Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người phục dựng hoàng thành Thăng Long 1.000 năm

Tạp Chí Giáo Dục

Bức tranh Thăng Long thế kỷ 16-18 đặt Bát Tràng phục dựng bằng sứ

Đất trời đã vào xuân, tiết trời se lạnh đủ để con người ta khoe sắc áo ấm. Tại nhà riêng của anh Trịnh Quang Dũng, số 72/1 Nhất Chi Mai, quận Tân Bình, TP.HCM lại ấm lên bởi những làn khói từ ấm trà và hào hứng với câu chuyện phục dựng lại hoàng thành Thăng Long 1.000 năm.
Phục dựng đất Đế Đô 
Từ trong phòng khách, qua khung cửa sổ, trước mắt tôi – một khu vườn xinh xắn thật ấn tượng được thiết kế theo thuật phong thủy của người Á Đông. Lối kiến trúc có thể dạo vòng quanh vườn, tường, cột ốp đá chẻ vững chãi. Lối đi quy hoạch gọn gàng điểm xuyết những đá tảng phủ rêu xanh gợi lên cái cảm giác vừa cổ kính vừa hiện đại. Từ phòng khách ra khu vườn phải đi qua một chiếc cầu đá nhỏ nhắn được mô phỏng theo bóng dáng cầu đá Việt cổ còn lãng đãng đó đây ở chùa Chuông, ở làng Nôm với những thanh đà đá đầu chạm long vân. Mỗi góc vườn đều có các mái che bằng ngói lục lưu li, dưới các mái che sẽ là nơi chủ nhân dành trưng bày những bức tranh cổ tái hiện diện mạo “Đông Kinh – Thăng Long” theo dòng chảy của thời gian. Ở bất kỳ một ngóc ngách nào trong căn nhà cũng có những khu trưng bày hình ảnh, các bộ sưu tập hiện vật liên quan đến Thăng Long 1.000 năm. Việc phục dựng lại Thăng Long 1.000 năm tại nhà riêng của anh Dũng sẽ hoàn tất đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Sự chuẩn bị hết sức công phu với những hiện vật, bộ sưu tập tái hiện những sắc màu lịch sử.
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý (1009-1225) tại kinh đô Hoa Lư – Ninh Bình ngày 2-11 năm Kỷ Dậu (21-11-1009). Tháng 7-1010, nhà vua dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Tái hiện hình ảnh Thăng Long 1.000 năm là một công trình lịch sử được anh Dũng thai nghén cách đây hơn chục năm. Không đơn giản chỉ là những phác họa sơ sài về một nền văn hóa 1.000 năm mà còn là một công trình kiến trúc, nghệ thuật đầy tính sáng tạo, vừa thực vừa huyền. Được chiêm ngưỡng hình ảnh Thăng Long – Hà Nội tại đây, mặc dù cho đến nay mọi chi tiết, hình họa trang trí chỉ mới dừng lại ở giai đoạn bắt đầu nhưng đã tái hiện lại rõ nét những giá trị lịch sử. Lý Công Uẩn có công kiến tạo đất Đế Đô, hiện nay có thể nói Trịnh Quang Dũng là người đã phục dựng lại đất Đế Đô, đề cao giá trị văn hóa, lịch sử một cách độc đáo và hoàn hảo nhất. Việc làm có ý nghĩa sâu sắc này là cơ hội không gì tốt hơn để quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Dù bận rộn với công việc của một nhà khoa học, song anh Dũng luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để có một chân dung thời vàng son của hoàng thành Thăng Long đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hơn nữa theo anh, người Việt Nam không phải ai cũng biết chân dung thời Thăng Long, có không ít người còn hoài nghi về tổ tiên của mình, việc phục dựng lại Thăng Long 1.000 năm còn là để khẳng định giá trị lịch sử, bổ sung kiến thức cho lớp trẻ sau này. Anh Dũng nói: “Bằng mọi cách phải đưa lịch sử đi vào đời sống. Để làm được điều này, không còn cách nào khác hiệu quả hơn cách lấy văn hóa làm tươi mát lịch sử và lấy lịch sử làm chính xác văn hóa”. Một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu hiểu biết về văn hóa, lịch sử nên trong thời gian tới, anh sẽ viết bộ sách Tinh hoa tri thức văn hóa truyền thống Việt Nam. Hy vọng với bộ sách này sẽ góp thêm vào kho tàng kiến thức lịch sử, văn hóa cũng như nhen lên một đốm lửa trong phong trào Dân ta phải biết sử ta.
Kho tàng văn hóa Việt thời vàng son

