HLV Calisto. |
Ngày ông Calisto chân ướt chân ráo nhận lời mời của bầu Thắng và bay từ Bồ Đào Nha sang VN, ông thú thật mình không biết gì về bóng đá VN, nhưng có thể xây dựng một lối chơi mang "chất" VN.
Ông nhận một đội Gạch không ngôi sao và thuộc dạng trung bình yếu của bóng đá VN, đá giải hạng Nhất và ngay mùa giải đầu đã lên hạng (2001-2002). Sau đó, ông tiếp tục gắn bó với Gạch và đưa Gạch lên ngôi vô địch cùng chức Siêu cúp và Cúp Quốc gia trong hai mùa 2005 và 2006.
Thời đấy cũng là một Gạch Đồng Tâm không ngôi sao, hay nói đúng hơn là không có chỗ cho những ngôi sao buộc đội bóng phải phục vụ mình, mà tất cả phải vì lối chơi tập thể.
Phương pháp ấy cũng được Calisto "gắn" với đội tuyển VN khi ông đổi tay cho A.Riedl. Ông giữ một tập thể nhiều sao và hàn gắn thêm với những cầu thủ trẻ mới được tôi luyện ở V-League, ở hạng Nhất qua cái nhìn của ông vào nhào nặn.
11 trận giao hữu và đá giải giao hữu không thắng, ông Calisto có lúc như ngồi trên lửa bởi áp lực quá lớn, trong khi ông vẫn kiên quyết thực hiện một lối chơi phối hợp nhỏ, nhóm và trung thành với bóng ngắn hoặc chỉ ở cự ly trung bình, hạn chế dùng sức mạnh.
Lối chơi mang đậm chất Latinh vốn là "đặc sản" của bóng đá VN trước đây đã được trả về cho các cầu thủ VN, dù có lúc ông bị phê phán là xây dựng đội bóng không thủ lĩnh và làm mất dần đi những ngôi sao.
Đội tuyển VN tại AFF Cup đã hiện hữu là một đội bóng không ngôi sao hay nói đúng hơn là vai trò ngôi sao phải chấp nhận mất đi để phục vụ cho lợi ích tập thể. Một đội bóng mà không ai thấy bóng dáng của một số 10, hay ít ra cũng là vai trò của người làm bóng như Thonglao của Thái Lan. Một đội bóng mà mỗi một cầu thủ là một mắt xích và khi ra sân, họ chỉ có thể tồn tại khi kết hợp thành một chuỗi.
Đấy là lý do khiến Minh Phương trong những trận quyết định rất ít khi được ra sân, nhưng trận cuối thì buộc mọi người phải nhớ đến nhờ một quả đá phạt. Quả phạt ấy sẽ vô nghĩa nếu không có cái đầu kê vào của Công Vinh.
Nó cũng hệt như Việt Thắng, chỉ toả sáng khi chọn phương án chuyền bóng cho Vinh trong trận đánh bại Thái Lan ngay tại Bangkok. Hoặc Công Vinh khi chưa có bàn thắng nào và đang khát khao có một bàn để giải hạn, lại vắt tất cả và cháy hết mình cho một đường chuyền, thay cho một cú sút ở góc hẹp.
Hào quang và thành công của một đội bóng không ngôi sao chính là ở chỗ đấy. Điều mà trước đây không ít cầu thủ trong thời "thế hệ vàng" sau này tâm sự rất thật rằng: "Hồi đấy, mình có thể thắng người Thái nếu 11 người là một chuỗi như bây giờ".
Thành công của Calisto là có lúc dám chấp nhận đi trên đường mòn để tìm đến con đường lớn. Và hơn hết, chính là sự kiên trì chấp nhận thực hiện trọn vẹn cái lộ trình mà ông đã vạch ra và kiên quyết bắt cầu thủ mình đi theo lẫn tạo cho họ niềm tin và thực hiện cái gọi là trường phái của một nền bóng đá.
Cân, đong, đo, đếm hai đội bóng trong trận chung kết, ai cũng nói Thái Lan có nhiều ngôi sao hơn và đẳng cấp cao hơn, nhưng cái thua của người Thái là họ không thể hình thành một chuỗi như các học trò ông Calisto. Người Thái có những cột cờ như Thonglao hay các đôi chân học việc ở Anh, nhưng họ không thể bẻ được một bó đũa.
Đấy là sự khác biệt lớn giữa nhà vô địch và một cựu vô địch thích xưng hùng xưng bá.
Bình luận (0)