Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thị trường nhạc Việt: “băng” mãi chưa tan

Tạp Chí Giáo Dục

Đã bước vào nửa cuối năm 2010 nhưng thị trường nhạc Việt vẫn chưa sôi động như dự đoán của người trong nghề. Vài dự án của các ngôi sao (Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Quang Dũng, Thanh Thảo…) đã ra mắt đúng hẹn nhưng vẫn chưa tạo được bất kỳ cú hích nào.

Một thị trường lẽ ra xôm tụ nhất trong làng văn nghệ nhưng đang “ngủ đông” quá dài ngày. Tại sao?

Kỳ 1: Miễn phí “giết” thị trường

Dẫu hằng tuần vẫn có không ít live show ca nhạc diễn ra tại các tụ điểm, sân khấu và các kênh truyền hình, nhưng thực chất đó chỉ là những chương trình quảng cáo núp bóng ca nhạc.

Đàm Vĩnh Hưng (bìa trái) là trường hợp duy nhất trong hai năm qua dám liên tục bỏ tiền túi, không cậy nhờ “ông lớn” nào để thực hiện live show cá nhân. Gần đây, “ông lớn” trong các live show của Mr.Đàm là các khách mời: Hoài Linh, Quang Dũng, Lam Trường, Thanh Lam, Lệ Quyên…- Ảnh: Gia Tiến

Khi các ông lớn ra tay

Tại VN, hỏi 10 thì hết 10 nhà phát hành cho hay tình hình kinh doanh băng đĩa nhạc từ đầu năm đến nay rất khó khăn. Riêng phía Viết Tân nhấn mạnh "sẽ ngày càng khó khăn". Sài Gòn Vafaco cho biết hiện chỉ bán được các album nhạc mang hơi hướm, phong cách nhạc xưa. Còn nhạc trẻ gần như không tiêu thụ được bởi giới trẻ ngày nay chuộng hình thức nghe nhạc trực tuyến miễn phí hơn. Vậy nên mật độ ra album của các ca sĩ cũng không dày đặc như xưa. Hiện mỗi tháng chỉ có 3-5 album mới ra mắt thay vì 8-10 album so với hai năm trước. Trước câu hỏi liệu có nên giảm giá thành để kích cầu, nhà phát hành Viết Tân khẳng định với thị trường VN thì không thể và cũng không nên. Lý do được đưa ra là thời gian sản xuất một album hiện lâu hơn gấp hai, còn chi phí sản xuất đã tăng gấp ba so với hai năm trước.

Ðể cứu vãn tình hình, các công ty sản xuất và phát hành băng đĩa tại VN chọn giải pháp cùng nhau tổ chức hội chợ băng đĩa trong thời gian tới. Tại hội chợ, chiêu giảm giá cũng sẽ được dùng để kích cầu. Tuy nhiên, sự giảm giá ở đây chỉ mang tính thời vụ và các sản phẩm giảm giá hiển nhiên cũng là những album cũ, không ăn khách.

Các công ty tin tưởng hội chợ sẽ khiến người tiêu dùng mở rộng hầu bao nhờ lối trưng bày bắt mắt, giới thiệu được những chương trình, album mới, đặc sắc. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính đối phó trước thực trạng người tiêu dùng vẫn chuộng việc bỏ 10.000 đồng ra mua đĩa lậu, và nay còn được các nhà kinh doanh mạng thu hút bởi hình thức nghe nhạc trực tuyến không tốn một xu.

Sự hợp tác giữa các đơn vị kinh tế với các ngôi sao ca nhạc thoạt tiên chỉ là những hợp đồng quảng cáo, rồi dần chuyển thành hợp đồng tài trợ cho các show diễn đơn lẻ lẫn xuyên Việt. Và tour xuyên Việt "Mỹ Tâm tỏa sáng ước mơ 2002" là "phát pháo" đầu tiên, rất thành công cho công thức ca sĩ + nhãn hàng = live show miễn phí, một công thức mang lại sự hào hứng cho rất nhiều bạn trẻ yêu nhạc thời bấy giờ.

Cũng trong thời điểm đó, Cẩm Ly lần đầu tổ chức tour xuyên Việt tại các trường đại học trên cả nước với sự giúp đỡ tối đa từ nhóm KTX và Kim Lợi studio.

