Hôm qua (4-1), tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã đơn thương độc mã đến Malaysia dự giải quốc tế đầu tiên của năm mới. Chưa thi đấu, nhưng anh đã thổ lộ với người viết rằng mình sẽ vượt lên hạng 16 thế giới, vì tay vợt kỳ cựu thuộc tốp 10 Lee Huyn Il (Hàn Quốc) đã rời khỏi sàn đấu từ sau Olympic Bắc Kinh. Nghĩa là thời cơ cho Việt Nam có tay vợt đầu tiên đạt hạng 15 thế giới rất cận kề, một khi Tiến Minh thi đấu quốc tế đạt hiệu quả cao.
Gỡ rối kinh phí
Tháng 9-2005, lần đầu tiên cầu lông Việt Nam có tay vợt Nguyễn Tiến Minh vươn đến hạng 59 thế giới nhờ ngành mạnh dạn cho Minh dự 5 giải quốc tế trong 8 tháng, gấp đôi số giải quốc tế từng năm trước đó.
Cần một chiến lược đầu tư đặc biệt để Nguyễn Tiến Minh bay cao hơn nữa. |
Cả năm 2007, Tiến Minh dự 11 giải quốc tế, với nguồn chi kinh phí là Tổng cục TDTT và Liên đoàn cầu lông Việt Nam, ngành thể thao TPHCM và gia đình VĐV tự túc. Đỉnh điểm của sự kết hợp nguồn lực nhà nước, xã hội và gia đình là vào năm 2008, giúp Tiến Minh có được mật độ thi đấu như mơ khi tham gia 18 giải quốc tế, trong đó có Olympic Bắc Kinh 2008.
Cùng với sự đầu tư quyết liệt này, Tiến Minh đã làm rạng rỡ thể thao Việt Nam khi leo lên vị trí 17 thế giới suốt gần 2 tháng qua. Vì vậy, không ngạc nhiên khi duyệt kế hoạch của bộ môn cầu lông, tất cả các bên đều yêu cầu cần có kế hoạch chuyên biệt cho Tiến Minh.
Trưởng bộ môn cầu lông TPHCM Trần Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Năm nay, chúng tôi dự kiến Tiến Minh thi đấu từ 12-14 giải quốc tế, nhưng vẫn cần phối hợp với Tổng cục TDTT về kinh phí đầu tư cho Minh”.
Thế nhưng, khi vấn đề kinh phí đã được tháo gỡ phần nào thì lại hiện ra những mối lo khác…
Không thể thiếu thầy!
Trong kế hoạch du đấu nêu trên của Tiến Minh chưa thấy đề cập cụ thể vai trò của chuyên gia hoặc HLV, thậm chí có ý kiến cho rằng, Tiến Minh vào tốp 20 thế giới và trở thành VĐV chuyên nghiệp thì có thể “đơn thương độc mã” tranh hùng ở các sàn đấu quốc tế.
Còn nhớ, ngày đầu tiên có mặt ở TPHCM để huấn luyện ĐTQG chuẩn bị Olympic Bắc Kinh 2008, chính chuyên gia Yan Shi Qiang đã đề nghị đi cùng Tiến Minh ở 2 giải super series tại Singapore và Indonesia, nhưng không thành. Sau đó, ông Yan đã tiếc hùi hụi: “Tiến Minh có cơ hội thắng tay vợt hạng 10 thế giới là Peter Gade ở tứ kết giải Singapore khi anh này đã sa sút thể lực mà lại bị Minh dẫn 9/5 ở ván 3, nhưng do không có HLV chỉ đạo kịp thời và nôn nóng mà Minh thua ngược”.
Năm 2008, Nguyễn Tiến Minh cũng gặp không ít xáo trộn khi tự túc kinh phí ăn ở, tập luyện với đội tuyển Singapore 2 tháng đầu năm. Du đấu không thầy ở tour châu Âu 1 tháng tiếp theo. Thọ giáo ông Yan từ tháng 5 đến tháng 8-2008 và tập với HLV Nguyễn Thế Huy tại TPHCM từ tháng 10-2008 đến nay.
