Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Huấn luyện viên – “Nghề nguy hiểm”: Cái giá của sự kiêu ngạo

Tạp Chí Giáo Dục

Roma đã đối xử rất fair-play, khi để Claudio Ranieri tuyên bố từ chức chứ không sa thải, như cách họ từng làm với Luciano Spalletti. Nhưng dù ra đi theo kiểu nào thì đây cũng là thất bại của “Gã thợ hàn”. Nói một cách chính xác, đây là cái giá mà Ranieri phải trả bởi sự kiêu ngạo.

Ranieri tự tuyên bố từ chức

Người hùng và kẻ thất bại
Các tifosi Roma vẫn chưa quên cái ngày Claudio Ranieri trở lại sân Olimpico để thay thế Luciano Spalletti đầu tháng 9/2009. Chỉ trong thời gian ngắn tiếp quản băng ghế huấn luyện, Ranieri đã xua tan mọi hoài nghi nhắm vào mình, và mang đến những điều đặc biệt cho Roma. Từ chỗ rệu rã khi khởi đầu mùa giải với hai thất bại liên tiếp, Roma bừng tỉnh để trở thành đội có phong độ ấn tượng hơn tất cả.
Khi ấy, dưới sự dẫn dắt của Ranieri, Roma thăng tiến chóng mặt, và san bằng kỷ lục 24 trận bất bại liên tiếp ở Serie A mà đội bóng thủ đô từng trải qua thời hoàng kim với Fabio Capello. Ngoài ra, kết thúc mùa 2009-2010, Roma của Ranieri cũng chinh phục kỷ lục của người tiền nhiệm Spalletti: Giành tổng cộng 24 trận thắng. Nếu may mắn hơn, Roma thậm chí đã có thể lật đổ Inter để giành Scudetto, danh hiệu mà họ chưa một lần với tới kể từ năm 2001.
Thành công trong mùa trước là cơ sở để các tifosi chờ đợi những điều tích cực hơn nữa dưới triều đại Ranieri. Để giúp Ranieri thêm thuận lợi, Roma đã đưa Adriano trở lại Italia, sau mùa giải “Hoàng đế” bùng nổ cùng Flamengo. Marco Borriello cũng rời San Siro để gia nhập màu áo bã trầu.
Thế nhưng, thực tế diễn ra trong mùa giải này không giống với sự kỳ vọng của lãnh đạo Roma và các tifosi. Roma khởi đầu mùa giải với một loạt kết quả thất vọng. Ở Serie A, Roma chỉ hòa và thua sau 4 lượt trận đầu tiên. Đến hết vòng đấu thứ 6, số trận thắng của Roma chỉ là 1, và đội bóng thủ đô liên tục ngụp lặn ở đáy bảng xếp hạng. Trên sân chơi Champions League, dù nằm ở một bảng đấu nhẹ, nhưng Roma rất vất vả mới giành vé vào vòng knock-out, trong đó có thất bại 1-3 ngay trên sân nhà trước đội bóng yếu Basel.
Những cuộc khủng hoảng ngắn và dài liên tục xuất hiện, khiến các tifosi liên tục tập trung quanh khu vực trung tâm huấn luyện Trigoria để đòi “trảm” Ranieri. Tuy vậy, vì tình cảm (Ranieri có một quá khứ rất sâu đậm với Roma), hoặc có thể là lý do tế nhị về số tiền bồi thường hợp đồng, Roma đã không đưa ra quyết định sa thải Ranieri.
Cuộc hôn nhân gượng ép này càng khiến thành tích sân cỏ của Roma tệ hơn. Kể từ đầu năm 2011, Roma chỉ giành 10 điểm trong 8 trận đấu ở Serie A. Phong độ đáng xấu hổ này khiến cơ hội tham dự đấu trường châu Âu mùa tới của “Giallorossi” bị đe dọa nghiêm trọng. Ở Champions League, hy vọng giành vé vào tứ kết của Roma cũng trở nên hết sức mong manh, sau khi họ chịu phơi áo 2-3 ngay tại Olimpico trước Shakhtar Donetsk. Cúp Italia là sân chơi duy nhất Roma đang đi đúng hướng, nhưng đây vốn dĩ là giải đấu không mấy ai quan tâm.
Gã thợ hàn kiêu ngạo
Khi Roma để thua ngược 3-4 sau khi đã đến 3 bàn trên sân Marassi trước Genoa (thất bại thứ 4 liên tiếp trên các mặt trận), Ranieri vẫn tự tin tuyên bố ông không từ chức. Tuy nhiên, trước áp lực khổng lồ từ phía các tifosi (tấn công xe buýt chở cầu thủ, đập phá đường phố và khu Trigoria), cũng như sức ép từ phía lãnh đạo, “Gã thợ hàn” không còn lựa chọn nào khác là phải ra đi. Cách mà Ranieri mất việc cũng giống như Spalletti, Roma không sa thải, nhưng sẽ gây sức ép để buộc hai người phải từ chức.
Roma thất bại khiến Ranieri trở thành kẻ thất nghiệp trong thời gian tới. Nhưng còn một lý do khác nữa khiến “Gã thợ hàn” phải trá giá đắt: Tính kiêu căng và tự phụ. Ở Trigoria, Ranieri muốn mình là số một, và luôn cho mình được phép xa lánh cầu thủ lẫn các trợ lý. Sau mỗi kết quả không như ý muốn, Ranieri không bao giờ thừa nhận sai lầm thuộc về mình, như một số huấn luyện viên (HLV) khác vẫn làm. Người duy nhất mà Ranieri chấp nhận làm việc chung và lắng nghe là chủ tịch Rosella Sensi. Đấy là chưa kể Ranieri luôn làm hỏng mối quan hệ của câu lạc bộ với đối thủ, khi luôn chỉ trích đối phương.
