Từ ngày cha mẹ bị bắt sau cái chết bí ẩn của bà nội, chị em Trâm mỗi đứa một nơi, căn nhà đóng cửa bỏ hoang. Ngoài nỗi nhớ cha mẹ đến thắt ruột, những đứa trẻ còn hứng chịu búa rìu dư luận vì đấng sinh thành bị buộc vào tội ác tày đình.
Cô gái trẻ một tay vịn chặt cậu em, một tay ôm mặt ngăn dòng nước mắt, dõi theo dáng cha mẹ được dẫn giải lên cầu thang tiến về phòng xử án của tòa phúc thẩm TAND TP HCM. Thấy cha chực ngã nhào khi bước lên bậc tam cấp vì chiếc xích chân quá chặt, hai chị em cùng bật khóc nức nở, chạy ùa đến nhưng đã bị ngăn lại bởi hàng rào cảnh sát.
Từ hàng ghế bị cáo, hai vợ chồng Huỳnh Văn Quyên (48 tuổi) và Lê Thị Tám (43 tuổi, cùng ngụ Vĩnh Long) chốc chốc lại quay người xuống dưới nhìn hai đứa con nhỏ lẫn trong những khuôn mặt thân quen của người thân. Như hiểu ánh mắt của họ, Trâm khẽ khàng lên tiếng: "Chúng con vẫn khỏe, em ba bận thi không đến được". Chỉ nói được đến đó, nước mắt lại chảy tràn trên gương mặt cô gái.
Từ hàng ghế bị cáo, hai vợ chồng Huỳnh Văn Quyên (48 tuổi) và Lê Thị Tám (43 tuổi, cùng ngụ Vĩnh Long) chốc chốc lại quay người xuống dưới nhìn hai đứa con nhỏ lẫn trong những khuôn mặt thân quen của người thân. Như hiểu ánh mắt của họ, Trâm khẽ khàng lên tiếng: "Chúng con vẫn khỏe, em ba bận thi không đến được". Chỉ nói được đến đó, nước mắt lại chảy tràn trên gương mặt cô gái.
Phiên tòa bắt đầu cũng là lúc Trâm run rẩy chắp tay nguyện cầu cho cha mẹ được giải oan. |
Phiên tòa bắt đầu cũng là lúc Huyền Trâm run rẩy chắp tay nguyện cầu, không màng đến những ánh mắt thương cảm của mọi người đang hướng về mình. Cô cứ ngồi như thế suốt thời gian chủ tọa công bố nội dung vụ án, nước mắt quện loang cả vạt áo sơ mi màu hồng nhạt.
Bà Dương Thị Tám (78 tuổi) sống với vợ chồng người con trai út là Quyên và Tám, làm nghề bán bún. Do bà Tám thường khắt khe, hay rầy la con cháu nên cuộc sống gia đình có nhiều bất hòa. Mâu thuẫn càng lên cao khi bà Tám có ý định bán đất chia đều cho các con gái nhưng Quyên không đồng ý.
Rạng sáng ngày 7/2/2007, trước khi đi bỏ mối bún cho bạn hàng, Quyên lại xảy ra cãi vã với mẹ. Do quá tức giận, người này đã bóp cổ mẹ và gọi vợ đến phụ giúp. Nghĩ mẹ đã chết, vợ chồng Quyên khiêng xác xuống xuồng, buộc bao gạch vào thi thể nạn nhân rồi chở ra sông dìm xác.
Với kết luận trên, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Quyên mức án chung thân, Tám nhận 13 năm tù cùng về tội “giết người”.
Cũng giống như những lần xét xử trước, vợ chồng Quyên vẫn một mực kêu oan, rằng những bản cung nhận tội giết mẹ trong hồ sơ vụ án là do bị cán bộ điều tra ép cung. Nói về người hàng xóm được xác định là nhân chứng đã nhìn thấy vợ chồng mình khiêng xác mẹ, cả Quyên và Tám đều cho rằng do người này có mâu thuẫn với gia đình mình trước đó nên lời khai không đáng tin cậy.
