Vừa xong cuộc đua Cúp truyền hình TP.HCM vào trưa 30-4, sáng nay 2-5 các tay đua lại bước vào cuộc đua Về Điện Biên Phủ. Và họ than thở: “Có là máy cũng không chịu nổi lịch thi đấu như thế này”…
Các cuarơ cong lưng leo đèo Ngoạn Mục ở Cúp truyền hình TP.HCM 2009. Những ngọn đèo ở cuộc đua Về Điện Biên Phủ kinh khủng hơn nhiều lần… |
Sau khi kết thúc chặng đua gần 100km từ Bảo Lộc (Lâm Đồng) về TP.HCM trưa 30-4, các tay đua gần như lập tức phải lên đường ra Hà Nội để dự cuộc đua Về Điện Biên Phủ khai mạc sau đó chưa đầy 48 giờ.
Thời gian gấp gáp đến nỗi nhiều đội phải xin “ở nhờ” hành lang của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) để tắm rửa, ăn uống và đóng gói xe, đồ đạc. Đến 14g, họ tham dự chương trình phát thưởng ngay tại HTV rồi gấp rút ra sân bay để kịp đi Hà Nội. Khởi hành sớm nhất là đội Bảo Vệ Thực Vật An Giang với chuyến bay cất cánh lúc 15g35 cùng ngày.
Điều này khiến các tay đua Bảo Vệ Thực Vật An Giang không có thời gian để nhận thưởng và phải cử đại diện ở lại nhận. Sau đó, các đội khác lần lượt lên đường. Cảm động nhất là hình ảnh tay đua Mai Nguyễn Hưng phải chia tay người yêu ngay trong sân HTV do không có thời gian ghé nhà.
So với cuộc đua Cúp truyền hình TP.HCM 2008 có tổng lộ trình xuyên Việt gần 2.237km trong 19 ngày, tổng độ dài lộ trình của Cúp truyền hình TP.HCM 2009 (1.000km) và cuộc đua Về Điện Biên Phủ (510km) cũng không bằng. Nhưng đáng nói là 510km của cuộc đua Về Điện Biên Phủ sẽ rất gian khổ đối với các tay đua, bởi họ phải liên tục leo những con dốc, ngọn đèo cao chót vót khi mà thể lực đã bị bào mòn ở giải Cúp truyền hình TP.HCM và hành trình di chuyển ra miền Bắc quá gấp gáp.
Tay đua từng đoạt áo đỏ của giải năm 2004 Trịnh Phát Đạt nhớ như in nỗi cực nhọc khi phải leo đèo Pha Đin. Đạt nói: “Từng đua xuyên Việt nhưng tôi chưa thấy đèo nào hiểm trở như Pha Đin. Đường vào đèo hẹp và hiểm trở trong khi phải leo cao chót vót. Nếu giải dời lại vài ngày thì tốt quá, bởi có là máy thì VĐV chúng tôi cũng không thể thi đấu tốt với lịch thi đấu dày đặc như thế này”. Điều này khiến các đội mạnh không đặt nhiều tham vọng tại giải và các đội trung bình chỉ hi vọng “đi đông, về đủ”. HLV Đỗ Thành Đạt (Bảo Vệ Thực Vật Sài Gòn) dự đoán: “Do phải leo đèo liên tục nên cuộc đua sẽ có nhiều VĐV phải bỏ cuộc giữa chặng”.
Lịch thi đấu này thể hiện sự “no dồn, đói góp” bởi trong năm 2009 chỉ có chín cuộc đua (trong đó có ba cuộc đua rất ngắn) nhưng tập trung ba giải có đường đua dài liên tiếp nhau. Đầu tiên là giải Cúp truyền hình Bình Dương (tám chặng) cuối tháng 3. Gần ba tuần sau là khởi tranh Cúp truyền hình TP.HCM (chín chặng) và hai ngày sau là đến cuộc đua Về Điện Biên Phủ. Trong khi đó, sau giải này các tay đua có hơn hai tháng ngồi không (nếu không tính giải ngắn chào mừng Ngày báo chí VN giữa tháng 6).
Đặt vấn đề “no dồn, đói góp” với trưởng bộ môn xe đạp VN Nguyễn Đức Cường, ông cho biết: “Năm 2008, ban chấp hành Liên đoàn Môtô – xe đạp VN đã họp tại Hòa Bình về vấn đề này. Phía HTV đã đồng ý rút ngắn giải của mình để đảm bảo thể lực cho VĐV. Chúng tôi cũng giảm nhiều con dốc lớn cho VĐV. Vì thế, tôi nghĩ giải sẽ tốt và giúp VĐV tích lũy thêm thể lực (!?)”.
TẤN PHÚC (theo tuoitre)
Bình luận (0)