Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không “cào bằng“ học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Theo kế hoạch, ngày 2/11 Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Giáo dục Đại học để Quốc hội cho ý kiến. Đây được coi là dự thảo luật “buông” cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ, nhưng vẫn còn sự hoài nghi về “bình cũ, rượu mới”…

Quá tự chủ sẽ hỗn loạn
Một số nội dung đáng chú ý của  dự thảo luật về vấn đề tuyển sinh, cơ sở GDĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng của mình.
 Dự thảo luật này cũng quy định các trường phải thành lập Hội đồng trường (HĐT) do hiệu trưởng hoặc giám đốc trường làm chủ tịch; đề cập khái niệm ĐH phi lợi nhuận và có lợi nhuận; sự phân tầng ĐH; quy định thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập… Trả lời câu hỏi về việc chủ tịch HĐT là hiệu trưởng hoặc giám đốc ĐH liệu có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, sẽ không có việc Chủ tịch HĐT “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hay lộng quyền vì HĐT có nhiều thành viên, Chủ tịch HĐT chỉ là một thành viên, một lá phiếu. Hiệu trưởng chỉ lộng quyền khi trường không có HĐT.
Cũng theo ông Ga cũng, luật hướng đến việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH để nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm nhưng sẽ không giao đồng loạt. Bởi thực tế, các trường đang có sự phân tầng, mạnh yếu rất khác nhau.
Nếu giao đồng loạt sẽ hỗn loạn, mất kiểm soát chất lượng. Khi được giao tự chủ, các trường được quyền tự chủ tuyển sinh, in cấp bằng. Lúc đó, về mặt nguyên tắc, giá trị pháp lý các văn bằng là như nhau nhưng thương hiệu của mỗi tấm bằng là khác nhau, phụ thuộc vào thương hiệu của trường. Để sống còn, các trường sẽ phải tự mình nâng cao chất lượng nếu không muốn bị xã hội chối bỏ.
Sẽ thi và xét tuyển
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các trường sẽ chọn hình thức tuyển sinh phù hợp với trường mình nhưng không phải là tự do tuyển theo cách riêng mà Bộ GD&ĐT sẽ quy định một số phương thức, sau đó các trường sẽ lựa chọn phương thức phù hợp với trường mình. Sẽ có các hình thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả thi và xét tuyển. Tuy vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức thi “ba chung” nhưng sẽ có điều chỉnh theo hướng trao quyền tự chủ cho các trường”. Khi Luật Giáo dục ĐH được thực thi thì phương thức “ba chung” trong tuyển sinh sẽ được bỏ dần theo lộ trình.
Trước thực trạng chất lượng GD ĐH đang được xã hội đánh giá có "vấn đề" do mở trường tràn lan nên đã đến lúc Bộ GD&ĐT phải phân tầng ĐH?, Ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), phó Ban soạn thảo Luật GD ĐH khẳng định: Việc phân tầng ĐH, tức là phân loại chất lượng đào tạo, điều này thể hiện qua thực tế và phải có kiểm định chất lượng. Đó là đòi hỏi của Luật. Tới đây, Luật này đề cao việc kiểm soát đầu ra thông qua công tác kiểm định.
Không "cào bằng" học phí
Dự thảo Luật GD cũng khuyến khích các chương trình chất lượng cao, cho phép trường ĐH được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo nhưng làm thế nào để đảm bảo người học đã đầu tư đúng chỗ và có là kẽ hở để các trường lách luật tăng học phí tràn lan hay không?
Thứ trưởng Ga cho biết, đã đào tạo chất lượng cao thì phải thu học phí cao, không thể cào bằng như các chương trình đại trà khác để các trường có điều kiện phát triển năng lực đào tạo, cơ sở vật chất. Tuy nhiên để thu học phí cao, các trường phải xây dựng đề án về hệ thống đào tạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, sinh viên không bắt buộc phải theo học chương trình này vì vậy mức học phí đưa ra các trường phải tự cân đối với chất lượng đào tạo của mình nếu không sẽ không thu hút được người học. Sắp tới, Bộ sẽ đưa ra các tiêu chí thế nào là chương trình chất lượng cao để trường cũng như người học nắm được yêu cầu của chương trình, từ đó xây dựng mức học phí phù hợp.
Theo Uyên Na
(PL)

Bình luận (0)