“Chúng tôi không giết mẹ. Ra tòa là cơ hội cho chúng tôi nói hết sự thật, xin HĐXX xem xét giải oan cho chúng tôi…”, cặp vợ chồng tha thiết khẩn cầu.
Thế nhưng, sau gần 5 giờ làm việc căng thẳng, một lần nữa, cơ quan xét xử vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Ngày 3/3, tòa phúc thẩm đã trả hồ sơ vụ án, giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại vì hàng loạt sai phạm tố tụng và những chứng cứ buộc tội chưa được làm sáng tỏ.
Lại một cuộc chia ly chóng vánh nhưng đầy nước mắt của chị em Trâm với đấng sinh thành. Chỉ cách nhau vài bước chân nhưng hai đứa trẻ không thể đến gần cha mẹ. Khi chiếc xe tù mất hút sau cánh cổng tòa án, Trâm đứng thẫn thờ như hóa đá, hai mắt đỏ hoe.
Hơn 1.000 ngày xa cách, chị em cô chỉ được nhìn thấy cha mẹ ở 3 phiên xét xử. |
Bằng giọng nghẹn ngào, cô gái trẻ kể về tấm bi kịch đã xảy đến gia đình mình hơn 3 năm về trước.
Ngày làm đám ma bà nội, cha cô rất đau khổ vì trong dòng tộc ai cũng nghĩ là bà tự tử. Trước đó, đã vài lần bà nội tuyên bố với mọi người nếu sau này sức khỏe kém sẽ tự chết chứ không muốn làm phiền con cháu. Các cô chú tưởng bà lẩn thẩn, ra sức khuyên nhủ dỗ dành nhưng cũng có lần bà đã lao đầu vào xe ôtô khiến con cháu một phen hú vía. Nhưng lần này bà nội chết thật, là người có nghĩa vụ phụng dưỡng bà nên cha cô tự trách mình đã không tròn bổn phận làm con.
Chưa nguôi nỗi đau mất bà, khi Trâm đang ở Cần Thơ theo học năm nhất ngành Du lịch thì nhận được điện báo cha bị bắt. Nháo nhào về đến quê, cô đau đớn chứng kiến công an đến bắt luôn cả mẹ cô vì cho rằng họ giết chết bà nội. Từ đó, gia đình cô tan nát. Cô về ở với ông bà ngoại còn hai đứa em được người bác lớn mang về nuôi. Căn nhà ngày xưa vốn tràn ngập tiếng cười giờ bỏ hoang, lạnh lẽo.
“Đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất của 3 chị em tôi. Nếu không có người thân an ủi động viên, chắc chẳng đứa nào có tâm trí học bởi không chịu nổi tiếng gièm pha của người đời và mặc cảm với thầy cô, bạn bè. Người ta thấy công an bắt cha mẹ tôi thì quả quyết họ là hung thủ…”, Trâm bật khóc nức nở.
Ngày qua ngày, chị em cô mong ngóng tin tức của cha mẹ đến mỏi mòn nhưng cơ quan điều tra viện đủ lý do không cho gặp. Lúc thì vụ án đang ở giai đoạn điều tra, lúc lại cho rằng hồ sơ đã chuyển lên tòa tối cao nên không còn thẩm quyền giải quyết. Vậy là, hơn 1.000 ngày xa cách, chị em cô chỉ được nhìn thấy cha mẹ ở 3 phiên xét xử nhưng cũng chẳng thể nói được gì.
“Chị em tôi và cả hai bên nội ngoại tha thiết mong những người làm pháp luật hãy tìm ra sự thật, để chị em tôi có một gia đình đúng nghĩa”, Trâm khẩn nguyện đầy xót xa.
Vũ Mai (VnExpress)
Bình luận (0)