Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Chi hàng chục tỷ nhưng hiệu quả vẫn thấp

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã chi hàng chục tỷ đồng cho công tác cử tuyển, thế nhưng ngành chức năng thừa nhận đang tồn tại nhiều bất cập trong việc xét tuyển, sử dụng đối tượng học hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Nhiều học sinh miền núi ngoài giờ đến lớp phải đi kiếm măng, củi trên rừng
Lãng phí tiền của Nhà nước
Cụ thể, trong 10 năm (2000-2010), Thanh Hóa đã chọn cử 1.917 học sinh hệ cử tuyển (gồm 21 ngành và chuyên ngành), số sinh viên đã tốt nghiệp là 1.259 (đạt 65,9%). Sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển được bố trí công tác tại các địa phương là 534 (đạt 42,41%), có địa phương tỷ lệ sinh viên được bố trí việc làm chỉ đạt hơn 10%. 
Theo quy định, thì đối tượng cử tuyển sẽ được hỗ trợ tiền ăn học và bố trí việc làm tại địa phương sau khi tốt nghiệp. Đây là chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiện thường trú ở các huyện miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Đối tượng được xét tuyển đi học là con em đồng bào dân tộc thiểu số được cử đi học tại các trường trong và ngoài tỉnh. 
Thế nhưng, trong nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều hội đồng tuyển sinh chưa thực sự quan tâm đến việc tạo nguồn tuyển sinh, chưa có quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ để làm cơ sở cho việc đề xuất nhu cầu từ nguồn đào tạo cử tuyển, đảm bảo cân đối cơ cấu cán bộ cho các ngành kinh tế, kỹ thuật của huyện. Việc công khai đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh chưa rộng rãi đến cơ sở để tất cả học sinh đủ điều kiện được nộp hồ sơ xét tuyển. Một số huyện xét học sinh chưa đúng vùng tuyển để đảm bảo chỉ tiêu. Việc xét chọn học sinh cử tuyển chưa chú trọng đến chất lượng học sinh…
Trong khi đó, chất lượng đào tạo từ hệ cử tuyển còn hạn chế do chất lượng học sinh được tuyển đầu vào thấp. Thực tế, đã có học sinh sau khi nhập học không theo học được buộc phải thôi học hoặc xuống học hệ trung cấp hoặc sau khi tốt nghiệp ra trường phân công công tác khó, ít nơi nhận. Đáng chú ý là việc phân công, bổ nhiệm, tuyển dụng học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Bà Lê Thị Luyến- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Lang Chánh cho hay: Toàn huyện Lang Chánh hiện có gần 40 đối tượng tốt nghiệp hệ cử tuyển chưa được bố trí việc làm. Việc bố trí việc làm cho các đối tượng này trong thời gian tới sẽ rất khó. Bởi lẽ, phần lớn những đối tượng này là những chỉ tiêu, chủng loại ngành nghề được phân bổ chưa thực sự sát với nhu cầu ngành nghề mà huyện đề nghị. Mặt khác, phần lớn những đối tượng này tốt nghiệp hệ trung cấp hoặc cao đẳng không đạt tiêu chí tuyển dụng cán bộ ở huyện… Không thể sử dụng đối tượng đã được hỗ trợ tiền đi học rõ ràng đó là một sự lãng phí tiền của của Nhà nước.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trong ba năm gần đây (2008, 2009, 2010), tại Thanh Hóa, ngân sách Nhà nước đã chi 27,242 triệu đồng cho đào tạo hệ cử tuyển. Từ những bất cập trong công tác xét tuyển, sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng, nếu quy trách nhiệm thì trách nhiệm thuộc về hệ thống chứ không phải của riêng khâu nào.
Ngày 29-7, từ đánh giá công tác cử tuyển giai đoạn 2000-2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo đối với sinh viên các ngành sư phạm nếu không đạt yêu cầu để tham gia giảng dạy ở cấp THPT thì các huyện bố trí giảng dạy đúng chuyên ngành đào tạo hoặc làm công tác hành chính ở cấp tiểu học và THCS. Trường hợp còn lại được xem xét tuyển vào làm công chức xã. Nhưng có thể khẳng định, đây là việc không hề dễ cho cơ sở thực hiện, thậm chí khó có thể thực hiện trên cơ sở những gì mà cơ sở đã nêu ra ở trên.
Và trong lúc này, hàng trăm đối tượng đã tốt nghiệp cử tuyển nhiều năm tiếp tục công việc lên nương lên dẫy, đi làm ăn xa… Trong đó, có nhiều người đã từ bỏ hy vọng, nhưng cũng có nhiều người vẫn mong manh hy vọng được chính quyền, cơ quan chức năng bố trí việc làm. Thừa nhận đang tồn tại nhiều bất cập trong công tác sử dụng đối tượng tốt nghiệp hệ cử tuyển, nhưng lời giải cụ thể ngành chức năng vẫn chưa thể đưa ra. 
Theo Sông Mã
(Tamnhin.net)

Bình luận (0)