Đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia khi nhìn kết quả mấy năm gần đây của kỳ thi này liên tục tăng cao.
Đặc biệt tỷ lệ đậu tốt nghiệp của thí sinh năm học 2010 – 2011 vừa qua tại các địa phương cao đến mức khó tin: hầu hết trên 90%. Thậm chí có nơi như tỉnh Nam Định tỷ lệ trên đạt tới 99,89%. Quả thật, thắc mắc về tính thiết thực của một kỳ thi là có lý khi trong 1.000 thí sinh đi thi thì chỉ có duy nhất một thí sinh bị đánh rớt.
Thế mà trong suốt quá trình học phổ thông, thi cử vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với tất cả học sinh và gia đình họ. Ngay năm học chữ đầu đời, nhiều trẻ em đã phải vất vả vượt qua kỳ thi để được vào lớp 1. 12 năm học, mỗi năm là bốn đợt thi kiểm tra giữa và cuối học kỳ, rồi thi nghề, thi năng khiếu, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, xong lại tiếp tục ngóng chờ ngày thi đại học. “Cuộc đời con người trước thời điểm 20 tuổi chỉ thấy xoay vần thi và lại thi. Cứ mỗi năm đến hè là cả nước như sôi sục hẳn lên vì bao kỳ thi. Thấy người người đi thi, nhà nhà đi thi mà thấy hãi”, một giáo viên có thâm niên hàng chục năm làm giám thị thảng thốt kêu.
Sáng 21.6, buổi thi đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011 – 2012, trước cổng trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, trong lúc chờ con dưới cái nắng oi ả mùa hè, một vị phụ huynh đã buột miệng than: “Chỉ là lớp 9 lên lớp 10 thôi mà sao đã cực nhọc thế này. Mới 4, 5 giờ sáng cha con đã dậy, vượt gần 15 cây số từ Gò Vấp về tận đây để dự thi”. Mà theo ông, kỳ thi lớp 10 chỉ mới là chặng khởi đầu của giai đoạn đua nước rút. Ngay từ bây giờ đã phải toan tính, nay mai đậu rồi ngoài việc học ở trường, phải học thêm môn nào, chọn ngành nào, làm sao khoan sức con mà vừa có thể tốt nghiệp trung học vừa vô được đại học? Nữ giáo viên của một trường THPT tư thục nổi tiếng ở TP.HCM cho biết, vợ chồng chị chỉ có một đứa con trai, cho nên việc học hành của nó là ưu tiên lớn nhất. Chị sẵn sàng hy sinh nhiều nhu cầu khác của bản thân để dồn tiền cho con học – bằng mọi giá – vô được trường chuyên Lê Hồng Phong. Bởi vô được đó, không chỉ là cánh cửa đại học mà còn cơ hội kiếm một suất học bổng đi du học nước ngoài khá rộng. Để làm điều đó, từ đầu học kỳ hai, mỗi tháng chị phải trích 5.000.000đ trong thu nhập nghề giáo của mình cho con theo học một thầy luyện thi toán nổi tiếng.
Thị trường lao động thời buổi hội nhập toàn cầu ngày càng mang tính cạnh tranh quyết liệt, thì việc những người làm cha mẹ dồn hết tâm sức và tiền của để đầu tư vào chuyện học hành của con cái họ cũng là điều dễ hiểu. Rất khó có thể bác bỏ nhận định rằng, tất cả các hoạt động học tập trong suốt 12 năm học của con em chúng ta hiện nay đều hướng tới mục tiêu đậu đại học, trong khi chỉ tiêu của tất cả các trường này chỉ đáp ứng được tối đa là 30% (năm 2010 có 500.000 chỉ tiêu trên khoảng 1,87 triệu lượt thí sinh dự thi đại học – cao đẳng). Cho nên, trước mỗi kỳ thi tuyển sinh diễn ra nhiều tháng, tâm lý căng thẳng, lo lắng đã xuất hiện với hầu hết học sinh trung học phổ thông. Nhiều em bị stress vì quá áp lực, có em không đậu đã tìm đến cái chết như một cách để giải thoát. Điều đáng suy nghĩ là chúng ta đã tốn không ít tiền bạc, công sức, thời gian, nguồn lực… nhưng vẫn không cải thiện được tình hình tuyển sinh. Từ năm 2002 tới nay, đã có bao nhiêu cuộc hội thảo về giải pháp phân luồng học sinh, bao nhiêu lần hội nghị bàn việc thay đổi quy chế thi và tuyển sinh, nên hay không nên sáp nhập các kỳ thi, thay đổi khẩu hiệu hết “hai không” rồi “bốn không”… nhưng mọi việc hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.
Giáo sư Phạm Phụ – đại học Bách khoa TP.HCM:
“Nếu không có một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, cải cách triệt để từ nguyên lý cho đến chính sách giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình sách giáo khoa, nếu vẫn thay đổi theo kiểu chắp vá như hiện nay thì sẽ không bao giờ cất được gánh nặng học hành. Trong khi chờ đợi để có ý chí làm cuộc cải cách nói trên, bộ cần nghiên cứu giảm tải chương trình, bởi kiến thức hàn lâm và tăng tính thực dụng, để học sinh có thể tự phân luồng, hướng nghiệp sớm không phải ở trung học phổ thông mà ngay từ cấp tiểu học”.
|
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, đại học Quốc gia Hà Nội, chất lượng giáo dục không thể hiện ở một kỳ thi cuối cấp mà trong cả quá trình đi học. Nếu quá trình đó được đánh giá là đúng đắn và trung thực thì việc tổ chức hay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp sẽ không còn quan trọng.
Nhìn vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 – 2011, người lạc quan nhất cũng không thể tin rằng chất lượng giáo dục phổ thông của nước ta đã tươi sáng đến như thế. Cũng giống như ở bậc tiểu học, ngày tổng kết năm học một lớp 45 em học sinh thì 100% đều nhận phần thưởng học sinh giỏi. Chẳng phụ huynh nào nghĩ là con mình có khiếu văn chương đến mức tất cả bài văn đều đạt điểm chín, điểm mười. Điều khó tin nhưng có thật là, vừa kết thúc năm học, hàng ngàn “học sinh giỏi” ấy lại lao vào các lò luyện để thi vào các lớp đầu cấp: 6 và 10. Nếu đó không phải bệnh thành tích thì chính sự bất nhất giữa cách thức đánh giá học sinh và hệ thống trường lớp thi cử là nguyên nhân của căn bệnh thường niên này.
Hỏi một giáo viên vừa chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, liệu làm thế nào để không còn những trăn trở về gánh nặng mùa thi. Nhà giáo nọ trả lời: “Căng thẳng mà làm gì. Cho dù chúng nó (học sinh) có lêu lổng thế nào cũng mất 12 năm nhọc nhằn đèn sách, cứ để chúng lấy cái bằng mang về nhà hong trên giàn bếp hay vùi trong tổ mối thì cũng vinh dự”.
Theo Như Thuần
(SGTT.VN)
Bình luận (0)