụ nữ VN trong sự kìm kẹp của xã hội phong kiến xưa. Nhưng để lại nhiều ấn tượng hơn cả là diễn viên nhí thể hiện vai Cầm – Gái khi còn nhỏ. Ở cô bé toát lên một sự thanh tao, cao quý với lối diễn xuất tự nhiên đã hoàn toàn thuyết phục người xem.

Câu chuyện tình diễm lệ của "Long thành cầm giả ca" để lại cho người xem nhiều cảm xúc. Ảnh: Hãng phim Giải Phóng.

Câu chuyện tình yêu của Tố Như với Cầm – Gái là điểm sáng quan trọng của bộ phim. Đạo diễn Đào Bá Sơn và NSƯT Văn Lê đã đưa vào Long thành cầm giả ca yếu tố lãng mạn vốn rất ít xuất hiện trong các phim lịch sử VN trước đây. Tình yêu giữa hai con người trẻ tuổi trong phim mang nhiều bi kịch nhưng cũng đầy nên thơ, ngọt ngào. Tố Như và người con gái gảy đàn thành Thăng Long yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó có thể coi là tình yêu sét đánh.

Tuy nhiên, do tính chất thời đại không cho phép họ được bộc lộ tình cảm nồng cháy, Tố Như và Cầm buộc phải thể hiện nỗi tương tư thông qua những vần thơ và tiếng đàn ai oán. Long thành cầm giả ca (Bài ca về người con gái gảy đàn ở kinh thành Thăng Long) chính là tên bài thơ mà Nguyễn Du đã làm trong một đêm dâng trào cảm xúc khi chứng kiến nhan sắc lụi tàn theo thời gian của người con gái tri kỷ mà ông từng yêu tha thiết. Thông qua tác phẩm này, đại thi hào bày tỏ nỗi xót xa chân thành về những kiếp người bất hạnh, nhất là người phụ nữ có thân phận long đong, bị vùi dập bởi lề thói phong kiến bất công.

Dù được thực hiện công phu song Long thành cầm giả ca vẫn không tránh khỏi những lỗi phổ biến hay xảy ra trong phim Việt. Lời thoại của phim quá dài dòng và thiên về trình bày, diễn giải mà ít thông tin. Đài từ, giọng nói của diễn viên có phần "sáo" và gợi cảm giác giống phim truyền hình. Phần hóa trang của phim chưa được tốt. Hai nhân vật Tố Như – Cầm khi về già không có sự thay đổi rõ rệt so với lúc trẻ ngoại trừ mái tóc bạc và làn da có phần sẫm hơn. Âm nhạc của phim do nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện rất ăn nhập với phần hình ảnh nhưng âm thanh lại có nhiều "sạn" kỹ thuật. Cách kể chuyện của phim cũng dàn trải và thiếu sự cao trào, kịch tính.

Tuy nhiên xét một cách tổng thể, Long thành cầm giả ca vẫn là một tác phẩm có nhiều giá trị nghệ thuật và là một trong những bộ phim thể hiện được rõ nét nhất cái "hồn" của đất nước và con người Việt Nam từ trước đến nay. Hơn thế nữa, những nét văn hóa và bản sắc lịch sử của phim cũng để lại trong lòng khán giả ấn tượng sâu sắc, những dư vị riêng sau khi xem. Chính vì vậy, điện ảnh VN hoàn toàn có thể tự hào khi giới thiệu Long thành cầm giả ca với bạn bè nước ngoài trong LHP Quốc tế Việt Nam diễn ra vào giữa tháng 10.

Phim sẽ được trình chiếu vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bắt đầu từ 1/10 tại các rạp chiếu trên toàn quốc.

Nguyên Minh (Theo VNE)

Bình luận (0)