Tiến Minh cho biết: “Nhiều lần rồi, tôi chỉ thấy tay vợt Smith (Anh) không có HLV đi cùng, nhưng lại có cha bên cạnh. Còn hầu hết các tay vợt mạnh như Lin Dan, Lee Chong Wei đều có HLV. Năm ngoái, tôi đã thử nghiệm việc du đấu một mình, “ăn theo” đội tuyển Singapore, nhưng HLV của họ không thể ngồi ghế chỉ đạo hoặc xem đầy đủ các trận đấu của tôi để điều chỉnh, hoặc rút kinh nghiệm gì, đơn giản vì đó không phải nhiệm vụ của họ”.
Anh cũng cho biết thêm: “Du đấu nhiều lúc rất cô đơn. Những lúc ấy, có thầy bên cạnh để mỉm cười và trò chuyện, dù chỉ là nói về trận đấu hoặc đối thủ cũng dễ chịu hơn nhiều”.
Trưởng bộ môn Trần Nguyễn Trí Dũng xác nhận đã mời lại chuyên gia Yan Shi Qiang (Trung Quốc) huấn luyện cầu lông TPHCM năm 2009. Điều này rất cần, bởi người trong cuộc đều hiểu: đạt đẳng cấp trong tốp 20 thế giới đã khó, trụ hạng càng vất vả bội phần. Chưa kể điều kiện đảm bảo và xuất phát điểm trình độ nền cầu lông Việt Nam còn cách biệt so với các nước đang làm “trùm” môn này.
Khi điều kiện đảm bảo không như nhau…
HLV Yan Shi Qiang ất cần cho Nguyễn Tiến Minh ở tương lai. |
Về điều này, có thể lấy ví dụ so sánh: đội tuyển Singapore tập trên sàn thi đấu hiện đại, với cầu Yonex, giải khát bằng các loại nước uống thể thao chuyên dụng, có bác sĩ chuyên về chấn thương thể thao và chuyên gia về hồi phục thể lực túc trực, trong lúc đội tuyển Việt Nam tập ở sàn nhựa tổng hợp, với loại cầu Hải Yến, uống trà đá…
Trong năm 2008, gia đình Tiến Minh đã 4 lần tự túc kinh phí để cho Minh tập ké với đội tuyển Singapore. Tiến Minh bày tỏ: “Đây là sự thay đổi cần thiết để tạo hưng phấn và được cọ xát với các tay vợt có trình độ tương đồng, nên gia đình tôi sẵn sàng lo kinh phí cho tôi du đấu. Tôi may mắn có gia đình, đồng đội ủng hộ (từ 3-6 người làm “quân xanh” cho Minh hàng ngày – PV), nhưng vẫn dùng phép thắng lợi tinh thần để thích nghi trước điều kiện tập luyện còn hạn chế”.
Nguyễn Tiến Minh vào tốp 20 thế giới, nhưng trình độ kỹ thuật chưa được mài giũa kỹ càng như các tay vợt quốc tế cùng ở tốp này như chính anh thừa nhận: “Tôi vẫn thấy yếu về kỹ thuật so với các đối thủ hàng đầu thế giới”.
Nêu khó khăn để thấy, kinh phí chưa hẳn vấn đề đầu tiên, sâu xa hơn cần có kế hoạch đầu tư phù hợp làm nền tảng cho dự trù kinh phí. Nguyễn Tiến Minh đã có sự đồng lòng để tận dụng nguồn kinh phí từ gia đình và của ngành thể thao. Điều mà nhều người quan tâm lúc này chính là cái kế hoạch đầu tư ấy có dài hạn và thực sự tập trung hay không mà thôi.
THỤC OANH (theo SGGP)
Bình luận (0)