Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Cầu thủ Việt kiều thử việc tại U19 VN: Về quê đá bóng cũng không dễ !

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến bây giờ, Thanh Giang và Văn Mạnh chưa thể hiện được gì. Nguyên nhân có thể là khả năng thích nghi chưa tốt và sự khác biệt về môi trường chơi bóng… Nhưng tận mắt chứng kiến trình độ của 2 cầu thủ này thì họ thật sự không có gì vượt trội so với các “đồng tuế” đang chơi bóng trong nước.

1. Thể hình của Nguyễn Thanh Giang thì miễn chê, cao 1m80 và dày cơm, so với các bạn của mình Giang trội hơn hẳn. Tuy nhiên, nhìn cầu thủ đang chơi bóng tại CLB FC Aue (CHLB Đức) thì người ta không thấy sự khác biệt giữa anh so với những đồng đội người Việt. Giang cho thấy anh không phải là người xử lý bóng khéo léo, tốc độ cũng không phải là thế mạnh.

Patrick Lê Giang cho thấy sự hứa hẹn nhưng bản thân cầu thủ này lại chưa lên tiếng chính thức về nguyện vọng khoác áo ĐT Việt Nam.

Giang cũng không cho thấy anh có bản năng của một tìền đạo về khả năng xoay sở và chạy chỗ, bởi Giang có thể giật ngược trở lên đón bóng, làm tường cho đồng đội, khá chỉn chu. Tuy nhiên, sau khi đưa bóng xuống nách và ra biên thì anh rất thụ động trong việc chạy chỗ, tìm khoảng trống và lôi kéo người, hay nói cách khác Giang thường “núp bóng” hàng phòng ngự đối phương, nên rất dễ bị phong toả.

Chính vì điều này nên Giang đã không nhận được nhiều sự hỗ trợ của đồng đội, và nó không chỉ lặp đi lặp trong 45 phút trong trận đấu với U21 TP.HCM, mà nó còn cả ở những buổi tập trước đó.

Với Phạm Văn Mạnh, người được giới thiệu là đang chơi tại CLB FC Erfurt – CHLB Đức, thì mọi chuyện cũng không khá hơn. Mạnh chơi ở vị trí tiền vệ tấn công (theo lời giới thiệu của HLV phụ trách Hùng Phi, anh cũng có thể chơi tiền vệ cánh), và tư duy chơi bóng của cầu thủ này có vẻ “sáng” hơn người đồng đội Thanh Giang. Mạnh tỏ ra là người mạnh mẽ trong tranh chấp và hỗ trợ đồng đội. Tuy nhiên, khả năng “làm bóng”, nhãn quan chiến thuật của Mạnh trong 45 phút ở trận đấu với Tây Ninh sáng qua rất hạn chế.

Nếu việc xỏ giày vào sáng qua của Văn Mạnh có thể thông cảm vì anh mới có mặt ở Thành Long trước đó một ngày, thì với Thanh Giang, cầu thủ đã ăn tập cả tuần nay, người ta đã bắt đầu thấy được trình độ hạn chế của anh.

2. Lại nhớ đến, Toni Lê Hoàng, cầu thủ Việt kiều sinh sống tại Ba Lan từng về Việt Nam xin thử việc vào năm 2005. Người ta chỉ cần liếc qua bản lý lịch hoành tráng của Hoàng (cầu thủ U19 xuất sắc Ba Lan hai năm liền 2004 và 2005) cũng đủ để các HLV gật đầu “OK”.

Vậy mà giấc mơ khoác áo đội Olympic VN tham dự SEA Games 23 của Hoàng tan thành mây khói khi ông Alfred Riedl gạt anh ra khỏi danh sách. “Sốc” hơn cả, là việc loại cầu thủ Việt kiều này đã xuất hiện trong đầu của ông thầy người Áo ngay sau buổi tập ra mắt của anh.

Trước đó ở Tiger Cup 2004, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Tavares đã đón cầu thủ Pháp gốc Việt Ludovic Casset về thử việc, nhưng cũng chỉ sau một tuần, anh chàng này đã bị vỡ mộng. Sau đó, Casset được Đà Nẵng nhập quốc tịch và đổi tên thành Mã Trí, nhưng cũng chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị rồi biến mất khỏi danh sách thi đấu của Đà Nẵng. Hay gần hơn là trước thềm Asian Cup 2007, Willemin Vinh Long cũng về Việt Nam với cái mác cựu tuyển thủ U20 của Pháp nhưng rồi cũng phải lặng lẽ xách vali lên máy bay trở về nơi xuất phát.

Danh sách cầu thủ Việt kiều trở về Việt Nam xin thử việc ngày càng dài ra, đến nỗi VFF cũng phải “soi” kỹ để rút ra bài học kinh nghiệm về những bản lý lịch “treo đầu dê bán thịt chó” tốn công tốn thời gian. Mãi năm rồi chỉ có Patrick Lê Giang chơi cho U17 Slovakia được coi là ấn tượng nhất, dù vậy cầu thủ này cũng chưa thấy đánh tiếng về khả năng đầu quân cho đội bóng quê hương.

Rõ ràng, làn sóng cầu thủ Việt kiều về nước thử việc đang tạo ra những hiệu ứng tích cực cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, có một mảng tối là số đông trong đó vẫn nghĩ rằng bóng đá VN còn nằm “sâu” trong “vùng trũng” của thế giới. Vì thế, họ đã không đánh giá được chính xác trình độ của mình cũng như bóng đá quê nhà, từ đó dẫn tới độ vênh khi họ về nước để kiểm tra khả năng.

TỊCH ĐIỀN (theo thethaovanhoa)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)