Trong bầu không khí hân hoan với những chương trình hoàn toàn miễn phí nhưng âm thanh, ánh sáng, sân khấu, ý tưởng thực hiện, dàn dựng lẫn âm nhạc đều hợp tai hợp mắt với đại đa số bạn trẻ yêu nhạc, ít ai ngờ đây lại là "mầm mống" cho hiện tượng đóng băng của sân khấu nhạc Việt trong mấy năm qua. Bởi kể từ đó, không chỉ ca sĩ hạng A mà ca sĩ hạng B, hạng C, ca sĩ teen… cũng có "nhà tài trợ" sóng đôi trong các live show.

Và không chỉ tại sân khấu ca nhạc, ngay cả những chương trình trên truyền hình cũng ngập tràn âm nhạc miễn phí có dính đến các nhãn hàng.

Kênh truyền hình nở rộ, chương trình ca nhạc được phát sóng liên tục trên khoảng trăm kênh truyền hình trong nước khiến khán giả không thể không xiểng niểng, bội thực. Các nhãn hàng còn "làm siêng" mang live show ca nhạc vào tận sân trường học, khu chế xuất… Các tiết mục ăn khách của các ca sĩ cũng được "bê" vào tận những bàn tiệc ở những hội nghị khách hàng, tiệc khai trương hay kỷ niệm thành lập của các đơn vị kinh tế. Người ta cũng được thưởng thức tiếng hát của các ngôi sao (dĩ nhiên là miễn phí) trong những hội chợ, triển lãm hay ngay ở sảnh một số trung tâm thương mại.

Ðó là chưa kể vô số chương trình ca nhạc, hòa nhạc miễn phí do các đại sứ, lãnh sự, trung tâm văn hóa… nước ngoài mang đến cho khán thính giả trong nước.

Dấu chấm cảm cho công thức ca sĩ + nhãn hàng = live show miễn phí

Làm sao chúng tôi bán được vé khi công chúng luôn có cơ hội nghe ca sĩ cùng những ca khúc thịnh hành mỗi ngày? – đó là lời ta thán của vô số nhà tổ chức chương trình lẫn giới ca sĩ.

Máu nghệ sĩ, khát khao được cống hiến và khẳng định đôi lúc cũng khiến các ca sĩ chấp nhận lỗ vốn để làm show tử tế như Phương Thanh, Mỹ Lệ hay Ðức Tuấn thời gian qua. Nhưng đó chỉ là số ít và cũng không phải là một lựa chọn tốt cho những ai muốn làm nghệ thuật dài lâu. Phần đông vẫn chỉ tổ chức live show, có bán vé hẳn hoi khi có "người chống lưng".

Ngay cả những diva của làng nhạc Việt như Mỹ Linh cũng chỉ xuyên Việt khi có sự trợ giúp của nhãn hàng điện tử Samsung – Hàn Quốc, Hồng Nhung cũng chỉ dám "Vì ta cần nhau" khi có sự ủng hộ của nhãn hiệu tivi Sony từ Nhật Bản, Quang Dũng cũng chỉ về quê "hát cho đồng bào tôi nghe" khi được sự yểm trợ từ thương hiệu ôtô Mercedes của Ðức…

Vậy nên hoàn toàn không có bất cứ ngạc nhiên nào khi Hồ Ngọc Hà – gương mặt giải trí của năm 2008 và 2009 – nhiều lần tính tổ chức một live show cho ra ngô ra khoai, nhưng đến nay vẫn là "dự án treo" vì chưa tìm được "người bạn đường" như mong đợi.

Năm 2009, năm đỉnh cao trong sự nghiệp ca hát của Hồ Ngọc Hà, cô thực hiện được đến hai tour miễn phí (do Nokia và Sunsilk tài trợ) gây ấn tượng về tần số xuất hiện ở các địa phương trên cả nước nhưng không để lại một tiếng vang nào về mặt nghề nghiệp. Có lẽ đây chính là "dấu chấm cảm" cho công thức ca sĩ + nhãn hàng = live show miễn phí, nay đã trở nên nhạt nhẽo trong tâm thức của nhiều người.

QUỲNH NGUYỄN (Theo TTO)

Bình luận (0)