Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cam kết đầu tư vào Đại học dân lập Văn Hiến – Đầu voi đuôi chuột

Tạp Chí Giáo Dục

Sự kiện Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) làm nhà đầu tư chiến lược của Trường Đại học dân lập (ĐHDL) Văn Hiến với cam kết đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất

Thất tín

Dù chưa có quyết định đổi tên trường nhưng VTC vẫn đổi tên ĐHDL Văn Hiến thành ĐH VTC Văn Hiến, gây ngộ nhận trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011. Ảnh: T.HÙNG
Những ngày gần đây, nhiều tân sinh viên trúng tuyển và làm thủ tục nhập học tại cơ sở Trường ĐHDL Văn Hiến, số 111 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận (TPHCM) tỏ ra thất vọng khi mức đóng học phí tăng so với công bố trong cuốn Những điều cần biết tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, trong khi cơ sở đào tạo của trường còn “ọp ẹp”.
Một tân sinh viên vừa nhập học ngành quản trị kinh doanh, hoài nghi: “Trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, nhà trường liên tục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông rằng trong năm 2010 Trường ĐHDL Văn Hiến sẽ được VTC (nhà đầu tư chiến lược của trường) đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất khang trang với thiết bị hiện đại tại 202 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận và 186 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình… với tổng diện tích sử dụng khoảng 20.000m², đáp ứng quy mô đào tạo và sinh hoạt cho trên 10.000 sinh viên. Nhưng khi trúng tuyển, em và nhiều bạn thấy thất vọng vì thực tế điều kiện học quá tệ…”.

Nhiều phụ huynh khi làm thủ tục nhập học cho con cũng không nén nổi sự bực dọc đã đem tờ rơi lên gặp ban giám hiệu để yêu cầu giải thích tại sao nhà trường không cam kết đúng lời hứa.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề trên, đại diện nhà trường cho biết: Không chỉ có tân sinh viên mà ngay cả các sinh viên năm 2, năm 3 của trường cũng liên tục gọi điện và phản ánh với ban giám hiệu tại sao trường vẫn chưa có cơ sở mới. “Trước thực tế này, tôi chỉ biết giải thích vì nhà trường đang gặp một số trục trặc nên chưa thể triển khai xây dựng được cơ sở”  – một thành viên hội đồng quản trị thổ lộ.  
Theo xác minh của chúng tôi, việc VTC tự quảng cáo với các thông tin “ĐH VTC Văn Hiến” để chiêu sinh, thu hút người học là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Bởi lẽ, tính đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ quyết định nào của các cơ quan chức năng về đổi tên Trường ĐHDL Văn Hiến thành ĐH VTC Văn Hiến. “Việc VTC quảng cáo có gắn dòng chữ ĐH VTC Văn Hiến là không đúng quy định vì chúng tôi chưa hề có văn bản nào xin đổi tên trường. Tuy nhiên, có lẽ nhờ vậy mà năm nay chúng tôi tuyển sinh cũng khá hơn các trường khác” – ông Lê Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐHDL Văn Hiến, khẳng định. 

Và… trái đắng
Sự kiện VTC trở thành nhà đầu tư chiến lược của Trường ĐHDL Văn Hiến khiến cán bộ giảng viên trong trường phấn khởi. Đó là vì trường có nhà đầu tư cam kết rót đến 180 tỷ đồng để chuyển đổi trường sang loại hình trường tư thục và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường; VTC cam kết đảm bảo tốt quyền lợi và đời sống của bộ giáo viên, nhân viên, giảng viên cơ hữu (CBNVGVCH) của trường như CBNVGVCH của VTC.
Tuy nhiên, sau gần một năm (kể từ ngày 6-12-2010 đến nay) cam kết, tất cả vẫn chỉ là con số không, thậm chí nhiều người “vỡ mộng” với nhà đầu tư mới.
Trái đắng mà tập thể CBNVGVCH phải nếm trải là Hội đồng quản trị của trường đã có nghị quyết thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu cho cán bộ công nhân viên theo Nghị định 70 của chính phủ từ cuối tháng 9, nhưng mãi đến nay vẫn không thực hiện vì nhà đầu tư VTC không đồng ý.
Lý giải về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Công đoàn ĐHDL Văn Hiến, cho biết: “Đúng là có sự việc này. Nếu bình thường, việc nâng lương là có thể giải quyết và nên làm nhưng Trường ĐHDL Văn Hiến hiện đang gặp khó khăn vì những lẽ sau: nguồn tuyển sinh giảm dẫn đến nguồn thu giảm; cơ sở vật chất đang gặp nhiều khó khăn, quá trình hợp tác đầu tư chiến lược với VTC đang diễn ra, nên tăng lương là dính đến tiền, dính đến VTC”.
Trước đó, ông Thái cũng cho rằng đã làm việc với hiệu trưởng về vấn đề điều chỉnh lương nhưng hiệu trưởng cho rằng Nghị định 70 là áp dụng cho doanh nghiệp mà trường ĐH thì không phải doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, Nghị định 70 áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Thái cũng đã soạn thảo công văn gửi Sở LĐTB-XH, Liên đoàn Lao động TPHCM, trong đó khẳng định “trường ĐH là một tổ chức có thuê mướn lao động nên kiến nghị Ban giám hiệu nhà trường sớm giải quyết cho áp dụng mức lương tối thiểu là 2 triệu đồng/tháng như quy định của chính phủ”.
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, từ ngày ký thỏa thuận góp vốn đến nay, nhà đầu tư chiến lược VTC của Trường ĐHDL Văn Hiến mới chỉ dừng lại ở việc bỏ ra khoảng 37 tỷ đồng để mua lại 6.000/6.500 cổ phiếu của toàn bộ cổ đông trong trường. Về cơ sở vật chất, ĐHDL Văn Hiến vẫn chưa có gì mới ngoài 4 cơ sở thuê mướn nằm rải rác trong thành phố. Ngoài ra, chính chủ tịch hội đồng quản trị của trường cũng thừa nhận những khu đất mà VTC nói đầu tư xây dựng trường chỉ là dự tính thuê lại nhưng có chỗ đã bị người khác thuê, còn khu đất trên đường Đồng Đen có phải là đất của VTC hay không thì ông cũng không rõ.
Trước những lời hứa suông của nhà đầu tư tập thể CBNVGVCH của ĐHDL Văn Hiến yêu cầu cần định giá lại tài sản trường, đồng thời xem xét lại năng lực của nhà đầu tư khi trường chuyển sang loại hình trường tư thục.

Theo THANH HÙNG
(sggp)

Bình luận (0)