Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hết thời hát nhạc ngoại ?

Tạp Chí Giáo Dục

Bảo Thy, một trong những ca sĩ hát nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt

Ca sĩ Việt đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi nguồn ca khúc nhạc ngoại khai thác lâu nay đang tăng cao giá bản quyền.

Tình trạng chung của thị trường nhạc Việt vài năm trở lại đây khan hiếm ca khúc hay. Vì vậy, giá bán ca khúc độc quyền ngày một tăng. Giải pháp thích hợp mà ca sĩ Việt thường chọn là sử dụng những ca khúc nổi tiếng của nước ngoài để biểu diễn. Điều này giúp ca sĩ không chỉ có bài hit (ăn khách) mà tiền tác quyền trả cho một ca khúc nhạc ngoại khá mềm, trung bình 500.000 đồng/bài. Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ.

Vừa mất nhiều tiền vừa chờ cho phép

Bây giờ, các ca sĩ sẽ phải trả ít nhất 1.000 USD nếu muốn sử dụng một ca khúc nhạc ngoại. Có ca khúc, ca sĩ phải trả 3.000 USD tác quyền nếu hát. Tính thêm chi phí thuê người chuyển ngữ (thường là một nhạc sĩ), một ca khúc nhạc ngoại lời Việt ít nhất cũng có giá gấp 4 lần tiền mua độc quyền một ca khúc của nhạc sĩ trong nước.

Cũng có trường hợp ca sĩ tự viết lời Việt để tiết kiệm nhưng số lượng người có khả năng viết lời Việt là khá hiếm. Album Chạm tay vào điều ước của ca sĩ Ngô Kiến Huy phải đóng hơn 50 triệu đồng tiền tác quyền vì sử dụng khá nhiều ca khúc nhạc Hoa.

Ca sĩ Thanh Thảo quyết định không sử dụng một ca khúc nhạc Ý cho album mới của mình bởi tác quyền của bài hát lên đến 3.000 USD.

Tuy nhiên, tiền vẫn chưa phải là nỗi ám ảnh lớn nhất của ca sĩ, đặc biệt là những ca sĩ thích hát ca khúc ngoại chuyển ngữ.

Nếu trước đây, ca sĩ Việt cứ việc chọn một ca khúc ngoại hát rồi đi đóng tiền tác quyền tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thì hiện nay, ca sĩ phải có giấy phép đồng ý từ chủ sở hữu ca khúc nhạc ngoại mới được phép hát.

Thông thường, thời gian chờ đợi sự đồng ý của chủ sở hữu ca khúc ngoại là một tháng (chưa kể các thủ tục rườm rà khác). Đó chính là lý do nhiều chương trình biểu diễn của ca sĩ bị gãy tiết mục vì không biết ca khúc mình muốn hát có được phép hay không.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là một ví dụ. Anh quyết định bỏ luôn 5 ca khúc nhạc ngoại chuyển ngữ mà anh rất thích ra khỏi live show sắp tới của mình, vì thời điểm chương trình diễn ra đang đến từng ngày, trong khi đó tin tức về việc được phép hát những ca khúc nhạc ngoại mà anh xin phép sử dụng chưa có hồi âm.

Nên vui hay nên buồn?

Nói đến chuyện tác quyền nhạc ngoại tăng giá, nhiều ca sĩ đổ lỗi cho ca sĩ Bảo Thy. Theo họ, từ sau vụ việc hiểu lầm giữa Bảo Thy và Lenka (cô ca sĩ người Úc là tác giả của ca khúc mà Bảo Thy mua bản quyền để chuyển ngữ), các đơn vị bảo vệ tác quyền âm nhạc ở nước ngoài thi nhau tăng giá tác quyền ca khúc của họ.

Tất nhiên, trong chuyện này, Bảo Thy không phải là người có lỗi. Nhưng qua sự kiện này, các tổ chức về quyền tác giả tác phẩm âm nhạc ở các nước bắt đầu quan tâm đến thị trường VN. Và giá bản quyền mà phía họ đưa ra hiện nay mới là giá thực, còn giá lâu nay mà ca sĩ VN phải đóng là do Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc VN tự đưa ra.

Hầu hết các ca sĩ đều thừa nhận: “Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc VN yêu cầu đóng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu thôi”.

Ở một mặt nào đó, việc tiền tác quyền ca khúc ngoại lên giá phần nào giúp cung cách hành nghề của ca sĩ Việt đi vào quy củ, thay cho kiểu làm việc tự do, không theo luật lệ nào cả. Thế nhưng, mặt khác, trong điều kiện khó khăn như vậy, liệu tình trạng ca sĩ tự viết ca khúc cho mình hát sẽ bùng nổ trở lại. Và đi theo đó là hằng hà ca khúc có lời ca khô như ngói, lập dị, kỳ quái, nội dung ngớ ngẩn, thô thiển hoặc “vay mượn” giai điệu ca khúc nước ngoài như đã từng xảy ra.

Không biết hát gì?

1.000 USD hay 3.000 USD không phải là mức giá đột biến đối với một ca khúc nhạc ngoại bởi cách đây nhiều năm, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương đã phải trả 2.000 USD cho một ca khúc của Ukraine. Với mức giá này, Hồ Quỳnh Hương được độc quyền ca khúc tại thị trường âm nhạc VN chứ không phải là trả tác quyền sử dụng. Tuy nhiên, so với thị trường âm nhạc VN thì đây lại là cái giá quá đắt.

Khi nguồn bài hát của ca sĩ Việt vốn đã ít ỏi lại càng trở nên khan hiếm và khi tác quyền ca khúc nhạc ngoại chuyển ngữ cũng tăng giá thì kho ca khúc chất lượng dành cho ca sĩ Việt càng bị thu hẹp. Hầu hết các ca sĩ đều than: “Không biết hát gì bây giờ”.

Theo Thùy Trang / Người Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)