Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đăng Khôi thấy từ người yêu quá xa xỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Vừa chia tay bạn gái do cả hai không chịu nổi áp lực và dư luận, chàng ca sĩ điển trai thổ lộ, anh là người rất yếu đuối trong tình cảm và đang cố chạy trốn khỏi vòng kiểm soát của tình yêu.

Bản thân anh thấy mình đang đứng ở đâu trên thị trường âm nhạc?

Đăng Khôi vẫn chưa nguôi nỗi nhớ về tình yêu học trò trong sáng.

– Tôi đang gặp thời. Tôi tự hào nằm trong số 20 ca sĩ trẻ nổi tiếng nhất hiện nay. Tôi đã có 7-8 sản phẩm ngoài thị trường sau 6 năm theo nghề ca sĩ. Đã đến lúc hái trái chín. Đến thời của mình, mình không được từ chối bất cứ cơ hội nào. Ngày xưa tôi mong đi hát mà không có chỗ nào mời, 50 nghìn cho một buổi diễn 3-4 bài, một tháng cùng lắm được mời vài buổi.

Nguyên do nào anh tự tin vào mình như thế?

– Tôi cảm thấy sức ảnh hưởng thông qua lịch làm việc và sự yêu mến của khán giả dành cho tôi. Tôi không chọn con đường khó như hai người bạn thân là Ngọc Khuê, Tùng Dương. Xã hội có rất nhiều tầng lớp nghe và thưởng thức. Tôi muốn âm nhạc của mình mang tính chất gần gũi, phổ biến để tấn công vào số đông.

Về chuyên môn, có thể tôi không được đánh giá cao bằng một số ca sĩ khác. Nhưng xét về khả năng lan tỏa, tôi tự hào mình là một trong ba người có ảnh hưởng lớn nhất đến giới trẻ: Hà Anh Tuấn, Đăng Khôi và Quang Vinh. Nói thế không có nghĩa là tôi kiêu ngạo. Khi làm việc, tôi là người biết lắng nghe, nhưng trong công việc tôi phải tự biết mình đang ở đâu, vị trí nào để biết hướng lên.

Anh hiện là ca sĩ của lứa tuổi teen nhưng khi tuổi tác nhiều hơn, anh dự định thay đổi dòng nhạc ra sao cho phù hợp?

Trong chuyện tình cảm, Đăng Khôi mong muốn có cái hậu về sau như Quang Dũng, Lam Trường.

– Tôi ý thức được điều đó và đang thay đổi dần phong cách âm nhạc của mình. Trước đây tôi thích hát những ca khúc sôi động như R&B nhưng ở tuổi 26, tôi thấy mình trưởng thành hơn, âm nhạc của mình cũng tiến dần theo hướng đó. Album vol 6 Tình đầu không nguôi sắp ra mắt là một sự thể nghiệm. Tôi giữ 40% dành cho khán giả trẻ, 60% còn lại thêm về độ sâu và độ lắng để hướng tới những khán giả lớn tuổi hơn.

Tôi sẽ biến hóa với thời gian nhưng hiện không thể nào bắt tôi hát hay một bản nhạc của Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn. Có lẽ phải 5-7 năm nữa, tôi mới tự tin hát nhạc xưa khi đã có đủ độ chín, sự trải nghiệm với đời, phải có gì giằng xé, lắng đọng mới có thể thể hiện những bài hát nhiều tâm trạng như thế.

Vậy anh nhận xét thế nào về sự thể hiện những ca khúc nhạc xưa của các ca sĩ ở độ tuổi của anh?

– Tôi không muốn chê các bạn nhưng tôi cảm thấy các bạn hát chưa hay bằng các bản tôi đã nghe của Hồng Nhung, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng. Có thể phần thể hiện của các bạn có cái mới: sức trẻ, bản phối mới, cách hát mới nhưng không có độ lắng. Nhạc xưa không cần quá nhiều chất kỹ thuật, chất hiện đại. Nó cần sự giản dị, truyền cảm qua tâm hồn. Có thể các bạn cũng hiểu điều đó.

Sáu năm trong nghề, anh thấy mình được, mất những gì?

Đăng Khôi tâm sự, anh thường xuyên bị những nỗi buồn không thể gọi tên ghé thăm.

– Tôi cám ơn con đường này đã cho tôi nhiều thứ. Mình đi một miền quê nào đó, đến bất cứ nơi nào cũng được mọi người quý mến. Đôi khi chỉ là mời vào nhà uống một hụm nước thôi. Sự quan tâm yêu quý ấy không phải người nào cũng có. Đó là cái được lớn nhất của tôi. Ở đời kinh tế là quan trọng, nhưng cái quan trọng hơn là tình cảm. Nhiều người khi có tiền, sẵn sàng chấp nhận đánh đổi tiền bạc để lấy tình cảm mà không được.

