Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ra đề khó lắm…

Tạp Chí Giáo Dục

Trên các báo vừa đưa tin với nhiều chiều ý kiến về việc ra đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2018 ở tỉnh Bắc Giang.

Trên tinh thần đổi mới, làm mới cách ra đề bộ môn ngữ văn nhằm kích thích trí sáng tạo; sự thể hiện năng lực qua việc phân tích đề và làm bài của học sinh. Đối tượng ở đây là học sinh giỏi văn, là những học sinh có năng lực về bộ môn văn. Câu 1 là hình ảnh một con thuyền nằm trên một bóng đèn tròn được buộc dây lại với nhau. Đề yêu cầu “Hãy viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên”. Mô hình ra đề kiểu cho một bức tranh, một hình vẽ nào đó có chủ đề khá rõ ràng và yêu cầu học sinh viết bài nghị luận. Ví dụ, một đề thi Olympic 30/4 có cho một bức tranh vẽ cảnh năm, sáu người cùng ngồi chung một bàn chờ ăn cơm. Trên tay mỗi người là một điện thoại và ai cũng chăm chú vào màn hình. Yêu cầu là viết một bài nghị luận với câu hỏi: “Những người này họ ngồi gần nhau hay xa nhau?”. Chủ đề bức tranh khá rõ: về khoảng cách vật lý, họ ngồi gần nhau nhưng về khoảng cách tâm lý, họ ngồi xa nhau! Từ đó, học sinh bày tỏ quan điểm của mình về cái lợi thì ít mà cái hại thì nhiều trong việc sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại…

Nói hơi dài dòng một chút vì đề thi của Sở GD-ĐT Bắc Giang, bên cạnh có sự mạnh dạn đổi mới nhưng chủ đề bức ảnh rất khó định hướng cho học sinh. Ngay bản thân tôi, khi nhìn bức ảnh, tôi cũng không hiểu mấy về chủ đề, ý nghĩa của nó? Chủ đề bức ảnh này có thể gây nhiều tranh cãi khi mỗi học sinh hiểu một cách và bài làm sẽ không theo “đáp án” đưa ra. Vấn đề tiếp theo là người chấm: phải cảm nhận thế nào, đánh giá thế nào nếu bài không nằm trong vùng gợi ý của đáp án? Vì chủ đề bức ảnh mơ hồ, không rõ nó nói lên điều gì liên quan tới thời sự hoặc liên quan đến những vấn đề bức xúc, nổi bật của xã hội? Con thuyền sao lại buộc dây vào bóng đèn tròn? Hay bức ảnh muốn phản ánh thời hiện đại (bóng đèn) đã làm mất đi tuổi thơ (con thuyền giấy)? Hay là hiện tại phải gắn liền với quá khứ, không thể tách rời?

Đề văn, theo tôi phải đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm, tính vừa sức… Đã là văn thì dùng ngôn ngữ để diễn đạt một cách trong sáng, hàm chứa nhiều vấn đề mà học sinh phải năng động, sáng tạo mới “giải mã” được. Tôi cũng ủng hộ việc ra đề văn kiểu này, nó bắt buộc học sinh phải động não, nhanh nhạy tìm ra “ẩn số” để định hướng tốt cho bài làm. Nhưng vấn đề đặt ra là việc sử dụng hình ảnh như thế nào cho phù hợp; tránh gây ra nhiều cách hiểu khác xa nhau dẫn tới việc chấm bài gặp khó khăn trong việc thống nhất cho điểm.

ThS. Lê Đc Đng
(Sóc Trăng)

Bình luận (0)