Các bức tranh cổ về hoàng thành Thăng Long do Samuel Baron vẽ, sau này được các giáo sĩ vẽ lại cũng được treo trang trọng trong phòng khách. Đó là bức tranh vẽ lại từ ba bức tranh cổ có thể nói lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Bức tranh được vẽ bằng màu tự nhiên, nhiều họa tiết thể hiện bằng vàng thật và bạc. Còn nhiều tranh cổ khác cũng được anh họa lại và nhờ người vẽ cũng đang trong giai đoạn hoàn tất như bức tranh Thăng Long nhìn từ sông Hồng (hay còn gọi Thăng Long thế kỷ 17). Hiện nay, anh Dũng cùng một nhóm Việt kiều cũng đang xây dựng đề án tái hiện lại văn hóa Tôn kinh, dựng lại một vương quốc, vườn di sản Thăng Long 1.000 năm với tỉ lệ 1/1 trên khu đất từ 70 đến 100 ha. Công trình có tên Thành hoàng Thăng Long nhìn từ sông Hồng. Với dự án này, ý tưởng lấy con sông Đồng Nai hiện nay thay cho sông Hồng, sử dụng tàu mới thay cho tàu cổ…
Ngôi nhà của người phục dựng hoàng thành Thăng Long được xây dựng theo chủ thuyết tinh thần phương Đông và tiện nghi phương Tây. Ở các góc nhà, các mái ngói đều có họa tiết của trống đồng Ngọc Lũ, tường xây bằng đá Thanh Hóa và mái lợp bằng ngói lục lưu li Bát Tràng. Dọc các bờ tường rào, mái che anh cho chạm trổ hình rồng, mây. Nằm giữa vườn là một hồ sen tỏa hương thơm ngát. Thấy tôi có vẻ quan tâm đến hồ sen, anh Dũng nói: “Hồ sen này có ý nghĩa rất đặc biệt. Dưới lớp bùn và sen là một bình xăng máy bay hiệu C130 mà Mỹ dùng để tàn phá đất nước ta thời ấy, nay nó đã bị vùi chôn dưới đám sen xanh ngát”.
Anh Dũng đã phục dựng lại giá trị lịch sử một thời gần như không bỏ sót chi tiết nào mà theo cách nói khiêm tốn của anh: “liệu cơm gắp mắm”. Trong tất cả những hiện vật thời hoàng thành Thăng Long, tôi thật không thể tin được mình được chiêm ngưỡng bức “kim diệp thư” của chúa Trịnh Tráng viết năm 1623 mà lâu nay tôi chỉ biết qua sử sách. Đây là một thư tịch cổ vô cùng quý giá mà anh đã cho khắc lại khá hoàn hảo. Bức thư đánh dấu cột mốc mở đầu cho ngành ngoại thương Việt Nam với phương Tây, một ấn chứng cho sự hòa nhập của Việt Nam vào thế giới ngay từ thế kỷ 19. Có thể coi đó là một bức quốc thư đầu tiên của Việt Nam với phương Tây gửi cho chính Giáo hoàng và hiện đang lưu trữ tại Thư viện Tòa thánh Vatican. Bức “kim diệp thư” càng có giá trị hơn nữa vì sau khi nhận được thư và quà của Giáo hoàng, chúa Trịnh Tráng đã gửi bức thư phúc đáp bằng chữ Hán khắc trên một lá bạc trắng. Nội dung bức “kim diệp thư” tỏ sự ngưỡng mộ của triều đình Lê – Trịnh với phương Tây và đề nghị đặt mối quan hệ giao thương Đông-Tây giữa Đại Việt và các nước phương Tây. Có thể nhận thấy đó là một bước cách mạng về tư tưởng và quan niệm của vua chúa Việt Nam lúc bấy giờ khi dám “mở cửa” bắt tay với bên ngoài mà hơn 200 năm sau triều Nguyễn vẫn chưa làm được. Bức thư được giáo sĩ Alexander de Rhodes mang bằng thuyền đi Ma Cao để gửi về La Mã, không may bị bão dạt vào đảo Đài Loan và lưu lạc ở đây. Ba năm sau, một đoàn giáo sĩ đi qua đây tình cờ bắt gặp “kim diệp thư” trên và đã chuộc lại từ một gia đình dân chài gửi về Vatican lưu giữ cho đến nay.
Chia tay anh Dũng, chia tay… Thăng Long 1.000 năm, một cảm giác nhè nhẹ lâng lâng khó tả trong tôi. Thăng Long vừa xa vừa gần.
Trần Trọng Tri
Anh Trịnh Quang Dũng hiện là Trưởng phòng Phát triển điện mặt trời, Phân viện Vật lý TP.HCM. Với niềm đam mê văn hóa, lịch sử Việt Nam từ tấm bé, anh đã cất công tìm kiếm và lưu giữ nhiều loại đồ cổ giá trị ở nhiều niên đại khác nhau.
 

Bình luận (0)