Như vậy là tham vọng chinh phục VCK U22 châu Á của U22 VN đã tan tành theo mây khói. Dẫu biết với tập hợp là những gương mặt lần đầu lên tuyển lần này, U22 VN sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cái cách mà thầy trò HLV Lư Đình Tuấn thể hiện tại vòng loại U22 châu Á với những trận thua tan tác, đúng là có nhiều vấn đề.
Hiếm có lần tập trung nào, thành phần nhân sự lại để lại nhiều lo lắng như lần này. ĐT U22 với tập hợp chủ yếu là các cầu thủ từ hạng Nhất và lứa U19 đang là những hy vọng cho tương lai bóng đá nước nhà.
Các cầu thủ trẻ ít có cơ hội thử lửa |
Thế nhưng, có vẻ đó sẽ là một tương lai rất xa bởi họ cần có thời gian để thử lửa. Còn hiện tại, mục tiêu gần nhất là vòng loại U22 châu Á đã bị phá sản, còn xa hơn nữa là SEA Games 27, đang mang tới những nỗi lo rất lớn.
Lên khung lực lượng để chuẩn bị cho một mục tiêu lớn như SEA Games, nhưng thành phần đội tuyển U22 lần này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Có quá nhiều những cái tên xa lạ, thậm chí chưa từng một lần góp mặt ở sân chơi hạng Nhất chứ chưa nói V.League.
Trong bản danh sách 24 cầu thủ được HLV Lư Đình Tuấn và các cộng sự chốt lại, có tới quá nửa là những cầu thủ chưa từng lên tuyển và đa phần đều ở lứa tuổi còn rất trẻ. Việc gọi lên tuyển nhiều cầu thủ trẻ là một tín hiệu mừng với bóng đá VN, nhưng trẻ cũng phải đi đôi với tài năng, một chút kinh nghiệm, xông pha trận mạc.
Chứ như các tuyển thủ lần này, đa số chỉ ở dạng tiềm năng hoặc chỉ là con số “0” thì cũng lo thật. Một quan chức của VFF cho rằng, chu kỳ 2 năm để chuẩn bị cho SEA Games là vừa đủ để các cầu thủ trưởng thành.
Đồng ý là như vậy nhưng đó là trong một môi trường phát triển như các nước, chứ như của ta, lên tuyển xong mà thi đấu không để lại ấn tượng nào thì kể cả có cái mác tuyển, cũng bị bỏ xó ở CLB. Mà bóng đá VN cũng đâu có ít bài học như thế, những lứa trẻ của SLNA, SHB.ĐN… thậm chí còn đá được trên tuyển nhưng lại không có đất dụng võ khi về CLB.
Bóng đá VN từ nhiều năm nay vẫn lấy sân chơi V.League làm thước đo cho những tiêu chuẩn. Vậy mà lần này, đếm kỹ cũng chỉ có 7 gương mặt, số còn lại đều được coi là “trẻ thơ”. Tiếng là ĐT U22 nhưng mặt bằng tuổi lại chủ yếu ở lứa 19-20. Thế mới thấy nhân tài trẻ của bóng đá VN quá ít.
Đó là câu chuyện mà chắc chắn VFF sẽ phải tính tới trong kế hoạch phát triển bóng đá trẻ của mình trong tương lai, còn hiện tại, ĐT U22 đang để lại sự thất vọng và nỗi lo lớn, sau màn trình diễn kém cỏi tại vòng loại U22 châu Á.
Thắng Madives và cả Thái Lan ở 2 trận giao hữu mang tình chất khởi động, nhưng đúng là “thử kêu đốt xịt”, các học trò của HLv Lư Đình Tuấn để thua cả Đài Loan, Myanmar và Malaysia, những đối thủ được xem là ngang cơ hoặc dưới tầm. Đáng lo nhất, U22 không cho thấy sự tiến bộ nào sau từng trận đấu.
Dẫn bàn sớm nhưng lại thua đậm, rồi thẻ đỏ, khả năng ghi bàn kém, khâu phòng ngự có quá nhiều sai sót…tất cả đang tạo nên hình ảnh một ĐT U22 rất nhiều “vấn đề” phải xem lại.
So với các đối thủ cùng khu vực, U22 VN kém hẳn một bậc và không hiểu gần 2 năm tới trong kế hoạch phục thù tại SEA Games 27, liệu đoàn quân trẻ hiện tại có hoàn thành “tâm nguyện” của lứa đàn anh giao phó?.
Thất bại của U22 VN tại giải lần này rất cần những người có trách nhiệm mổ xẻ. Trên hết, việc cầu thủ trẻ không có cơ hội ra sân tại V.League một lần nữa cần được VFF và các CLB xem đây như là một trong những nguyên nhân chính khiến ĐT U22 không có kinh nghiệm, bản lĩnh để có thế bước vào những giải đấu lớn.
Huy Phong (theo vietnamnet)
Bình luận (0)