Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 27 áp dụng cho học sinh tiểu học và Thông tư 32 áp dụng với học sinh trung học, trong đó nêu rõ những điều nên và không nên trong việc khen thưởng, kỷ luật học sinh, để làm sao người học luôn cảm thấy được trân trọng, yêu thương, ghi nhận, động viên, ngay cả khi chịu hình thức kỷ luật.
TS. Nguyễn Kim Dung
Tuy nhiên, thời gian qua ở một số nơi vẫn xuất hiện những vụ việc giáo viên kỷ luật học sinh không đúng theo tinh thần của thông tư, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người học. Để hiểu rõ hơn vấn đề trên, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Kim Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Theo TS. Nguyễn Kim Dung, trong một nền giáo dục, tùy theo triết lý giáo dục, việc khen thưởng, kỷ luật học sinh sẽ được áp dụng khác nhau. Ở Việt Nam có câu nói: “Thương cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi”.
Tâm lý giáo viên xem việc xử phạt học sinh là một công cụ
+ PV: Theo bà, vì sao phải kỷ luật tích cực học sinh?
– TS. Nguyễn Kim Dung: Thật ra, nếu chúng ta nghiên cứu tâm lý của trẻ thì sẽ thấy rằng lứa tuổi học sinh chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có nhiều trải nghiệm thực tế, tâm hồn vẫn còn rất non nớt, thậm chí rất nhạy cảm. Ngay cả bản thân người lớn, khi được nghe khen cũng cảm thấy “như được mọc cánh”, còn nếu mà nghe chê, đặc biệt là chê theo lối tiêu cực thì giống như “dìm chúng ta xuống”. Vì thế, việc kỷ luật tích cực theo lối tâm tình, nhẹ nhàng, thấm thía, tôn trọng người học có ý nghĩa cực kỳ lớn quyết định giúp người học “mọc cánh” hay “dìm xuống”. Hiện nay tâm lý giáo viên vẫn xem việc xử phạt học sinh là một trong những công cụ giúp thầy cô dạy học sinh, nhất là khi sĩ số học sinh trong một lớp quá đông. Thầy cô luôn có quan điểm là làm sao học sinh phải sợ mình, phải nghe lời mình. Tuy nhiên, thầy cô phải hiểu rằng một nền giáo dục mà chỉ có sợ và làm theo sẽ không thể nâng cánh học sinh lên được mà ngược lại, càng làm cho các em ngày càng tự ti, thiếu sự tự tin.
Tôi hoàn toàn đồng ý với khuynh hướng của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây, tức là làm sao hướng đến một nền giáo dục tích cực, giúp học sinh tự tin vào bản thân, giúp các em hiểu rằng có thể mình không toàn diện nhưng luôn có mặt mạnh nào đó. Bản thân giáo viên phải hiểu rằng, ngay cả thầy cô và học sinh đều học thông qua chính những sai lầm. Đối với học sinh, một lời phê phán của giáo viên trước các con mắt của bạn bè sẽ làm các em mất mặt. Chúng ta hiểu rồi, đối với nền văn hóa Á Đông, việc mất mặt là một trong những thương tổn tâm lý nặng nề nhất, từ đó có thể dẫn đến những hành động bộc phát. Và nếu bản thân các em không vững vàng về kỹ năng, tâm lý thì mức độ của các hành động bộc phát đó càng cao.
+ Khi Bộ GD-ĐT ban hành những thông tư hướng đến việc khen thưởng, kỷ luật tích cực học sinh tức là đã trao cho giáo viên “hành lang mở”. Nhưng như chúng ta đã thấy, hiện vẫn còn tồn tại việc học sinh cảm thấy bị tổn thương, mất mặt trước những lời chê, lối kỷ luật của giáo viên. Vậy, phải chăng giáo viên đã quá quen với lối mòn cũ về khen thưởng, kỷ luật học sinh và chưa bắt nhịp được với những quy định mới?
– Tôi hoàn toàn đồng ý. Rõ ràng, với văn hóa thi đua, hình thức đồng thời với “cái tôi” của giáo viên khi giáo viên vẫn luôn cho mình cái quyền nhiều quá. Vì vậy, khi chuyển sang sự “tôn trọng” với người học, nhiều giáo viên cảm thấy như mình bị tước đi quyền uy. Ở đây, giáo viên phải hiểu rằng, việc của thầy cô là giúp người học học được kiến thức, có được đạo đức tốt, là hướng dẫn, giúp đỡ học sinh chứ không phải là đối đầu với học sinh. Nếu thầy cô đặt vào trong thế đối đầu học sinh thì sẽ rất dở, làm tổn thương không chỉ học sinh mà còn là chính bản thân giáo viên.
