Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Người gieo “ánh sáng Judo” cho học trò khiếm thị

Tạp Chí Giáo Dục

Thúy Hồng (bìa phải) cùng các học trò khiếm thị của mình. Ảnh: Thanh Sơn

Đó là huấn luyện viên (HLV) Judo Trần Mai Thúy Hồng – người được các học trò khiếm thị ở Hội Người mù TP.HCM rất quý trọng và yêu mến dành cho tên gọi thân thương “Cô tiên Thúy Hồng”. Vâng! Thúy Hồng chính là cô tiên giữa đời thường bởi những đóng góp và hi sinh thầm lặng của cô để giúp cho các học trò không nhìn thấy ánh sáng tìm đến với võ thuật là một kỳ tích mà không phải ai cũng làm được. Cô giáo trẻ này vừa được Thành đoàn TP.HCM bình chọn là một trong năm gương mặt “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2008”.
Bắt đầu từ niềm đam mê…
Thúy Hồng sinh ra trong một gia đình công nhân viên bình thường tại TP.HCM. Lúc nhỏ, ba mẹ thấy Thúy Hồng ốm yếu nên cho chơi rất nhiều môn thể thao như bơi lội, bóng bàn, điền kinh… để rèn luyện sức khỏe. Năm 1991, một lần tình cờ vào Câu lạc bộ Hồ Xuân Hương (quận 3) xem các anh chị tập võ. Dù chưa bao giờ tập bộ môn này nhưng mới nhìn qua Thúy Hồng đã thực hiện trở lại những động tác vừa xem một cách tương đối chính xác nên đã đăng ký tham gia tập luyện. Ban đầu, Thúy Hồng tập Judo vì cảm thấy vui, quen được nhiều bạn mới. Dần dần, được tham gia thi đấu và đạt một số thành tích đáng kể về bộ môn này (vô địch nhiều năm liền ở Giải trẻ toàn quốc, HCV Giải vô địch quốc gia năm 2000, HCĐ Giải vô địch Đông Nam Á năm 1998 tại Singapore, vô địch Giải sinh viên Pháp…) thì niềm đam mê trong cô càng lớn và quyết tâm gắn bó với Judo càng cao hơn.
Thúy Hồng cho biết: “Mọi người đều nghĩ con gái thì không nên học võ, nhưng thật ra võ thuật mang lại cho người tập rất nhiều lợi ích, đặc biệt là con gái. Ngoài là phương tiện giúp chúng ta rèn luyện thể lực, tăng cường sức khỏe võ thuật còn giúp cho chúng ta tự tin hơn, linh hoạt hơn khi giải quyết vấn đề, nhất là giúp cho con gái có thể tự vệ trong những tình huống bất lợi”.
Với danh hiệu “Kiện tướng quốc gia”, năm 2000 VĐV Thúy Hồng được tuyển thẳng vào khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tuy nhiên, tình yêu dành cho Judo đã khiến cô gắn chặt với môn thể thao này. Và thế là ngoài thời gian đi học ở trường sư phạm, Thúy Hồng còn tranh thủ đi dạy Judo cho các trung tâm TDTT quận – huyện để đỡ nhớ nghề. Trong thời gian vừa học vừa làm này, Thúy Hồng được giữ nhiệm vụ Trưởng bộ môn Judo   tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình.
Gieo “ánh sáng Judo” cho học trò khiếm thị
Năm 2003, Thúy Hồng được Trung tâm Văn hóa thể thao quận Tân Bình cử sang Malaysia học một khóa ngắn hạn về phương pháp giảng dạy và phân loại thương tật cho các VĐV khiếm thị. Sau khi về nước, cô ấp ủ giấc mơ dạy thử nghiệm Judo cho người khiếm thị, nhưng thời gian này, mọi thứ còn quá mới mẻ nên chưa thể thực hiện được. Đầu năm 2004, khi biết Đoàn sở TDTT TP.HCM đang có một nhóm người đưa ra ý tưởng mở lớp dạy Judo cho những người khiếm thị tại Hội Người mù TP.HCM, Thúy Hồng đã rất nhiệt tình tham gia. Ban đầu, công tác huấn luyện gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có phương pháp huấn luyện tốt nhất dành cho người khiếm thị. Bên cạnh đó, tài liệu về người khiếm thị rất hạn chế nên việc tiếp cận và giảng dạy sao cho các võ sinh khiếm thị hiểu nhanh nhất và hiệu quả nhất là một trong những trăn trở của Thúy Hồng cũng như tập thể Ban huấn luyện. Nhưng với