Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Đội tuyển Việt Nam và những điều chưa kể: Tiểu tiết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Niềm vui của các tuyển thủ VN khi đăng quang AFF Cup 2008.

Nhà bác học, cũng phải bắt đầu học từ các phép tính đơn giản: 1 + 1 = 2. Thường người ta luôn mặn mà đến sự hào nhoáng từ cái tổng thể vĩ mô, khiến ít ai bận tâm đến các tiểu tiết vụn vặt.

Cho mình và cho người

"Từng phải chịu đựng, đợi cơ hội và cho đến khi được HLV tin tưởng, tôi hiểu cái vận của mình đang mở ra. Bao năm thi đấu, cống hiến, nhưng chưa một lần tôi được thừa nhận, chí ít là các danh hiệu cá nhân. Tôi muốn chơi một giải đấu để đời, để có thể đoạt được một trong ba danh hiệu cá nhân cao quý nhất năm của BĐVN. Tôi sẽ đặt nó ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà, để cậu nhóc nhà tôi mai này lớn lên, sẽ nhìn vào đó mà phấn đấu…" – thủ môn – cầu thủ xuất sắc nhất AFF Suzuki Cup 2008, Dương Hồng Sơn – từng tâm sự với người viết, trước ngày lên đường dự AFF Cup.

Phút trải lòng rất hiếm hoi, trong thâm tâm các cầu thủ, chứ không phải chuyện đao to – búa lớn, đại loại như "màu cờ sắc áo" hay "cống hiến hết mình", như cái cách mà họ được tâng bốc bằng ngôn từ. "Hôm nay có bao nhiêu nhà báo VN qua đây hả anh? Có đến 50 người như hôm ở Phuket không…?" – tiền đạo Lê Công Vinh nói mỉa mai, hôm đội tuyển tập buổi đầu tiên ở Clementi – Singapore, khi anh đã phải chịu rất nhiều sức ép từ báo chí trước đó.

Sau khi ghi được bàn thắng vào lưới Thái Lan – trận đấu lượt đi, Vinh chạy tới khu có PV VN gào lên như mê sảng, rồi khuỵu xuống đường piste. Bao dồn nén bấy lâu nay đã vỡ oà. "Tôi không cần danh hiệu số 1, không cần những lời vuốt đuôi nữa. Chúng tôi chiến đấu, hy sinh và giành chiến tích cho người hâm mộ. Khán giả luôn là những người công tâm nhất" – Vinh nói giọng hổn hển với PV Lao Động – ở Rajamangala.

"Tâm lý" như thầy "Tô"

Được ví như một chuyên gia tâm lý, HLV Calisto hiểu rằng, cầu thủ của ông cần được cân bằng trạng thái. Hôm ở trung tâm Hàm Rồng (tháng 9.2008), sau khi nghe Công Vinh trình bày, HLV Calisto đã "thả cửa" cho nhóm cầu thủ chừng 6 người lên phố Pleiku chơi. Hay sau trận thắng ở Singapore cũng vậy, HLV Calisto khẳng khái: "Hôm nay, các bạn cứ vui đi. Đừng bận tâm đến cái gọi là sức ép nữa…". Toàn đội được hiệu lệnh… giải phóng. Họ toả đi khắp nơi, từ đại lộ Orchard sang trọng đến trung tâm mua sắm Bugis và cả khu ăn chơi "bình dân" Geylang – Kallang ở ngoại ô Singapore, đâu cũng thấy thấp thoáng bóng dáng cầu thủ VN.

"Tôi muốn cư xử với học trò như những người đàn ông. Họ lớn rồi và tự ý thức được. Nhưng chơi được, thì phải làm được. Tôi luôn đợi câu trả lời ở trên sân, chứ không phải những lời giải thích ấu trĩ" – HLV Calisto từng nói. Với Henrique Calisto, không tồn tại sự hoài nghi. Ai đau, xin nghỉ, OK! Ai sai, mắng thậm tệ (như tình huống của Việt Thắng – trong buổi tập cuối cùng tại Kallang Roar, trước trận lượt về với Sing). Ai hết khát vọng, cho về luôn!

Trên sân tập Clementi, tôi thấy HLV Calisto tỉ mỉ nhặt nhạnh từng vỏ chai nước, cẩn thận bỏ vào túi nylon và đem ra tận thùng rác. Ông hiểu, các học trò của mình đã quen được phục vụ sau mỗi buổi tập rồi, nên lơ đãng. Một vài cầu thủ thoáng trông thấy ông thầy đang khệ nệ, chạy vội lại phụ giúp, nhưng HLV Calisto hiệu lệnh cho họ ra xe trước. Cử chỉ nhỏ, nhưng ý nghĩa, HLV Calisto chỉn chu đến từng chi tiết. Ông chưa bao giờ cẩu thả, dễ dãi với chính mình; bởi ông biết, học trò đang nhìn vào chính ông để phấn đấu, nỗ lực.

 
Trần Hải (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)