Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Trung Quốc dạy học sinh kỹ năng ứng phó động đất

Tạp Chí Giáo Dục

Bố mẹ Hefan thường nói với cô bé rằng người Nhật Bản được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với động đất và nhiều người đã sống sót nhờ sự chuẩn bị đó.

Khoảng gần 10 giờ tối. Cô bé Liu Hefan, học sinh lớp 3, chuẩn bị đi ngủ để sáng hôm sau dậy sớm tới trường. Đột nhiên cô bé nhớ ra điều gì đó và gọi bà: “Bà ơi, bà đã đặt hai cái hộp của cháu gần cửa phòng tắm chưa?". Dù bà trả lời là đã đặt rồi nhưng Hefan vẫn chưa yên tâm và ra khỏi giường để kiểm tra. Đó là hai cái hộp đựng thức ăn khô như bánh bích quy, hoa quả cùng với túi sữa và chai nước. Hefan đã xem nhiều hình ảnh trên tivi về các trận động đất ở Trung Quốc và Nhật Bản. Hai chiếc hộp đựng đồ ăn khô là những thứ cô bé được dạy trong trường học nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra động đất.
Bố mẹ Hefan thường nói với cô bé rằng người Nhật Bản được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với động đất và nhiều người đã sống sót nhờ sự chuẩn bị đó. Bố Hefan dặn con gái phòng tắm trong nhà là nơi an toàn nhất để trú ẩn khi có động đất. Hefan cũng biết rằng điều quan trọng khi xảy ra động đất là có sẵn thức ăn, đồ uống, đài và các vật dụng khẩn cấp khác trong khi chờ cứu trợ.
Đó là những gì bố mẹ dạy Hefan. Còn ở trường học thì sao? Tờ Legal Evening Paper (LEP) ở thủ đô Bắc Kinh gần đây đã thực hiện cuộc khảo sát tại 50 trường tiểu học ở 4 quận nội thành. Kết quả cho thấy hơn một nửa các trường chưa từng diễn tập sơ tán khi có động đất. Nhiều trường học còn cho biết chưa từng có kế hoạch về vấn đề này, trong khi một số trường muốn nhưng không biết phương thức thực hiện.
Theo một giáo viên ở trường tiểu học Guanyuan ở quận Xicheng, ban giám hiệu nhà trường từng cân nhắc tổ chức diễn tập đề phòng động đất nhưng bối rối vì chưa thống nhất được phương pháp cụ thể. Một số ý kiến cho rằng học sinh nên chui xuống gầm bàn khi có động đất, trong khi số khác lại nói ẩn nấp cạnh bàn thì an toàn hơn.
Khảo sát của tờ báo LEP cũng cho biết, 40% số trường được khảo sát đã ít nhất diễn tập phòng chống động đất một lần trong 3 năm qua. Nhưng giáo viên tại các trường này phải tự thiết kế buổi diễn tập sau khi tham khảo băng hình và đọc sách hướng dẫn…
Ông Zhang Long, quan chức thuộc Ủy ban giáo dục thành phố Bắc Kinh, nói: Các trường tiểu học, trung học và các bậc học cao hơn đều có sách hướng dẫn về vấn đề an toàn trong nhà trường. Nhưng động đất chỉ được đề cập đến trong một chương. Ông Zhang nhận định, điều quan trọng là giáo viên và người tổ chức diễn tập phòng chống động đất phải được huấn luyện các kỹ năng cụ thể nhằm giúp học sinh hiểu được những mối nguy hiểm của động đất.
Cùng chung quan điểm trên, ông Yu Weiyue, trưởng phòng Quản lý trường học thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhấn mạnh các kỹ năng ứng phó với động đất là một phần không thể thiếu trong giáo dục an toàn tại các trường học. Các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc đều có trách nhiệm phải tổ chức ít nhất ba buổi học về an toàn trong tình huống động đất mỗi năm.
Cục động đất Trung Quốc (CEA) cho hay, trong tháng 5/2010, cơ quan an toàn động đất đã phát động một chiến dịch quy mô lớn trên toàn quốc nhằm khuyến khích giáo dục về động đất trong cộng đồng. Năm 2009, Trung Quốc cũng thực hiện một dự án kéo dài 3 năm nhằm kiểm tra khả năng ứng phó với tình huống xảy ra động đất tại các trường tiểu học và trung học trong cả nước.
Quay trở lại với Hefan, bố mẹ cô bé tin rằng con gái mình ít nhất đã được chuẩn bị về mặt tinh thần nếu chẳng may xảy ra động đất. “Chuẩn bị về mặt tinh thần dù sao cũng tốt hơn là không làm gì cả”, bố Hefan nói.
Theo baotintuc

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)