Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Xem World Cup cùng Calisto: Xu thế mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi kỳ World Cup đều chứng kiến sự lên ngôi của một sơ đồ chiến thuật. Nói chính xác thì nó còn mở ra cả một xu thế. Tôi không nghi ngờ điều này và do đó, cũng không ngạc nhiên khi 4-2-3-1 đang trở thành hệ thống thống trị World Cup 2010.
Một sơ đồ linh hoạt
Nhiều người cho rằng thành công của Inter Milan tại Champions League 2009/10 đã mở ra thời hoàng kim của chiến thuật 4-2-3-1. Nhưng tôi không nghĩ thế. Mourinho không phải người phát minh ra 4-2-3-1. Thực tế thì Bồ Đào Nha dưới quyền Scolari đã chơi với sơ đồ này suốt thời kỳ 2004-2008. Có chăng Mourinho chỉ vận dụng tốt hơn hoặc đã hoàn thiện hóa 4-2-3-1 thôi.
Lý do khiến 4-2-3-1 thịnh hành tại World Cup 2010 vì nó là một trong những sơ đồ linh hoạt nhất, có thể dễ dàng chuyển thành 4-4-2 hay 4-1-4-1. Bóng đá ngày nay rất cần sự uyển chuyển, nhanh chóng biến đổi từ trạng thái phòng ngự sang tấn công và ngược lại. 4-2-3-1 đáp ứng những yêu cầu này.
Hãy phân tích: với 4-2-3-1, cặp tiền vệ trung tâm chỉ làm nhiệm vụ phòng ngự và phân phối bóng. Hai hậu vệ biên được ưu tiên lên tham gia tấn công tối đa cùng các tiền đạo cánh. Vì khi họ leo biên, những tiền đạo cánh có thể xâm nhập vào vòng cấm, qua đó phương án tiếp cận khung thành trở nên đa dạng hơn, hoặc xuống sát biên, hoặc đột phá vào trung lộ. Hơn nữa, ưu thế về quân số trong tấn công được duy trì khi có 6 cầu thủ luôn sẵn sàng. Nếu hậu vệ biên hoặc tiền đạo cánh mất bóng, sau lưng họ đã có 2 tiền vệ phòng ngự, đủ bao quát cả chiều ngang mặt sân. Mặt khác, khi một cánh bế tắc, họ có thể trả về ngay cho tiền vệ trung tâm đứng gần nhất để bóng được chuyển sang hướng đối diện. Liên tục, liên tục như vậy thì quả bóng được kiểm soát dễ dàng hơn và sự linh hoạt từ phòng ngự sang tấn công cũng như từ tấn công sang phòng ngự được duy trì.
Tôi đã xem kỹ loạt trận đầu tiên và nhận thấy có tới 13 đội đã sử dụng 4-2-3-1. Cá biệt, như ở bảng A, 3/4 đội (Pháp, Uruguay, Nam Phi) đá theo sơ đồ này. Và những ƯCV lớn như Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Bồ Đào Nha, Brazil và thậm chí cả Tây Ban Nha nữa đều chơi 4-2-3-1. Ngay cả ĐT Anh, tôi tin rằng 4-2-3-1 cũng sẽ là giải pháp cho họ khi giải phóng Gerrard khỏi vai trò phòng ngự còn Rooney được đẩy lên đá cao nhất.
Sự diệt chủng của 4-4-2 kiểu cũ
Với 13 đội (và có thể tăng thêm nữa) sử dụng, 4-2-3-1 là sơ đồ phổ biến nhất ở World Cup 2010. Chỉ có 10 đội dùng 4-4-2. Các sơ đồ khác còn ít hơn nữa, như 4-3-3 (3 đội), 5-3-2 (2), 4-3-2-1, 4-4-1-1, 4-5-1, 3-4-1 (đều chỉ có 1 đội).
Cần phải lưu ý rằng cách đây chưa lâu, 4-4-2 còn được coi là tối ưu. Nhưng bây giờ thì nó đang mất dần sự thịnh hành. Trong những ƯCV vô địch, chỉ có Anh đá 4-4-2. Mỹ, Slovenia, Australia, Serbia, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Paraguay, Slovakia, Honduras là những “môn đồ” còn lại của hệ thống này và rất dễ dàng nhận thấy là ngoài Anh (4-4-2) và Argentina (4-3-2-1), 7 ƯCV vô địch còn lại đều đã chuyển hướng sang 4-2-3-1.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng ngoài việc 4-4-2 đang yếu thế, 4-4-2 kiểu cũ với sơ đồ cặp tiền đạo song song cũng đang dần “tuyệt chủng”. Ngày nay, người ta không còn chấp nhận 2 tiền đạo chỉ biết làm mỗi việc tấn công còn sau khi mất bóng trở thành người ngoài cuộc. Bây giờ, nếu dùng 4-4-2 thì một tiền đạo phải đá lùi, vừa hỗ trợ phòng ngự, vừa săn bóng và kiến tạo luôn. Đấy là kiểu 4-4-2 của ĐT Anh.
Henrique Calisto (theo baobongda)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)