Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tôi vẫn đang chiêu đãi khán giả

Tạp Chí Giáo Dục

Kim Ngọc công diễn Thế giới của Mỵ Châu với sự trình tấu của dàn nhạc đương đại nổi tiếng musikFabrik (Đức) tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 25-6. Chị cũng xuất hiện và hát trong vai Mỵ Châu.

 

Diễn xuất của Kim Ngọc trong tác phẩm sân khấu nhạc "Thế giới của Mỵ Châu". Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà .

Chương trình còn bao gồm nhiều tác phẩm của các tác giả đương đại nổi tiếng thế giới. Tất cả đều miễn phí.

Trước đêm diễn vài ngày, Kim Ngọc vẫn thức đến 3 giờ sáng viết nốt tổng phổ. Đấy là viện Goethe đặt hàng từ năm ngoái. “Lúc nào tôi cũng có nhu cầu sáng tác,” Ngọc cho hay.

“Ơn trời những năm vừa rồi, đơn đặt hàng tương đối dày, mình làm cái nọ gối cái kia, chứ chưa có lúc nào phải ngồi nghĩ” (cười). Kim Ngọc vẫn là cái tên đinh của một số liên hoan âm nhạc đương đại quốc tế. Phần vì tài năng, phần theo chị, vì may mắn: “Chắc mình đến từ Việt Nam. Nước ngoài cũng có nhu cầu biết đến văn hóa đương đại Việt Nam, mà đại diện thì quá ít ỏi”.

Tháng 5 vừa qua, Kim Ngọc sang Đức trình diễn vở Cùng nhau đơn độc (Together Alone) tại một liên hoan nghệ thuật đương đại ở Frankfurt. Chị cho hay vở diễn rất thành công, khán giả vỗ tay, Kim Ngọc phải ra chào 2-3 lần. “Họ là khán giả am hiểu chứ không phải chỉ có đầu óc thoáng- như ở Indonesia chẳng hạn, diễn xong khán giả nồng nhiệt đứng lên huýt sáo như xem nhạc rock. Ở châu Âu, nhất là Đức, diễn thích lắm. Khán giả hiểu, biết mình làm cái gì”.

Ở Tây, thích nữa là khán giả phải mua vé xem nghệ thuật đương đại. Giá vé cho Con nhện giăng mùng– một tác phẩm thuộc quy mô nhỏ- tại Liên hoan Ultima diễn ra tại Oslo (Na Uy) năm ngoái là 200 cuaron, vào khoảng 45USD.

Diễn ra hai năm một lần, kỳ Ultima vừa qua kéo dài gần một tháng với 260 tiết mục, Con nhện giăng mùng là một trong số đó. Các tiết mục diễn ra liên tục từ sáng đến đêm. Kim Ngọc biểu diễn 3 suất trong 3 ngày liên tiếp, trong đó một suất diễn vào 11h đêm, vì không còn lúc nào khác để chen vào. Oslo mới chỉ là một trung tâm về nghệ thuật đương đại mới nổi ở Bắc Âu, chưa thể sánh với các trung tâm lớn của châu Âu.

Sau một thời gian lăn lộn với nhạc đương đại ở Việt Nam, Kim Ngọc cũng nhận ra những tín hiệu chuyển biến tích cực từ khán giả: “Họ quen dần với cái mới, bớt định kiến. Ngày càng nhiều người đầu óc cởi mở, muốn mở rộng tiếp xúc nghệ thuật, tìm đến với thái độ tích cực, muốn học hỏi, tìm hiểu sâu, chứ không chỉ vì tò mò.”

Nhưng chuyển biến đáng kể chỉ xảy ra từ đội ngũ làm nghề, theo Kim Ngọc, khi đã đủ lớn mạnh, họ mới có sức tập hợp khán giả từ tinh tuyển đến đại trà. “Muốn làm cho cộng đồng là phải xây dựng giới chuyên môn,” Kim Ngọc nhấn mạnh.

“Tìm kiếm đầu tư, hỗ trợ lớp trẻ, giúp họ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn. Qua đó, họ mới xây dựng được những ước mơ khác với những ước mơ manh mún bây giờ. Có ước mơ tự thân các nghệ sĩ trẻ sẽ vận động, tìm cách mở mang”.

Kim Ngọc vào cuộc bằng việc tổ chức Cuộc gặp gỡ Âm nhạc Mới tại Hà Nội (tháng 10-2009) dành cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước và giới thiệu được một vài gương mặt trẻ chơi nhạc đương đại. Rất tiếc cuộc gặp gỡ (tiền thân của một Festival sau này) năm nay phải hoãn đến năm sau, vì yêu cầu chất lượng.

Nghệ thuật đương đại đang trở nên quen thuộc với công chúng, liệu có phải cũng do nghệ sĩ đã tìm ra cách thích nghi nhất định với môi trường và khán giả? “Tôi không có mục đích đấy”, Kim Ngọc dứt khoát.

“Nếu nghĩ đến cộng đồng phải có cách khác, như cải thiện hệ thống chính sách, chứ không thể chỉnh sửa nghệ thuật, quan điểm, phong cách của mình cho phù hợp với quần chúng. Đấy là cách mình làm mất chính mình và mất luôn cả khán giả. Vì khán giả không được tiếp cận thật với cái của mình và họ cũng không thực sự ủng hộ cái mình cần được ủng hộ. Quan hệ lành mạnh phải cộng sinh hai chiều, chứ không phải một bên hiến dâng, một bên chỉ việc tận hưởng”.

Cũng như hầu hết cuộc biểu diễn của Kim Ngọc ở Việt Nam, khán giả đến với Thế giới của Mỵ Châu không cần mua vé. Nhạc sĩ tâm sự: “Mình biểu diễn ở đây vẫn mang tính chất chiêu đãi, chứ làm sao có cảm giác đang được sống trong giới nghề nghiệp, có trao đổi, đối thoại!”.

N.M.Hà (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)