Tuy nhiên, để theo đuổi con đường nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chấp nhận hy sinh. Đầu tiên là về kinh tế. Tôi xin khẳng định, không giàu có thì không thể làm âm nhạc, vì nghề này cần nhiều tiền nhất trong mọi nghề. Sau sáu năm, tính tổng cộng tôi đã tiêu tốn khoảng 4-5 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ của ba mẹ mà tôi còn phải đi vay mượn. Bây giờ tôi đã trả được phân nửa chỗ đó nhưng vẫn là con nợ.

– Ngoài tiền bạc, anh còn chịu thiệt thòi gì nữa?

– Tôi từng bị đồn có vấn đề về giới tính vì đi đâu cũng đi cùng nhóm bạn toàn con trai. Tôi chẳng biết đính chính thế nào, không thể đeo biển khi ra ngoài đường: “Tôi không thuộc giới tính thứ ba” được. Nhưng tôi tin rằng, những người đã tiếp xúc với tôi sẽ biết tôi như thế nào. Tôi cũng rất quý những người thuộc giới thứ ba. Họ là những người make-up, thiết kế trang phục… của tôi, luôn quan tâm chia sẻ với tôi kinh nghiệm sống. Theo tôi, giới tính thứ ba, bản thân họ cũng là con người. Tôi nghĩ xã hội nên chấp nhận họ.

Việc chơi thân với những người giới tính thứ ba gây trở ngại gì cho chuyện tình cảm của anh?

– Tôi không lo lắng chuyện này ảnh hưởng đến tình cảm vì tôi nghĩ đã yêu phải tin tưởng lẫn nhau. Hơn nữa, hiện tại tôi cũng chẳng có bạn gái để lo lắng điều đó. Tôi mới chia tay người yêu do cả hai không thể chịu nổi áp lực. Cô ấy ở Hà Nội, tôi ở Sài Gòn, một tháng cùng lắm có hai, ba lần gặp nhau khi tôi bay ra Hà Nội diễn. Một năm không gặp quá 30 lần. Môi trường làm việc của tôi tiếp xúc với nhiều người đẹp, mình là ca sĩ nên nhiều người thích. Người bạn gái không thông cảm thật khó mà vượt qua. Nhiều khi đi gặp bạn bè, đối tác hay người hâm mộ là những cô gái đẹp, người quen đi qua nhìn thấy về đồn đến tai bạn gái mình. Ai chấp nhận yêu nghệ sĩ, phải chấp nhận rất nhiều sự hy sinh.

Chia tay mối tình hiện tại, nhưng anh lại đặt tên album mới là “Tình đầu không nguôi”. Có điều gì khiến anh còn day dứt?

– Trong mỗi con người chúng ta ai cũng có mối tình đầu. Người ta thường nói tình đầu là tình trong sáng lãng mạn nhưng thường tan vỡ, dở dang. Mối tình đầu của tôi là mối tình học sinh, kéo dài 2-3 năm. Như tất cả các bạn học sinh khác, tôi cũng đến đón nàng đi học, cũng đạp xe đưa nàng dạo quanh phố phường. Nhưng lúc đó, tôi còn quá trẻ con, còn vội vàng nóng nảy, cách cư xử với bạn gái chưa trọn vẹn. Vì thế, nhiều cái để lại cho mình những sự vương vấn. Chính tâm sự ấy khiến tôi thổ lộ với anh Trương Lê Sơn, nhờ anh viết ca khúc “Tình đầu không nguôi”. Người nghệ sĩ hay nhất là cất kỷ niệm đi, rồi sau đó có vấn đề gì, lại lôi ra kể toang toác cho mọi người (cười).

Em trai Đăng Nguyên kém anh 4 tuổi đã lập gia đình, anh định bao giờ yên bề gia thất?

– Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hôn nhân. Một người con trai lập gia đình năm 25-26 tuổi là bình thường nhưng với một nghệ sĩ, làm như thế là ích kỷ với khán giả, vì khi có gia đình người nghệ sĩ không thể đốt cháy hết mình cho nghệ thuật. Gia đình như một thứ níu bước làm mình chùn lại.

Nhiều người trách tôi nghĩ cho nghề mà không nghĩ cho bạn gái nhưng biết sao được, mình đứng ở ngã ba đường, không thể không chọn một. Tôi không thể làm tròn trách nhiệm cả với nghệ thuật và với người yêu. Nghề nghiệp không cho phép tôi có sự chắc chắn về tình cảm.

Từ “người yêu” trong nghề của tôi xa xỉ lắm.

Ngọc Trần (Theo VNE)

Bình luận (0)