Phải xem mình là “người bạn, người đồng hành” với học sinh
+ Làm thế nào để giáo viên song hành với các quy định mới, thay đổi được tư tưởng, thưa bà?
– Đa phần giáo viên đều có tinh thần thương yêu học sinh. Thế nhưng, lối thương yêu đó hiện đang là lối thương yêu của người lớn dành cho học sinh nhiều hơn là theo kiểu một người anh, một người bạn với học sinh. Chỉ khi xem mình là người bạn, người đồng hành với các em, chúng ta mới có kỹ năng lắng nghe, thông cảm với học sinh. Vì thế, để có thể hướng tới việc kỷ luật tích cực học sinh thì trước hết thầy cô, nhà trường phải xây dựng, rèn luyện được văn hóa xem mình là người bạn, người đồng hành, gần gũi giúp đỡ học sinh.
Điều này có thể rất khó đạt được ngay mà cần thời gian để thầy cô chuyển đổi. Bởi nhìn tổng quan hơn thì có thể thấy rằng, cả giáo viên và học sinh vẫn còn đang rất thiếu kỹ năng thông cảm, lắng nghe, thấu hiểu và đặt mình vào vị trí của nhau, đặt mình vào văn hóa cùng đồng hành chứ không phải là văn hóa người dạy và người học.
Theo TS. Nguyễn Kim Dung, để hướng tới kỷ luật tích cực học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải xác định “mình là người bạn, người đồng hành” với học sinh. Trong ảnh: Một tiết học theo nhóm của học sinh THCS. Ảnh: Y.H
+ Để trang bị kỹ năng như thế, theo bà, từng nhà trường nên bắt đầu từ đâu?
– Chắc chắn nhà trường cần có các cuộc trao đổi thật sự thẳng thắn về quan điểm, triết lý giáo dục của nhà trường với giáo viên, để giáo viên hiểu rằng nếu chúng ta đặt triết lý giáo dục mà ở đó người thầy làm trung tâm sẽ rất khác với việc chúng ta đặt triết lý mà học sinh làm trung tâm trong các hoạt động giáo dục. Nếu đặt giáo viên làm trung tâm thì giáo viên sẽ xem mình là người đưa ra nguồn kiến thức, người chỉ bảo, dạy dỗ. Nhưng nếu đặt học sinh làm trung tâm trong các hoạt động giáo dục thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác, thầy cô sẽ tự nhận thức được rằng làm sao để giúp học sinh làm được việc đó. Lúc đó, người thầy sẽ phải “lùi bước lại”, nhiều khi phải dừng lại với các em, đi cùng các em, lắng nghe các em, tìm hiểu để có thể hỗ trợ.
+ Hình thức kỷ luật đuổi học học sinh có còn phù hợp không, thưa bà?
– Đuổi học tức là cách ly học sinh ra khỏi thế giới nhà trường, thế giới đồng trang lứa. Vậy rồi các em sẽ đi đâu? Ở gia đình hay bước ra ngoài xã hội. Như vậy, nếu chỉ là đuổi thì giáo dục đã không đi đến cái tận cùng. Mà chỉ là dừng ở mức “tôi từ chối, khước từ một học sinh nào đó vì một hành động nào đó”. Một nền giáo dục tốt không phải là khước từ mà quan trọng là phải hướng cho học sinh đó đi đâu trước những hành vi xấu, hành vi không chấp nhận được.
Vì thế, nếu xác định đuổi học học sinh vì một sai lầm nghiêm trọng nào đó thì nhà trường, xã hội cần phải xây dựng được các biện pháp, cách thức nào đó để giúp các em quay trở lại trường học, thực sự nhận thức ra lỗi lầm chứ không phải là khước từ các em. Giáo dục là chuyển đổi, là giúp học sinh đang từ một trạng thái này chuyển sang một trạng thái tốt hơn. Vì thế, quan trọng nhất trước mọi lỗi lầm của học sinh vẫn là cách thức chúng ta giáo dục, để các em chuyển đổi.
+ Xin cảm ơn bà!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)