lòng nhiệt tình và sức trẻ, cô đã cùng Ban huấn luyện học tập, trau dồi, cùng nhau tháo gỡ và vượt qua những khó khăn này. Dạy lớp trước thì rút kinh nghiệm để dạy cho lớp sau. Sau hơn 4 năm hoạt động, Hội Judo khiếm thị do Thúy Hồng giảng dạy đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ: Duy trì tập luyện thường xuyên tại Hội Người mù thành phố, Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Mái ấm Thiên Ân… với số lượng người khiếm thị tham gia khoảng 200 người. Niềm vui càng nhân gấp bội khi Hội Judo người khuyết tật TP.HCM được nhiều mạnh thường quân, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ khá nhiều trang thiết bị luyện tập hiện đại.
Năm 2006, tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á Thái Bình Dương – Fespic Games tổ chức ở Malaysia, lần đầu tiên Judo người khiếm thị tham dự 1 VĐV và đạt được 1 HCB. Năm 2007, Asian Paragames 3 tổ chức tại Thái Lan, Judo khiếm thị tiếp tục tham dự 3 VĐV và đạt được 3 huy chương vàng, bạc, đồng. Đặc biệt, năm 2008, Thúy Hồng đào tạo được 1 VĐV Judo khiếm thị Triệu Thị Nhỏi tham dự Paralympic 2008 tại Bắc Kinh và đạt được hạng 7 thế giới.
Khó khăn và khổ cực như thế nhưng chưa bao giờ Thúy Hồng chán nản, luôn tâm huyết với công việc của mình. Trong quá trình giảng dạy, niềm vui cũng có nhiều nhưng buồn thì cũng không ít. Vì Judo là môn đối kháng và đa số là những kỹ thuật ném ngã, một số em khiếm thị do thể trạng yếu cộng với tâm lý sợ té ngã, sợ đau nên sau một thời gian học thì nghỉ. Cứ một học trò nghỉ thì nỗi buồn của Hồng lại nhân lên. Nhưng khi vận động được các em đi tập lại, niềm vui của Hồng rạng rỡ hơn.
Nói về kỷ niệm vui, Thúy Hồng chia sẻ: “Có một lần sau khi kết thúc buổi tập, một võ sinh tiến đến gần Hồng xin được phép sờ vào mặt để biết dung nhan của Hồng như thế nào. Dĩ nhiên, Hồng không thể từ chối nguyện vọng tràn đầy tình cảm này của học trò…”. Thúy Hồng đã viết nên một câu chuyện cổ tích thật ý nghĩa – câu chuyện mang ánh sáng cho những người khiếm thị yêu Judo. Hiện tại, Thúy Hồng đang học cao học chuyên ngành Giáo dục thể chất tại Trường Đại học TDTT TP.HCM.
Nói về danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2008, Thúy Hồng rất cảm động: “Hồng bất ngờ lắm khi biết mình đạt được danh hiệu này. Đây là một trong những nguồn động viên rất lớn cho Hồng tiếp tục cuộc hành trình đưa Judo đến với người khiếm thị, tạo một sân chơi cho các bạn khiếm thị rèn luyện sức khỏe, từ đó giúp họ vui vẻ hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Mong muốn của Hồng và các HLV khác là làm sao để ngày càng có nhiều người khiếm thị được tham gia tập luyện Judo nói riêng và thể thao nói chung. Sắp tới, Hồng sẽ phối hợp với Phòng Y học và Nghiên cứu khoa học của Trường Nghiệp vụ TDTT TP cùng Đoàn sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP biên soạn và phổ biến tài liệu về phương pháp giảng dạy Judo cho người khiếm thị nhằm mục đích phát triển phong trào ra các tỉnh, thành trong cả nước…”.
KHÔI NGUYÊN
Việc huấn luyện cho người khiếm thị rất khó khăn, theo Thúy Hồng: “Ngoài việc hướng dẫn các lý thuyết, đòn thế cơ bản… như những người bình thường, điểm đặc biệt của HLV judo cho người khiếm thị là phải dạy học trò mình khả năng phán đoán bằng thính giác. Khi đã nhuần nhuyễn bài học này, các VĐV judo khiếm thị nói riêng và võ thuật nói chung sẽ sử dụng “hơi tai” nhận biết động tĩnh của đối thủ để dựa vào đó chống đỡ hoặc ra đòn”.
 

Bình luận (0)