Nhằm góp phần nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông cho toàn thể cán bộ, viên chức, HS-SV trên toàn địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT đã xây dựng và triển khai công tác giáo dục ATGT năm học 2017-2018 đến các đơn vị ở tất cả các cấp học.
Giáo dục ATGT cho HS-SV là công tác luôn được Sở GD-ĐT TP chú trọng thực hiện mỗi năm, nhằm ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT cho các em |
Tiêu chí đánh giá thi đua và xếp loại hạnh kiểm
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP, trường học các cấp tiến hành tổ chức Lễ phát động và xây dựng Kế hoạch giáo dục ATGT năm học 2017-2018 cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị. Tương tự, các trường CĐ, TCCN trực thuộc cũng thực hiện tuyên truyền bằng hình thức lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HS-SV vào tuần sinh hoạt công dân đầu năm học.
Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho HS-SV, các đơn vị cũng cần chú trọng tổ chức họp cha mẹ HS để tuyên truyền, nhắc nhở và ký cam kết với nhà trường về việc không giao xe máy cho con em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho con em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện mỗi khi lưu thông. Đồng thời tổ chức cho HS ký cam kết nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở quá số người quy định, chạy xe quá tốc độ cho phép, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông và người hướng dẫn giao thông; dừng, đỗ xe không đúng quy định. Qua cam kết này, ngành GD-ĐT TP kêu gọi mỗi HS hãy nỗ lực trở thành một tuyên truyền viên về ATGT đối với bạn bè, gia đình và ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị các đơn vị trường học phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự trước cổng trường; giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắt giao thông trước cổng trường trong giờ cao điểm trong học kỳ I; bố trí lệch giờ vào học và tan trường để góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông; mở cổng trường cho phụ huynh HS vào đón con em, có phương án hướng dẫn phụ huynh đậu xe đúng quy định, tuyệt đối không để cha mẹ HS đậu xe dưới lòng đường khi đưa đón các em. Nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường, Sở cũng khuyến khích các trường phối hợp với Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động phụ huynh cho con em đến trường bằng xe buýt, xe đưa rước hoặc ủng hộ chương trình đi bộ đến trường đối với khu vực trường học có điều kiện thuận lợi.
Để công tác giáo dục ATGT được thực hiện một cách bài bản và có hiệu quả, Sở GD-ĐT TP đề nghị các trường thành lập và kiện toàn Ban ATGT tại các đơn vị; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, kế hoạch kiểm tra, giám sát và thực hiện báo cáo gửi về Sở GD-ĐT theo đúng tiến độ như đã quy định. |
Được biết, trong năm học mới này, Sở GD-ĐT TP đã xác định công tác giáo dục ATGT trong trường học là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của từng đơn vị và đề nghị các trường đưa việc chấp hành pháp luật về TT ATGT là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm của HS-SV. Theo đó, cần xử lý nghiêm các trường hợp HS-SV vi phạm luật giao thông. Cụ thể, đối với những trường hợp vi phạm, nhà trường cần yêu cầu các em làm bản kiểm điểm và lưu hồ sơ, hạ một bậc trong đánh giá xếp loại hạnh kiểm học kỳ. Đồng thời mời phụ huynh vào thông báo, nhắc nhở và cam kết với nhà trường không để con em tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, nhà trường nên kiên quyết không giữ xe mô tô, xe gắn máy của HS khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe theo quy định.
Tổ chức hoạt động lồng ghép, tích hợp ở các bậc học
Để công tác giáo dục ATGT đạt được hiệu quả tốt đẹp, ngành GD-ĐT TP lưu ý, các đơn vị cần tổ chức hoạt động lồng ghép, tích hợp phù hợp ở mỗi bậc học. Trước tiên, đối với bậc học mầm non, giáo dục ATGT nên được tổ chức thông qua các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, các khái niệm cơ bản về ATGT, giúp các bé làm quen với các phương tiện giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt,…
Đối với bậc tiểu học, các đơn vị nên chú trọng triển khai việc dạy bơi cho HS; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các phương pháp phòng, chống đuối nước và mặc áo phao khi đi các phương tiện giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục cho HS các nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông, những hiệu lệnh tín hiệu giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của biển báo đường bộ, hiệu lệnh của CSGT, đặc biệt giáo dục cho các em về ý thức đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông,…
Đối với bậc THCS, THPT, GDTX, CĐ-TCCN, bên cạnh việc tiếp tục triển khai dạy bơi cho học sinh; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục các phương pháp phòng, chống đuối nước, các trường cần giáo dục cho các em về các tình huống nguy hiểm, cách phòng tránh những nguy cơ gây TNGT; hiệu lệnh tín hiệu giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của biển báo đường bộ, hiệu lệnh của CSGT. Ở các bậc học này, các đơn vị cũng nên tích hợp giáo dục ATGT trong việc giảng dạy bộ môn giáo dục công dân hoặc lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)