Thực tế, các HLV thành công đều luôn tạo ra một môi trường mà ở đó mình là kẻ số một. Từ Milan đến Juventus, và cả Roma nữa, Capello rất thành công với triết lý “đội bóng không có cầu thủ ngôi sao; ngôi sao duy nhất trong đội là HLV”. Cách làm của Capello khiến những cá tính lớn như Savicevic, Desailly, Boban (Milan); Totti, Batistuta, Montella (Roma); Emerson (theo ông từ Roma, Juventus đến Real Madrid), Ibrahimovic, Del Piero (Juventus) đều không dám có ý kiến. Những thành công trong gần một thập niên trở lại đây của Jose Mourinho, với hai danh hiệu Champions League cùng hai CLB khác nhau, cũng nhờ vào việc biến mình thành số một trong phòng thay đồ.
Chỉ có điều, cách làm của Ranieri khác xa so với Capello và Mourinho. Trong khi Capello và Mou vẫn luôn giữ sự đối thoại rất cởi mở với mọi cá nhân trong đội bóng, thì Ranieri chọn thái độ im lặng. Đối thoại là điều không hề nằm trong suy nghĩ của nhà cầm quân 59 tuổi này. Giữa ông với các cầu thủ (và đội ngũ kỹ thuật của đội) không có được tiếng nói chung, nên thật khó để tìm ra hướng đi tốt nhất khi đội bóng gặp khó khăn. Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất trong sự nghiệp của Ranieri, khiến “Gã thợ hàn” chưa bao giờ trở thành một HLV lớn, dù không ai nói ông kém về tài năng.
Cũng từ sự kiêu ngạo và độc đoán này, dư luận cho rằng Ranieri đã bị các học trò của mình “đá” (mà Totti là kẻ cầm đầu, vì quyền lợi của anh bị ảnh hưởng rất nhiều), bằng việc tự thua trước Shakhtar và Genoa. Ở lần gặp trước đây tại Olimpico, Shakhtar từng thua Roma đến 4 bàn không gỡ. Trong khi đó, Genoa đã sa sút thảm hại, và gỡ hòa trong thế trận Roma dẫn 3-0 đã là khó, chứ đừng nói đến giành thắng lợi 4-3. Nếu ý kiến của dư luận đúng, thì đó cũng là một bài học đáng giá cho Ranieri, một kẻ mà “sự kiêu ngạo luôn đi trước tài năng” – lời của Mourinho trước trận derby d’Italia mùa giải 2008-2009.
Một nửa HLV mất việc
Với việc Ranieri tuyên bố từ chức, và cựu tiền đạo Vincenzo Montella lên nắm quyền, Roma trở thành đội bóng thứ 8 ở Serie A mùa này có sự thay đổi người cầm quân. Trước Roma, có 7 CLB đã phải thay tướng, và điều đặc biệt là tất cả bị sa thải chứ không phải từ chức như Ranieri.
Trong đó, Bologna và Lecce là những đội đã thay tướng hai lần. Ngay trước ngày khai mạc Serie A, Bologna bất ngờ sa thải Franco Colomba và thay bằng Paolo Magnani, HLV đội trẻ của CLB. Magnani cũng chỉ cầm quân Bologna trong trận ra quân hòa Inter không bàn thắng, trước khi nhường chỗ cho Alberto Malesani. Phong độ của Bologna dưới thời Malesani là khá tốt, và nếu không bị trừ 3 điểm vì các vấn đề tài chính mùa trước, đội bóng xứ Emilia – Romagna đang giữ vị trí ở nửa trên bảng xếp hạng.
Trường hợp của Lecce, HLV Giuseppe Iachini bị sa thải sau vòng 15, khi đội bóng miền Nam liên tục nằm ở nhóm đèn đỏ. Mario Beretta được đưa lên thay thế, nhưng cũng chỉ tại vị đến hết vòng đấu 22. Hiện, Giuseppe Iachini là HLV thứ 3 của Lecce từ đầu mùa.
Ngoài 8 CLB trên, còn một loạt CLB khác đang có ý định tìm nhà cầm quân mới, khi mùa giải chuẩn bị bước vào chặng nước rút.
“Ghế nóng” ở Serie A
CLB           HLV mất việc       Thời điểm       HLV thay thế
Bologna      Paolo Magnani       29/08/2010      Alberto Malesani
Genoa         G. P. Gasperini     08/11/2010       Davide Ballardini
Cagliari        Pierpaolo Bisoli     15/11/2010       Roberto Donadoni
Brescia        Giuseppe Iachini    06/12/2010      Mario Beretta
Inter            Rafael Benítez        23/12/2010      Leonardo
Catania       Marco Giampaolo    18/01/2011      Diego Simeone
Brescia        Mario Beretta         30/01/2011      Giuseppe Iachini
Bari             G. Ventura             10/02/2011      Bortolo Mutti
Roma          Claudio Ranieri        20/02/2011     Vincenzo Montella
Ngọc Linh (theo TTVH)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)