Trong báo cáo trình lên Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc tháng 6-2011, Bộ Giáo dục và Ủy ban chiến lược thông tin hóa quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã công bố "Chiến lược giáo dục thông minh" ở Hàn Quốc, nhằm tạo nên một hệ thống dạy và học theo yêu cầu và hiệu quả hơn.
Giáo viên người máy đang giảng bài tại lớp học "ảo" ở Hàn Quốc. ( Ảnh: Mask Oline )
|
Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ bảo đảm đầu tư khoảng hai tỷ USD để xây dựng hạ tầng cần thiết và mua máy tính cũng như các thiết bị tiên tiến khác trong thời gian bốn năm, từ nay đến năm 2015. Theo kế hoạch, sách giáo khoa in và các tài liệu giảng dạy khác sẽ được số hóa đối với bậc tiểu học vào năm 2014 và bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông vào năm 2015. Như vậy, kể từ năm 2015, sách giáo khoa in sẽ không còn tồn tại trong các trường tiểu học và trung học ở Hàn Quốc.
Chiến lược giáo dục "thông minh" ở Hàn Quốc nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đưa giáo dục Hàn Quốc vào tốp 10 nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới vào năm 2015 và tốp ba trên thế giới vào năm 2025. Ðể thực hiện mục tiêu này, nền giáo dục thông minh sẽ tập trung vào "hướng dẫn tự học" và "học tập theo yêu cầu". Ðây là một sự chuyển hướng từ việc truyền tải kiến thức tiêu chuẩn theo cách truyền thống trên diện rộng nhắm tới đối tượng học sinh mức trung bình. Hệ thống giáo dục thông minh sẽ hướng dẫn cho các em tự học, phù hợp nhu cầu của từng học sinh. Học sinh sẽ có thêm cơ hội tham dự nhiều lớp học khác nhau theo sở thích và năng khiếu của từng em.
Sách giáo khoa số là một dạng "nội dung" sẽ được lưu trong máy chủ in-tơ-nét thông qua hệ thống vi tính đám mây và được truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng, smartphone và smart TV cùng nhiều thiết bị khác. Ðiều này có nghĩa là học sinh có thể truy cập bất cứ những gì các em muốn học và vào bất cứ lúc nào. Cách này sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả học tập của các em. Việc số hóa sách giáo khoa sẽ giúp giảm chi phí liên quan giáo dục của các hộ gia đình và giảm nhu cầu học thêm.
Theo chiến lược mới, Chính phủ Hàn Quốc cũng lên kế hoạch thiết lập mạng lưới không dây tại tất cả các trường học trong cả nước vào năm 2015, cho phép học sinh và giáo viên truy cập dữ liệu và các phần mềm được lưu trữ trên máy chủ thông qua in-tơ-nét. Nhằm giúp giáo viên thích nghi với môi trường giáo dục mới, hằng năm Chính phủ Hàn Quốc sẽ đào tạo về giáo dục thông minh cho khoảng 25% tổng số giáo viên trong cả nước và cung cấp cho họ các thiết bị dạy học thông minh. Thiết bị thông minh cũng sẽ được cấp trước tiên cho các em học sinh thuộc những gia đình có thu nhập thấp để các em không bị tụt hậu trong các lớp học thông minh được số hóa. Ðồng thời, Chính phủ cũng dành ưu tiên cho học sinh khuyết tật nhằm thu hẹp cái gọi là khoảng cách số. Thực tế là học sinh Hàn Quốc đứng đầu thế giới về khả năng đọc theo hình thức số hóa, thì kế hoạch giáo dục thông minh của Chính phủ Hàn Quốc là tương đối kịp thời và thích hợp. Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Hàn Quốc đứng thứ nhất trong cuộc đánh giá đọc số năm 2009, vốn đã được đưa vào Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA). PISA là một hệ thống đánh giá kết quả học tập của học sinh trên toàn thế giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tiến hành. Số điểm cao nhất mà Hàn Quốc có được trong cuộc khảo sát về đọc số của OECD cho thấy, Hàn Quốc đã chuẩn bị tốt cho giáo dục thông minh về mặt năng lực học sinh và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục ở Hàn Quốc, vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm trong chiến lược giáo dục thông minh ở nước này. Giáo dục thông minh là một dạng đổi mới giáo dục. Bởi nó thay đổi khuôn khổ giáo dục hiện hành. Vì thế cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không để xảy ra những hiệu ứng phụ tiêu cực. Mục đích của giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức. Cần đặc biệt chú ý việc xây dựng tính cách và phát triển hành vi ứng xử xã hội. Chính phủ cũng cần nỗ lực hết sức đưa ra các biện pháp hỗ trợ để giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình xây dựng nền giáo dục thông minh.
HẢI NAM/nhandan
(Theo báo chí Hàn Quốc)
Bình luận (0)