Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Lăng kính bóng đá: Không cần quay chậm

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa có so sánh chính thức nào qua thống kê, nhưng cảm giác Premiership đang là giải đấu có tỷ lệ chấn thương cao nhất châu Âu thì đúng là khó chối bỏ.
Ở thời điểm hiện tại, cả giải đang có 84 ca chấn thương nặng nhẹ khác nhau, nghĩa là trung bình mỗi đội có 4,2 cầu thủ phải “nằm viện”, mất đi khoảng 17% sức mạnh của mình.
Và chắc cũng không có giải đấu nào ở châu Âu, mà chỉ từ đầu năm, người ta phải chứng kiến tới 3 cầu thủ gãy chân ngay trên sân sau những pha vào bóng của đối phương.

Một pha phạm lỗi ở giải Premiership

Các đạo diễn hình của SkyTV, những người giữ bản quyền Premiership, không bao giờ quay chậm lại những pha va chạm rợn tóc gáy như thế. Nhưng có lẽ đã đến lúc tất cả cần được quay chậm để nhìn lại một cách kỹ lưỡng và tìm cách trả lời cho câu hỏi: Tại sao?
Có một điểm rất dễ nhận ra là những chấn thương tại Premiership quá dễ xuất hiện nhưng lại quá khó để chữa trị. Bác sỹ giỏi giang thì ít, đồ tể hung hăng thì nhiều. Chỉ trong vài ngày qua, có 2 câu chuyện cùng minh chứng cho điều ấy tại London.
Chuyện thứ nhất là cuộc luận chiến ở thượng tầng, giữa 2 nhân vật quyền cao chức trọng nhất của bóng đá hành tinh. Tại Hội nghị Lãnh đạo bóng đá ở London, trưởng bộ phận y tế của FIFA, bác sỹ Michel D’Hooghe trực tiếp cáo buộc lối chơi chém đinh chặt sắt của Premiership bằng tuyên bố: “Có những pha vào bóng cần được xử lý hình sự. Tôi không chấp nhận cách kiến giải rằng đây là trò chơi của những người đàn ông nữa”. Chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới Then van Seggelen cự lại: “Tôi không tin rằng có ai trong số 500.000 thành viên của tôi lại muốn gây chấn thương cho người khác”.
D’Hooghe bảo rằng ông có 2 mắt và có thể nhìn thấy chuyện gì đã diễn ra. Đúng là chẳng cần đến những pha quay chậm, người ta cũng có thể nhìn thấy tuyên bố của Then van Seggelen dường như… chừa Premiership ra.
Chuyện thứ hai là việc Yossi Benayoun công khai chỉ trích đội ngũ y tế của Chelsea trên báo chí vì không chỉ ra chấn thương của anh sớm hơn. Đây không phải lần đầu tiên người ta nghe lời than phiền của bệnh nhân về đội ngũ y tế Premiership. Mới mấy tháng trước, Andrei Arshavin cũng phải lên báo than thở về chất lượng đội ngũ “thần y” của Arsenal.
Những người có đủ 2 mắt lại tiếp tục nhìn thấy những hiện thực không thể chối bỏ. Những ca chấn thương nặng nhất của giải đấu này đều phải chuyển sang Đức, Tây Ban Nha để điều trị. Đầu mùa này, người ta còn thấy Liverpool, CLB vừa thay thế toàn bộ đội ngũ y tế sau khi Roy Hodgson lên nắm quyền, phải gửi cầu thủ sang… Serbia để điều trị chấn thương.
Sau tuyên bố của một lãnh đạo FIFA và lời tuyên bố của một cầu thủ Chelsea, người ta tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”. Và đồng thời cũng có thể tự trả lời luôn cho câu hỏi: “Làm thế nào?”.
Không làm thế nào được cả. Vì đó là vấn đề hệ tư tưởng. Một hệ tư tưởng đã tạo ra và khuyến khích những pha vào bóng như của Shawcross hay de Jong, và một hệ tư tưởng “xây nhà từ nóc” ngay cả trong một lĩnh vực thiết yếu nhất của thể thao là y học thể thao.
Hồi tháng Tư, trả lời phỏng vấn về đội ngũ y tế của Arsenal, chuyên gia thể lực Colin Lewin của CLB này, sau khi tuyên bố: “Chúng tôi đang làm hết sức để cải thiện đội ngũ y tế”, lại tiếp tục khoe: “Trong những năm qua, các cầu thủ đã được phẫu thuật tại Pháp, Đức, Hà Lan và Mỹ”. Đúng là khi người ta có tiền để đưa cầu thủ ra nước ngoài phẫu thuật thì cũng có thể thông cảm cho việc họ không chăm chút… ngăn ngừa những ca phẫu thuật ngay từ trong nước.
Trong số 12 vị thần trên đỉnh Olympus, ngoài thần rượu nho Dionysus tối ngày túy lúy, thì lãng đãng và… nghệ sỹ nhất phải là Apollo. Vị thần ánh sáng và nghệ thuật hay được nhớ đến với cách cư xử rất thơ ngây và có chút gì đồng bóng. Và Apollo còn là thần cai quản y học. Premiership bây giờ giống như một bàn cờ, một bên là thần chiến tranh Ares căng mắt theo từng nước đi, còn một bên là Apollo vừa chơi vừa gà gật.
Đức Hoàng (theo baobongda)

Bình luận (0)