Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mộ Thủ Thiệm sắp bị cuốn trôi

Tạp Chí Giáo Dục

Mộ cụ Thủ Thiệm quạnh quẽ trong mưa – Ảnh: H.X.H
Thủ Thiệm vốn cười cợt mọi sự trên đời, nhưng con cháu của người hí lộng nổi tiếng miền Trung không thể "cười" được khi mộ phần ông sắp bị cuốn trôi.

Tịch mịch trên cát

Ở dải cát dọc phía đông H.Núi Thành (Quảng Nam) bây giờ, có hai người nổi tiếng đang yên nghỉ: chí sĩ Phan Bá Phiến – Án sát sứ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam – và "cây cười" Thủ Thiệm. So với cụ Án hổ Phan Bá Phiến (1839-1887), cụ Thủ Thiệm (tên thật là Nguyễn Tấn Nhơn) sinh sau 16 năm, mất cũng muộn hơn 33 năm. Nhưng chuyện hậu sự của hai cụ có một quãng thời gian rất dài giống nhau: cùng nằm tịch mịch trên cát.

Cũng nên nhắc lại, Nghĩa hội Quảng Nam (giai đoạn 1885-1887) như Khâm sứ Trung kỳ Jean Baille nhận xét là đã "dựng Quảng Nam gần thành như một nước". Khi phong trào thất bại, cụ Phan Bá Phiến tuẫn tiết bằng thuốc độc và 10 ngày sau Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu cũng lên đoạn đầu đài ở Huế. Cụ Phan được bí mật an táng nhưng giặc Pháp tìm được, quật xác lên, bêu đầu đóng cọc ở cầu Câu Lâu (H.Duy Xuyên). Gia đình mang được xác cụ về quê cũ (Núi Thành), còn người dân cánh bắc Quảng Nam lập 2 ngôi "mộ gió" ở Quế Sơn và Trà Kiệu để đánh lừa thực dân Pháp. Rồi phải "lận đận" nhiều phen nữa vì cải táng, mãi sau này mộ mới an vị ở thôn Bảo Long, xã Tam Tiến (Núi Thành), đến năm 2006 được dựng bia công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, nấm mộ phía sau khá cũ nát, lưu giữ tấm bia dựng năm thứ 11 triều vua Bảo Đại và lời tán thán của cụ Phan Bội Châu: "Sống hiếu chết trung. Vì nước sống đẹp, vì dân chết oanh liệt. Ông quả có đủ hai đức sáng và trung kiên".

Đề cập mộ cụ Phan Bá Phiến bởi lẽ, cũng ở dải cát Núi Thành này, cách đó chỉ quãng đường không xa và một chuyến đò ngang là nơi chôn cất Thủ Thiệm. Và cũng bởi, cả hai ngôi mộ này từng được dư luận chú ý từ 2 năm trước. Cuối tháng 7.2008, lăng mộ chí sĩ Phan Bá Phiến được UBND tỉnh Quảng Nam giao các ngành chức năng bố trí kinh phí xây dựng, mộ cụ Thủ Thiệm cũng được tỉnh "thống nhất chủ trương đầu tư và bố trí vốn trong kế hoạch năm 2009".

Hơn 1/4 thế kỷ trước, truyện cười Thủ Thiệm đã được sưu tầm, giới thiệu khiến nhân vật dân gian này có một chỗ đứng nhất định trong tâm thức người dân xứ Quảng. Và khi cuốn Thủ Thiệm – Tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng xuất bản tháng 11.2007, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn đã có một tập hợp đầy đủ nhất về Thủ Thiệm. Bây giờ, người xứ Quảng có lẽ ai cũng từng được nghe kể ít nhất một câu chuyện cười Thủ Thiệm. Chuyện cười Thủ Thiệm cũng trở thành "món quà" của người dân địa phương khi có khách đến thăm.

Nỗi lo mỗi mùa mưa bão

Cuối cùng, lăng mộ Phan Bá Phiến đã hoàn tất, còn mộ Thủ Thiệm (ở thôn 5, Tam Hòa) vẫn là nấm nhỏ bên đường. Nằm quay mặt ra con đường liên thôn, sát phía sau đã là Cửa Lở, mộ Thủ Thiệm bình dị, thoáng nét phóng khoáng trong lối bài trí, xung quanh có tường thấp nhưng ở giữa vẫn nguyên vẹn nấm mộ cát. Cụ nằm đó, "vô danh" như bất cứ ông già nào đấy của xứ Bình Đình xưa. Không có bất cứ dấu hiệu nào để nhận biết nơi đây là chốn dừng chân của một hiện tượng độc đáo, người cười cợt suốt dải đất Quảng Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Người dân địa phương cũng ngày một lo lắng. Bà Nguyễn Thị Tư đã ngoài 70 tuổi, cháu dâu đời thứ 3 của Thủ Thiệm, cho hay mộ này có từ trước khi bà theo chồng về đây. Ông Nguyễn Tấn Cự (hậu duệ trực hệ đời thứ 4 đang lo phần hương khói) nhớ mộ cụ cố ban đầu xây bằng vôi. Sông Trường Giang cứ xâm thực buộc con cháu dù không di dời mộ vẫn phải xây dựng lại tổng cộng 3 lần, lần xây gần nhất cũng đã 38 năm rồi. Điều rất lạ, theo ông Cự, mộ cụ Thủ Thiệm do… phụ nữ xây dựng bởi đàn ông (là con cháu trong tộc) đi kháng chiến hết. Ngôi mộ từng cách sông quãng xa gồm bờ dương liễu và một đám ruộng. Vậy mà chỉ trong vòng 2 năm, theo quan sát của chúng tôi, nước sông đã tiến sát thêm chừng 10 mét, cách mộ chưa đầy 15 mét nữa. Một người dân địa phương lo ngại, chỉ 1-2 mùa mưa bão nữa ngôi mộ nhỏ sẽ bị cuốn trôi.

Hai năm trước, UBND tỉnh Quảng Nam đã "bật đèn xanh" cho địa phương di dời mộ Thủ Thiệm trong nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Những ai quan tâm đến tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng này đã khấp khởi mừng khi tộc họ và địa phương thống nhất dời mộ cụ đến khu đất mới có diện tích 1.700m2 cách đó 500 mét để tránh nguy cơ bị xâm thực và thuận lợi cho chuyện thăm viếng. Nhưng đến giữa tháng 5.2010, mộ cụ Thủ Thiệm vẫn… như cũ. "Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ và vẫn chờ. Thật đáng lo ngại trước tình trạng này!" – ông Phạm Văn Quyện, Phó chủ tịch UBND H.Núi Thành, bày tỏ.

Với một con người trào lộng, chọc cười thiên hạ cả khi sắp lìa trần (qua giai thoại "Đến chết, Thủ Thiệm vẫn là Thủ Thiệm"), có lẽ mọi chuyện đã xóa nhòa dưới ba tấc đất. Nhưng hậu thế bây giờ lại rất lo lắng mỗi khi ngang qua nơi chốn yên nghỉ của ông.

Hứa Xuyên Huỳnh (Theo TNO)

Bình luận (0)