Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khám phá lại Trần Dần

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khuôn khổ Mùa xuân nước Pháp, Trung tâm Văn hóa Pháp chọn Trần Dần là tác giả trong buổi tọa đàm tối 1-3, quy tụ các nhà thơ, phê bình và độc giả yêu quý nhà thơ.

Bìa cuốn “Đi! Đây Việt Bắc” của Trần Dần mới xuất bản

Thơ Trần Dần không phải ai đọc cũng hiểu, mang tâm trạng đó nhiều người hăm hở đến tọa đàm.

Phần sôi động nhất bắt đầu khi một người yêu thơ đứng lên thắc mắc đâu là hai câu thơ Trần Dần viết: Tôi yêu đất nước này có cỏ hoa làm chứng/Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi như trong các văn bản hiện nay, hay văn bản khác ghi: Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng/Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi.

Diễn giả Dương Tường – bạn của Trần Dần giải thích rằng trong một lần biên tập để xuất bản, chính Trần Dần đã chữa thơ của mình. Có nghĩa là,  câu có đất mẹ, nhật nguyệt viết trước, sau sửa hoàn chỉnh như câu ở trên.

Trần Dần phía nhật thực là cách Dương Tường nói về di sản thơ Trần Dần: “Trần Dần là một ca rất đặc biệt của Việt Nam, cả về thơ lẫn đời. Tổng kết đời mình ông thấy dù sao cũng được một cái – cái hoạn nạn. 13 năm sau khi ông mất, mặc dầu được truy tặng Giải thưởng nhà nước, nhưng phần lớn di sản thơ của ông vẫn nằm đau”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đặt câu hỏi, liệu không có hoạn nạn, có Trần Dần nhà thơ như vậy không? Dương Tường cho rằng trong thời gian hoạn nạn, Trần Dần vẫn miệt mài viết – đó cũng là ý của nhà thơ Hữu Việt khi cho rằng hoạn nạn là món quà thượng đế ban tặng một thiên tài.

Lời đầu tiên của buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Pháp nhắc đến Trần Dần là một trong số nhà cách tân thơ ca hiện đại Việt Nam. Đây cũng là ý kiến được tranh luận khá mở.

Theo Dương Tường, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có nhát cắt đầu tiên phá vỡ quỹ đạo thơ mới, nhưng không đi trọn con đường cách tân. Còn Trần Dần là nhà thơ cách tân số một của văn học hiện đại Việt Nam. Vẫn là cốt cách Trần Dần nhưng luôn tự đổi mới.

Sau những bài thơ ảnh hưởng thơ Maiakovki, ông thử nghiệm cái mới qua Mùa sạch, 177 cảnh đến sau này Thơ mini, vận động không ngừng. Hữu Việt cho rằng: “Cho đến hôm nay, ngay đối với nhiều người làm thơ, Trần Dần vẫn mới và khó hiểu”.

Hà Thị Hạnh, mới hoàn thành luận văn thạc sỹ về thơ Trần Dần, lúc đầu không hiểu nên quyết đi tận cùng, đi sâu vào câu, chữ của Trần Dần để nhận ra: “Chúng ta chẳng thể phủ nhận ông một cách hồ đồ, càng không nên ái mộ một cách vội vàng khi chưa thấu sáng, bởi: Đến với tôi phải đến từ đằng trước – đằng sau có gì, toàn là chết những ngày qua” (Trần Dần).

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại cho rằng, không nên nói Trần Dần là nhà thơ có ảnh hưởng nhất trong làng thơ hiện đại Việt Nam.

Ông dẫn hoàn cảnh lịch sử những năm 1970, 1980 ở Việt Nam – mặc nhiên thừa nhận cỗ xe năm nhà thơ hàng đầu: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh – chứ không phải ai khác. Còn thế hệ thơ trẻ thời bấy giờ: Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật không hề chịu ảnh hưởng của Trần Dần.

Chỉ đến những năm 1990, Trần Dần trở lại văn đàn, lớp các nhà thơ bấy giờ tiếp nhận thơ Trần Dần theo cách khác, nhưng không thể nói ông có sức ảnh hưởng lớn nhất.

Nhà thơ Nguyễn Duy nói, đối với ông Trần Dần là bậc thầy về ngôn ngữ. Nguyễn Duy học được cách cặm cụi đào sâu ngôn ngữ của Trần Dần, dù làm theo cách khác.

 Toan Toan (Theo TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)