Đọc báo, thấy cảnh các bậc phụ huynh có con em đã hoàn thành bậc THCS phải chầu chực tại các trường THPT dân lập để đăng ký cho con em mình có được một suất vào học mà chạnh lòng.
Một thời, người ta xem trường dân lập chỉ bằng nửa ánh mắt và não trạng trường công vẫn luôn chiếm ưu thế cho 12 năm đèn sách. Bây giờ nhiều trường dân lập đã tự khẳng định mình bằng chất lượng giảng dạy, bằng con số đậu tốt nghiệp THPT, đậu vào đại học… nên con đường vào một số trường dân lập bây giờ cũng gian nan hơn đối với học sinh. Như một bài báo cho biết, muốn được vào trường dân lập T.V.K hay N.K, học sinh phải có điểm học bạ “đẹp”: các môn phải từ 7 điểm trở lên, nếu dưới, xem ra khó có cửa.
Nhiều trường đặt tiêu chuẩn đầu vào dường như trở thành rào cản cho học sinh, đặc biệt là học sinh kém. Không vào được trường công lập, cũng không có cửa vào dân lập, học sinh kém sẽ đi về đâu? Một giáo viên giảng dạy lâu năm tâm sự: Đầu vào, ai cũng chọn học sinh khá giỏi thì việc giáo dục còn có ý nghĩa gì? Cũng như người thợ rèn giũa viên đá thành viên ngọc bao giờ cũng khó và ý nghĩa hơn việc chỉ đơn thuần lau bụi cho một viên ngọc.
Xu hướng chọn đầu vào “lây” sang cả các trung tâm dạy thêm. Một trung tâm dạy thêm có tiếng ở quận 1 thu hút cả ngàn học sinh đăng ký theo học cũng ghi rõ yêu cầu: Học sinh phải có điểm từ 7 trở lên! Có nghĩa là học sinh trung bình hoặc kém sẽ không có cơ hội để bù đắp lỗ hổng kiến thức.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay cho thấy đây là cuộc “đua” của các học sinh khá, giỏi. Hơn 50.000 thí sinh bước vào kỳ thi tuyển nhưng chỉ có 38.305 học sinh được tuyển sinh vào các trường công lập và sẽ có hơn 11.000 thí sinh bị rớt khỏi 3 nguyện vọng.
So với năm trước, hơn 20.000 thí sinh bị loại, kỳ thi năm nay có phần “dễ thở”. Tuy nhiên dự đoán mặt bằng điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ cao hơn, nhất là các trường tốp đầu, tốp hai do nguyên nhân năm nay nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Cửa khó càng thêm khó và đây được xem là tin xấu đối với học sinh trung bình hoặc kém. Tất nhiên, thi tuyển phải có đậu có rớt. Đậu, vào công lập. Rớt, phân tuyến về dân lập, tư thục. Nhưng cửa vào dân lập bây giờ cũng khó nhiều bề.
Anh bạn tôi có đứa cháu từ Hà Nội chuyển vào TPHCM học tại một trường dân lập cho biết, mỗi tháng học phí bán trú là 3,5 triệu đồng, nếu ở nội trú thì cao hơn. Giật mình. Học phí bằng lương cả tháng của một lao động, nếu là gia đình nghèo, đây quả là gánh nặng.
Chẳng ai muốn con em mình là học sinh kém. Nhưng nếu không may có con em thuộc diện này, việc chạy trường lo lớp là nỗi khổ cho phụ huynh khi nhiều nơi nói “không” với học sinh kém. Đi về đâu, câu hỏi ấy đang dằn vặt các bậc phụ huynh lẫn học sinh… Các em liệu có cơ hội tiếp tục đến trường hay sẽ là lực lượng bổ sung cho đội ngũ đánh giày, bán vé số, bán hàng rong… hiện nay?
Theo Thiếu Quân
(sggp)
Bình luận (0)