Bắt đầu từ ngày 15 – 9, Chi cục thú y TP.HCM thực hiện chủ trương bắt chó thả rông và phạt hành chính gia chủ không rọ mõm khi đưa chó ra đường. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Minh Trí – Trạm trưởng Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y TP.HCM) về vấn đề này.
Người dân đem chó đi chích ngừa ở Trạm thú y Q.3. Ảnh: P.N.Q |
PV: Ông có thể cho biết tình hình chích ngừa dại vật nuôi trong thời gian gần đây tại các địa phương?
– Ông Phạm Minh Trí: Theo kế hoạch chung, Chi cục Thú y TP.HCM thường xuyên tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại chó mèo trên địa bàn thành phố mỗi năm một lần. Cụ thể tính đến ngày 8-9-2017, chi cục đã tiêm phòng vắc-xin dại cho 139.081 con chó/tổng đàn 227.353 con, đạt tỷ lệ 61,17%. Hiện nay, các trạm thú y quận huyện đang tập trung tiêm phòng trong quý IV đảm bảo đạt tỷ lệ trên 90% /tổng đàn kiểm tra.
Theo ông, vì sao TP.HCM lại có chủ trương hạn chế thả rông vật nuôi ra đường và nếu thả thì phải có rọ mõm?
Đó là một việc làm cần thiết. Việc quy định khi đưa chó ra nơi công cộng phải rọ mõm, có dây dẫn và có người dẫn như sau: Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt (khoản 2, điều 6 – Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật); Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt (điểm b, khoản 2.1 của Phụ lục 05 hướng dẫn phòng chống bệnh dại ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn)
Ông có thể cho biết những đề nghị phòng ngừa bệnh dại đối với người dân và những kế hoạch sắp tới của Chi cục Thú y TP.HCM?
– Để công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn TP.HCM đạt hiệu quả, người dân cần thực hiện những vấn đề sau:
1. Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn.
2. Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó mèo định kỳ hàng năm theo quy định.
3. Không mua chó về nuôi từ những người bán chó mèo lưu động ngoài đường, chó mèo không rõ nguồn gốc.
4. Nuôi chó phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
5. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
6. Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát chó, mèo nuôi của gia đình, nếu phát hiện con vật vô cớ cắn, cào người hoặc tấn công động vật khác thì phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất.
Về kế hoạch phòng chống bệnh dại trong thời gian tới, chúng tôi thực hiện chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2021 với mục tiêu đến năm 2020, không có ca bệnh dại trên chó mèo và không có ca bệnh dại trên người; bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng dại chó mèo hàng năm đạt trên 90% tổng đàn; xây dựng TP.HCM là vùng an toàn bệnh dại trên chó mèo.
Đối với trường học, trẻ em thì việc chủng ngừa và phòng bệnh cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo sức khỏe thưa ông?
Việc tiêm phòng vắc-xin dại cho người chỉ thực hiện khi điều trị dự phòng sau khi bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm hoặc những người có nguy cơ cao như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi-rút dại, người làm nghề giết mổ chó… Do đó, không áp dụng tiêm phòng dại cho học sinh trong trường học.
Trong trường học, nên tuyên truyền cho các em học sinh những hiểu biết và ý thức về mối nguy hiểm của bệnh dại. Nếu ở nhà có nuôi chó mèo thì nhắc cha mẹ thực hiện tiêm phòng dại cho chó mèo định kỳ một năm một lần; nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người; khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm và có người dắt.
Xin cảm ơn ông.
Phan Ngọc Quang (Thực hiện)
Bình luận (0)