Bằng không đạt chuẩn từ những cơ sở “ảo” hay không được công nhận là vấn đề gây nhức nhối tại nhiều nước.
Công nghiệp mua bán bằng cấp, chứng chỉ dưới hình thức liên kết, đào tạo từ xa hay học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” đang là ngành hái ra tiền vì nhu cầu “làm đẹp hồ sơ” rất lớn tại nhiều nước. Đa số khách hàng sẵn sàng bỏ tiền để có mảnh bằng treo trên tường với mục đích xin việc, lên lương hay đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm.
Bằng tiến sĩ mà Marketplace mua được từ Trường Almeda. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CBC
Học giả, bằng “như thật”
Giới chức Ấn Độ mới đây phát hiện nhiều trường hợp ứng viên thi tuyển công chức sử dụng bằng giả. Cụ thể, theo tờ Times of India, ít nhất 24 thí sinh đăng ký thi tuyển giảng viên tại các trường đại học công lập đã nộp bằng tiến sĩ giả mạo. Khi các quan chức Cục Giáo dục đại học (DCE) xuống những trường ghi trên bằng thì không tìm thấy hồ sơ của các ứng viên. Hơn nữa, không ít trường thực chất chỉ có cái tên hoặc không được Bộ Giáo dục công nhận nhưng vẫn cấp bằng tiến sĩ cho học viên. “Một cơ sở ở bang Meghalaya không còn được công nhận từ năm 2014 vì có nhiều hoạt động trái luật nhưng vẫn cấp 400 bằng tiến sĩ từ đầu năm đến nay”, DCE cho biết.
Trên mạng hiện nay có hàng trăm trang web của các trường đại học với tên gọi rất “kêu”, chuyên cung cấp chương trình học qua mạng với nhiều ngành nghề và học phí rẻ, thời gian học cực ngắn… Tuy nhiên, nếu kiểm chứng kỹ thì đây thực ra là những “ngôi trường ma” được điều hành bởi những công ty trái phép và thu lợi nhuận lớn mỗi năm. Những trường này không hề có địa chỉ cụ thể còn hình ảnh về giảng viên, lớp học trên trang web thường là ảnh minh họa. Theo Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), đa số những cơ sở này thu hút khách hàng bằng cách dùng tên gọi nhái theo tên những trường uy tín hàng đầu thế giới như Đại học Harvey (nhái trường Harvard ở Mỹ) hay Đại học Barkley… Thay vì phải tốn chi phí cao và nhiều năm học tập, nghiên cứu, khách hàng chỉ cần bỏ ra vài trăm đến vài ngàn USD là nghiễm nhiên trở thành cử nhân, tiến sĩ. Ai “siêng năng” thì mỗi tháng học khoảng vài ngày qua mạng hoặc “du học ngắn hạn”.
Cũng có nhiều trường chính quy cấp bằng thật cho học viên nước ngoài thông qua hình thức liên kết nhưng bằng cấp, chứng chỉ không được cơ quan quản lý các nước công nhận do không đáp ứng tiêu chuẩn giảng dạy, quy trình kiểm tra đầu vào lẫn đầu ra đều lỏng lẻo và độ khó của chương trình học cũng được giảm bớt. Trước đây, dư luận tại VN từng xôn xao về các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với Đại học Bulacan State của Philippines. Tuy nhiên, khóa học không yêu cầu trình độ ngoại ngữ đầu vào, thậm chí cung cấp phiên dịch cho nghiên cứu sinh trong quá trình học lẫn bảo vệ luận văn. Chương trình học kéo dài khoảng 4 năm nhưng có thể rút ngắn còn 2 năm rưỡi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định không công nhận bằng cấp, chứng chỉ của chương trình này.
AXACT và các ĐH “ma”
Một trong những công ty được cho là thu lợi lớn từ công nghiệp tỉ đô này là Axact, đặt trụ sở tại thành phố Karachi (Pakistan). Đăng ký kinh doanh ngành công nghệ nhưng theo điều tra của tờ The New York Times, hoạt động chính của công ty này là bắt tay với các đại học “ma” để tổ chức bán bằng giả và lợi nhuận sẽ được chuyển vào các công ty bình phong ở nước ngoài. Hồi năm 2015, nhà chức trách Pakistan từng khám xét văn phòng Axact và phát hiện hàng trăm ngàn tấm bằng, chứng chỉ chưa điền tên. Nhiều quản lý của công ty bị truy tố nhưng không ai bị kết án.
Đến nay, mạng lưới “trường học ma” cung cấp bằng giả được cho là liên quan đến Axact vẫn tiếp tục hoạt động rầm rộ. Mới đây, nhóm phóng viên thuộc chương trình Marketplace của Đài CBC (Canada) thực hiện loạt điều tra cho thấy hơn 800 người đủ ngành nghề từ y tá, kỹ sư cho đến nhà tư vấn… ở nước này có thể đã mua bằng giả từ đường dây nói trên. Trong đó, 2 trường “sản xuất tiến sĩ” nhiều nhất là Đại học Almeda và Đại học Gatesville, đều tự xưng là ở Mỹ. Thực chất, Đại học Almeda không hề được cơ quan quản lý ở Mỹ công nhận về đào tạo. Trường này đăng ký hoạt động ở Nevis, một hòn đảo nhỏ thuộc vùng Caribê, và có lúc thể hiện địa chỉ tại Puerto Rico. Theo Đài CBS (Mỹ), một phóng viên của đài từng liên hệ để mua chứng chỉ ngành “chăm sóc trẻ em” cho… con chó của anh và nhanh chóng được giao hàng. Bên cạnh đó, phóng viên chương trình Marketplace chỉ cần bỏ ra 1.550 USD là mua được 3 tấm bằng tiến sĩ, bảng điểm và hồ sơ chứng nhận theo học từ Almeda và Gatesville. Giá thỏa thuận ban đầu là 2.500 USD nhưng có một bằng ban đầu bị in nhầm nên được đổi miễn phí.
Bảo Vinh/TNO
Bình luận (0)