Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Võ sư Hồ Lê Nguyên Khôi: “Tôi viết hồi ký về thời đi học của mình…”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Võ sư Hồ Lê Nguyên Khôi

Võ sư-diễn viên điện ảnh Hồ Lê Nguyên Khôi rất quen thuộc với khán giả trong nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình. Tính đến nay, anh đã xuất bản được 5 tập sách võ thuật như: Thái cực Đường Lang quyền, Thái Lý Phật quyền, Thái cực quyền, Bạch Mi Phái, Thiếu Lâm Thông túy quyền tạo được tiếng vang trong giới chuyên môn, đồng thời cũng “rinh” khá nhiều giải thưởng võ thuật có uy tín. Anh hiện là chưởng môn phái Bạch Mi, mặc dù bận rộn với vai trò giảng dạy võ thuật, kinh doanh và đóng phim nhưng anh vẫn dành cho Giáo Dục TP.HCM cuộc trò chuyện thú vị về thời đi học của mình.
PV: Được biết, anh có ý định viết hồi ký về thời đi học của mình?
Đúng vậy. Tôi đang bắt đầu viết, dự kiến hoàn thành và sẽ xuất bản trong năm nay. Tôi lên 5 tuổi thì chiến tranh kết thúc, gánh nặng gia đình đặt hết lên đôi vai mẹ tôi, một giáo viên cấp III với đồng lương ít ỏi. Lúc đó định hướng của tôi là phải học thật giỏi để có một tương lai tươi sáng. Và cái nghèo đã không hạ nổi việc học hành của tôi. Cấp I học ở Trường Kim Đồng, tôi ao ước được tham gia đá bóng nhưng không bao giờ được chấp thuận vì không có tiền hùn mua banh với các bạn nên chỉ được đứng ngoài cổ động mà thôi. Một hôm, lớp tôi giao đấu mà lại thiếu thủ môn, vậy là tôi có cơ hội được vào thay thế. Cuối trận đấu, tôi được đánh giá là thủ môn xuất sắc, nhưng cặp sách của tôi thì biến mất. Về nhà tôi bị ba mẹ cho một trận đòn vì tội mê banh. 
Anh phát hiện ra mình có năng khiếu võ thuật từ lúc nào. Có bao giờ anh dùng võ thuật để “hạ” bạn bè trong thời đi học không?
Sinh ra trong một gia đình người Hoa có truyền thống võ thuật nên tôi đã đến với võ thuật từ năm 7 tuổi. Tôi được thầy Trần Vĩnh Hán dạy môn nội công Thiếu Lâm nên công lực càng tăng tiến hơn. Song song đó thầy cũng dạy tôi môn Bạch Mi và vài môn võ khác như: Côn Luân, Đường Lang quyền, Vịnh xuân quyền, Phê quải môn, Hoắc gia quyền, Thái Lý Phật, Võ đang, Hồng quyền, Châu gia quyền, Bạch Hạc… Năm 18 tuổi, tôi đã tinh thông thập bát ban võ nghệ của nhiều môn phái. Lực càng tăng tiến hơn. Thời cấp 2, tôi luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi vì mẹ tôi đề ra tiêu chuẩn học rất cao: chỉ chấp nhận điểm 10 các môn học, điểm 9 là bị la, còn 7 – 8 là ăn đòn. Năm lớp 7, vì muốn đứng đầu lớp nên mỗi lần làm bài kiểm tra xong, tôi thường hay giấu bài mang lên nộp chứ không cho bạn bè xem. Trong lớp có nhóm bạn chuyên quậy phá đánh nhau trong trường, vì không cho chúng coi bài nên tôi bị “hỏi thăm sức khỏe”. Mặc cho chúng đấm đá, tôi vẫn bước đi không chống trả, tưởng tôi là thằng nhát gan nên chúng bỏ đi. Thật ra lúc đó, máu nhà nghề của tôi cũng sôi lên dữ dội. Nhưng tôi nhớ lời nói của mẹ “Nếu đánh nhau với bạn học để nhà trường mời lên gặp thì khỏi cần đi học nữa” nên tôi mới nhường nhịn. Lên cấp III tôi học ở Trường Lê Hồng Phong và vẫn tiếp tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 11, tôi còn đoạt được giải nhất cấp thành phố và cấp quốc gia về môn kỹ thuật cơ khí. Hồi ấy, tôi học rất giỏi các môn khoa học tự nhiên toán – lý – hóa nhưng lại rất sợ những môn khoa học xã hội văn – sử – địa.
Ngoài vai trò là võ sư, anh còn là một diễn viên điện ảnh?
Năm 20 tuổi, tôi đã có một nền tảng võ thuật vững chắc và đang đứng lớp với vai trò một võ sư thì được nghệ sĩ Lý Huỳnh mời tham gia bộ phim Thanh gươm để lại sau đó bén duyên với điện ảnh cho tới bây giờ. Năm 1992, tôi theo thầy Lê Văn Duy làm chỉ đạo võ thuật trong các phim, tham gia đóng các vai phụ và học hỏi thêm nhiều kiến thức trong công tác biên kịch và đạo diễn. Từ 2002, tôi được đạo diễn Lê Anh Cường cho cơ hội làm phó đạo diễn vài bộ phim, học hỏi được nhiều kinh nghiệm diễn xuất nên liên tục có những vai quan trọng trong các phim Chuyện tình của mẹ, Hạt bụi hạt đời, Hoa gió, Cao su mùa lá rụng, Tuổi yêu, Nhiệm vụ đặc biệt, Taxi, Âm tính… Sắp tới, tôi đã sẽ tham gia phim Những thiên thần áo trắng, Đừng đùa với thiên thần, Người đẹp Bình Dương…
Anh cũng đã từng làm thầy dạy võ thuật. Quan niệm của anh như thế nào về nghề này?
Tôi là người có duyên nợ với môn phái Bạch Mi, được bầu làm chưởng một phái võ có truyền thống và nguồn gốc trên 200 năm của Trung Hoa. Đa số môn sinh và học sinh của tôi là Hoa Kiều Chợ Lớn, từng là những thiếu niên hiếu võ nhưng vô gia cư được chúng tôi nhận về dạy miễn phí. Thuở nhỏ để học được võ “Tàu”, tôi đã phải cố gắng học nói và đọc chữ Tàu. Ngày nay trên cương vị lãnh đạo hội của Hoa Kiều này mà đa số học trò là người Hoa không rành tiếng Việt, tôi lại càng phải trau dồi tiếng Tàu nhiều hơn để dạy lại môn võ này. Tôi xin lấy hai câu thơ sau để trả lời cho câu hỏi này: Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy trí nhân để thay cường bạo. Võ thuật là một cái đạo, cho nên người luyện võ cần phải thấu tình đạt lý nó thì mới thành cao thủ. Có một kỷ niệm với học trò mà tôi không bao giờ quên là câu chuyện về khu chợ cá Nguyễn Tri Phương, khu vực hồ bơi Hòa Bình Q.8… có tay “anh chị” tên là Tí Man vào tù ra khám như cơm bữa. Sau khi giao đấu, bị tôi đánh bại nên đã tình nguyện theo học nghề cùng tôi. Tôi đã sửa tên Tí Man thành tên Thiện. Và Thiện đã hoàn lương và trở thành người tốt như hiện nay.
Xin cảm ơn anh rất nhiều.
Lữ Đắc Long (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)